Podcast – phương thức tiếp cận công chúng hiệu quả của báo chí

Podcast - một hình thức “nghe báo” đang nổi lên và trở thành một xu thế công nghệ mới, cách tiếp cận công chúng đầy hứa hẹn của báo chí, truyền thông thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo Statista, đến hết năm 2022, ước tính số lượng người nghe podcast sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới (khoảng 424 triệu người). Podcast – một hình thức “nghe báo” đang nổi lên và trở thành một xu thế công nghệ mới, cách tiếp cận công chúng đầy hứa hẹn của báo chí, truyền thông thế giới cũng như ở Việt Nam. Bài viết này sẽ làm rõ hơn xu thế của Podcast cũng như những lợi thế sản xuất của các cơ quan báo chí và lý giải tại sao phương thức truyền thông này trở kênh tiếp cận công chúng hiệu quả.

Phương thức “Nghe báo” Podcast

Thuật ngữ Podcast được ghép giữa hai từ iPod (máy nghe nhạc iPod của Apple) và broadcast (phát sóng), là hình thức phát âm thanh trực tuyến. Loại hình truyền thông mới này có vẻ giống báo nói radio khi đều tạo ra nội dung âm thanh để truyền tin tới người nghe. Tuy nhiên, khác radio, podcast thường được biên tập lại kỹ càng, theo từng chủ đề nhằm vào đối tượng người nghe đích. Đặc biệt, khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại đoạn mà người dùng muốn nghe chính là ưu thế của podcast so với radio. Ngoài việc đăng tải trên các trang báo điện tử, nền tảng chủ yếu mà công chúng có thể nghe podcast là Apple podcast, Spotify, Google podcast,…

podcast 8211 phuong thuc tiep can cong chung hieu qua cua bao chi
Dự đoán số lượng người nghe trên toàn thế giới từ năm 2019 tới 2024. Nguồn: statista.com

Hiểu một cách đơn giản, podcast là một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe bất kỳ lúc nào. Mô hình này được ví như tivi truyền thống hiện nay so với Netflix. Podcast là một kênh phát âm thanh chuyên biệt và là một mảng hứa hẹn của báo chí. Một trong những điểm thuận lợi của “báo podcast” là hiện nay, các tòa soạn báo đều đang làm truyền thông hội tụ, không phân biệt báo in hay báo điện tử, truyền hình, được các chuyên gia cho rằng, hình thức “nghe báo” này được dự đoán sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới.

Thêm vào đó sự phát triển nhanh chóng và đầy tiềm năng của loại hình nội dung này, việc sử dụng podcast để làm công cụ marketing chắc chắn là lựa chọn thông minh của các marketer. Theo nghiên cứu mới đây về doanh thu quảng cáo IAB Podcast, kết hợp với PwC, doanh thu quảng cáo podcast ở Hoa Kỳ được dự đoán vượt quá 1 tỷ USD vào năm 2021.

Tại Việt Nam, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đã sản xuất các seri podcast, ví dụ một số đơn vị sản xuất podcast chuyên nghiệp như VOVLive, Nhân dân, Vietnamplus, VN Express, Lao Động, VTC News,… Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hàng tháng, người phụ trách chương trình này cho biết: “Lập kênh phát thanh giúp chúng tôi tận dụng được thế mạnh của Báo Nhân Dân trong việc cung cấp cho người sử dụng nội dung mang tính giải trí, văn hóa cao. Những năm gần đây, mảng văn hóa, văn học nghệ thuật trên Báo Nhân Dân thu hút được sự cộng tác của nhiều chuyên gia, nhiều văn sĩ trí thức có tiếng, có uy tín, tạo được sự tin cậy và hấp dẫn với bạn đọc. Chương trình sẽ “lên sóng” với tần suất hai số mỗi tuần, thời lượng trung bình từ 25 đến 30 phút/số. Với lợi thế của Podcast dùng người thật dẫn, nhà báo đọc tin tức cho độc giả nghe, hoặc các nhân vật trò chuyện với nhau, những câu chuyện thực tế giống như báo nói để truyền cảm xúc, thuyết phục người nghe hơn.[1]

Vnexpress – tờ báo điện tử được nhiều người đọc nhất Việt Nam cũng đã mở chuyên mục Podcast với các nội dung Sức khỏe, Thời sự, Tư vấn tâm lý, tư vấn online về chuyện tình cảm cá nhân, tình yêu đôi lứa cũng rất thu hút khán giả trong thời gian qua,…

Báo điện tử Vietnamplus – một trong những cơ quan báo chí luôn đi đầu trong việc cập nhật xu hướng truyền thông mới đã sản xuất Podcast những nội dung chuyên sâu về các khía cạnh của đời sống, xã hội, kinh tế, văn hoá, giải trí rất bài bản, chuyên nghiệp được lượng lớn công chúng đón nhận.

