Công nghệ logistics trong phát triển giao thông xanh: Vai trò, thách thức và khuyến nghị

Giao thông xanh gồm bốn thành phần chính: phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; khả năng ứng dụng công nghệ và tự động hóa; cơ sở hạ tầng phát triển bền vững; thói quen di chuyển bền vững. Bốn thành phần này đặt ra những yêu cầu vừa hiện đại vừa phức tạp nếu muốn đảm bảo một hệ thống giao thông xanh hiệu quả và công nghệ logistics chính là một đáp án quan trọng cho những yêu cầu nói trên.

Công nghệ logistics trong giao thông nói chung và giao thông xanh nói riêng là các giải pháp tiên tiến giúp quản lý, tối ưu hóa và tự động hóa các hoạt động vận tải, kho bãi và chuỗi cung ứng. Trong đó, các công nghệ nổi bật bao gồm Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Blockchain, Hệ thống quản lý kho hàng (WMS), Hệ thống quản lý vận tải (TMS), Giao thông thông minh (ITS).

Công nghệ logistics trong phát triển giao thông xanh: Vai trò, thách thức và khuyến nghị

Mỗi công nghệ logistics có nhiều tính năng cũng như ứng dụng để phát triển hoạt động logistics và giao thông xanh. AI ứng dụng các thuật toán, công nghệ máy học, thị giác máy tính, tự động hóa,… vào chuỗi cung ứng và vận tải để phân tích dữ liệu, dự báo nhu cầu, tối ưu hóa hành trình vận tải, tự động hóa kho bãi. Big Data sử dụng dữ liệu lớn để phân tích tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong trong chuỗi cung ứng. IoT ứng dụng các thiết bị cảm biến, GPS, RFID và mạng kết nối thông minh thu thập giám sát cũng như phân tích dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Blockchain sử dụng công nghệ chuỗi khối để tăng tính minh bạch, bảo mật và hiệu quả trong logistics thông qua việc ghi lại, xác minh và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn. WMS hỗ trợ quản lý chi tiết hàng hóa, tối ưu không gian và hoạt động lưu trữ, xuất nhập hàng hóa. TMS giúp lập kế hoạch, điều phối, theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng hiệu quả. ITS hỗ trợ thiết lập hệ thống quản lý giao thông với những phương án giao thông tối ưu đảm bảo hiệu suất vận tải, sự an toàn cũng như khả năng bảo vệ môi trường.

Các công nghệ logistics ngoài khả năng vận hành độc lập còn có thể kết hợp với nhau tạo nên những tính năng bổ trợ có thể tồn tại song song trong mỗi sản phẩm dịch vụ phục vụ việc phát triển giao thông xanh.

Công nghệ logistics: Đáp án quan trọng cho giao thông xanh

Công nghệ logistics với những tính năng và ứng dụng quan trọng trên có bốn vai trò chính trong việc phát triển giao thông xanh.

Đầu tiên, công nghệ logistics giúp giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Hệ thống phương tiện giao thông xanh với xe điện và xe hydro thay thế xe xăng dầu cùng việc tối ưu hóa quãng đường vận chuyển thông qua AI và Big Data giúp lựa chọn tuyến đường giao thông hiệu quả, hạn chế tiêu hao nhiên liệu và giảm phát thải. Các công nghệ logistics khác cũng đều tạo ra những hiệu quả trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc giảm phát thải và ô nhiễm.

Thứ hai, công nghệ logistics giúp tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và vận tải từ đó tối ưu hóa giao thông xanh. AI tối ưu hóa hành trình vận tải, Big Data tối ưu hóa hiệu suất chuỗi cung ứng, WMS tối ưu không gian lưu trữ và hoạt động xuất nhập hàng hóa, Blockchain tối ưu việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng, bảo mật và kiểm soát nguồn gốc, trong khi đó, ITS tối ưu phương án giao thông để tạo nên một hệ thống giao thông xanh với những luồng phương tiện được quản lý hiệu quả, tránh ùn tắc, giảm tiêu thụ nhiên liệu.

Thứ ba, công nghệ logistics thúc đẩy mô hình logistics bền vững từ đó tạo nên hệ thống giao thông xanh bền vững. Các công nghệ logistics trên có khả năng điều hướng hoạt động để giảm tác động tiêu cực tới môi trường, tối ưu hóa tài nguyên và nâng cao hiệu suất vận tải. Đây là những đặc điểm chính của mô hình logistics bền vững. Mô hình này khi triển khai thực tế sẽ giúp hệ thống giao thông phù hợp những yêu cầu của phát triển bền vững như giảm khí thải, sử dụng năng lượng sạch trong khi vẫn đảm bảo hiệu suất vận hành.