Những lợi thế sản xuất Podcast của các cơ quan báo chí, truyền thông

Công chúng Việt Nam hiện nay đang đón nhận podcast là hình thức “thuận tiện” để tiêu dụng sản phẩm thông tin. Các cơ quan báo chí, truyền thông có những lợi thế nhất định khi sản xuất kênh podcast chuyên nghiệp, có nội dung đặc sắc. Bởi với kinh nghiệm dày dặn trong việc sản xuất tin tức, thực hiện phóng sự hay các thể loại khác của báo chí sẽ giúp các toà soạn có thể tạo nên và phát triển kênh podcast một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, với lượng công chúng đã gắn bó với cơ quan báo chí cũng là một lợi thế để có lượng “thính giả” cho kênh podcast. Ngoài ra việc kiểm soát chất lượng thông tin chặt chẽ cũng là một ưu điểm của các cơ quan báo chí so với các đơn vị sản xuất podcast khác.

Podcast – kênh tiếp cận công chúng hiệu quả

Hiện nay hầu hết các trang báo, tạp chí điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp độc giả ngoài việc đọc có thêm lựa chọn nghe tin tức. Tuy nhiên, podcast với việc các tác phẩm báo chí được thu âm bằng giọng thật sẽ thu hút và tiếp cận công chúng hiệu quả hơn bản tin AI. Bên cạnh đó, podcast trở thành phương tiện hữu ích giúp các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng lòng trung thành của độc giả với những cuộc phỏng vấn, trao đổi, thông tin gần gũi, mang nhiều cảm xúc.

Theo Báo cáo Tin tức số của Viện Reuters năm 2018, nhiều người thích nghe podcast và thế hệ trẻ cũng là một phần lớn trong số đó. Vì vậy, nếu báo chí muốn xây dựng lòng trung thành của người dùng hoặc thu hút những thính giả trẻ, podcast là một giải pháp tốt để thực hiện điều đó.

Podcast là lợi ích bổ sung, làm phong phú thêm các kênh tin tức của báo chí chỉ với chi phí rất nhỏ. Không giống như video, đòi hỏi vốn đầu tư tốn kém về thiết bị cũng như nhân sự, kinh phí để tham gia vào thị trường podcast thấp hơn rất nhiều. Thậm chí, báo chí có thể dễ dàng thực hiện một chương trình với chi phí sản xuất thấp mà hai nhà báo có thể thảo luận với nhau về một chủ đề nào đó.

Podcast có thể củng cố mối quan hệ với độc giả hiện tại của tòa soạn, thu hút độc giả mới, tăng uy tín biên tập của tòa soạn, xây dựng lòng trung thành và niềm tin của độc giả đối với các nhà báo, biên tập viên hay người phụ trách một chuyên mục của tòa soạn. Việc lắng nghe một chuyên gia bàn luận về một chủ đề nào đó sẽ giúp củng cố danh tiếng và uy tín cho thương hiệu của họ.

Podcast có thể là một nền tảng áp dụng cho nhiều loại nội dung âm thanh khác nhau, bao gồm sự kiện trực tiếp hoặc kết nối trực tiếp với độc giả, podcast cũng đem lại cơ hội mở rộng thêm nguồn thu cho tòa soạn, ngay cả khi chỉ có một lượng người nghe nhỏ.

Theo dự đoán, số lượng người nghe podcast được dự đoán sẽ đạt 464,7 triệu vào cuối năm 2023 và 504,9 triệu vào năm 2024 trên toàn thế giới. Điều này cho thấy podcast tiếp tục là một phương tiện phổ biến và đáng quan tâm trong thời gian tới. Chính nhờ vào các lợi thế của mình khi sản xuất podcast, các cơ quan báo chí tại Việt Nam hoàn toàn có thể bắt nhịp cùng xu hướng để cung cấp thông tin một cách hiệu quả cho công chúng qua phương thức này.

[1] http://nguoilambao.vn/bao-nhan-dan-ra-mat-chuong-trinh-phat-thanh-tren-nen-tang-ky-thuat-so-n16164.html

TS.Trần Văn Lệ (Trưởng khoa Truyền thông Đại học Đại Nam)

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/podcast-8211-phuong-thuc-tiep-can-cong-chung-hieu-qua-cua-bao-chi-1056.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.