Thứ tư, công nghệ logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển đô thị thông minh với hệ thống giao thông xanh bền vững. Khả năng tối ưu hóa vận tải đa phương thức của công nghệ logistics có thể kết hợp hoàn hảo hệ thống xe buýt điện, tàu điện và phương tiện công cộng khác để tạo nên một hệ thống giao thông hiệu quả, khả năng thiết lập hệ thống quản lý giao thông, phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính. Đây cũng là những yêu cầu mà hệ thống giao thông xanh bền vững phải đạt được.

Công nghệ logistics trong phát triển giao thông xanh: Vai trò, thách thức và khuyến nghị

Ứng dụng công nghệ logistics tại Công ty PCS

Thách thức cho công nghệ logistics khi phát triển giao thông xanh

Việc ứng dụng công nghệ logistics phát triển giao thông xanh vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, cụ thể ở năm vấn đề sau:

Thứ nhất, các quy định về giao thông xanh vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Trên góc độ quốc tế, các tiêu chuẩn về giao thông xanh giữa các quốc gia còn chưa cụ thể và đồng nhất. Khung pháp lý về giao thông xanh của chúng ta hiện chưa đầy đủ, nhiều quy định đưa ra những khái niệm chung nhưng lại không có hướng dẫn chi tiết và cụ thể.

Thứ hai, chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ logistics phát triển giao thông xanh rất lớn. Những công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, WMS đều cần chi phí lớn khiến nhiều đơn vị khó tiếp cận, trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh (trạm sạc, hệ thống giao thông thông minh,…) lại chưa đồng bộ khiến việc triển khai gặp nhiều bất cập còn những chính sách ưu đãi cho các đơn vị triển khai công nghệ logistics hiện đang rất ít.

Thứ ba, nguồn nhân lực cho việc triển khai công nghệ logistics phát triển giao thông xanh còn hạn chế. Những công nghệ nói trên đều là những công nghệ tiên tiến và mới đòi hỏi nhân sự triển khai phải được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng, tuy nhiên, nguồn nhân lực của chúng ta còn thiếu và việc đào tạo hiện tại chưa đủ để nhân sự có thể triển khai được công việc nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ tư, những thói quen và nhận thức của các đơn vị triển khai vẫn còn theo lối tư duy cũ với nhiều hạn chế và cần thời gian để thay đổi. Các đơn vị vẫn ưu tiên chi phí thấp hơn là đầu tư vào công nghệ logistics cũng như chưa nhìn nhận đúng hoặc thiếu nhận thức về lợi ích lâu dài của logistics và giao thông xanh bền vững trong giảm chi phí vận hành và nâng cao thương hiệu.

Khuyến nghị

Để công nghệ logistics trong phát triển giao thông xanh có thể đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, những giải pháp mạnh mẽ và toàn diện cần sớm được triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Các quy định của Nhà nước về công nghệ logistics và giao thông xanh cần sớm được ban hành để các đơn vị thực hiện có căn cứ triển khai đặc biệt là những tiêu chuẩn bắt buộc về giảm phát thải trong vận tải và chuỗi cung ứng. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những phương án quy hoạch giao thông hợp lý và dài hạn cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn thuế, trợ cấp đầu tư cho doanh nghiệp mong muốn triển khai công nghệ logistics hướng đến giao thông xanh.

Các chương trình hợp tác công tư kết nối cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và những đơn vị đầu tư, triển khai công nghệ logistics để phát triển giao thông xanh cần được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt với tần suất cao hơn.

Việc xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ logistics phát triển giao thông xanh cần được triển khai toàn diện. Cơ quan quản lý Nhà nước các tổ chức giáo dục và những đơn vị triển khai cần chủ động thực hiện hoặc phối hợp để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực về công nghệ logistics cũng như đưa ra những yêu cầu bắt buộc về nội dung, thời gian và kết quả đào tạo khi triển khai.

Tóm lại, công nghệ logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển giao thông xanh nhưng những tồn tại cũng như thách thức để có thể ứng dụng công nghệ logistics vào thực tiễn hiện nay vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, giải pháp và việc ứng dụng sẽ khả thi nếu có sự đồng lòng và chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước cùng các đơn vị triển khai.

Trần Tuấn Minh

Tổng Giám đốc
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TTM Việt Nam

Thạc sĩ Trần Tuấn Minh

Thạc sĩ Trần Tuấn Minh hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TTM Việt Nam. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - ASEAN thuộc Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Asean, Phó Chủ tịch mạng lưới phát triển doanh nhân văn hóa Việt Nam - ASEAN. Ngoài ra, ông đang đảm nhiệm vị trí Trưởng ban chuyên đề của Tạp chí in Thông tin và Phát triển cũng như Giảng viên tại Đại học quốc tế Bắc Hà. Trong những lĩnh vực hoạt động của mình, ông đã và đang tích cực giúp cho nhiều doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/cong-nghe-logistics-trong-phat-trien-giao-thong-xanh-vai-tro-thach-thuc-va-khuyen-nghi-12975.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.