Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả

Trước vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, phức tạp. Tại Việt Nam thời gian qua các doanh nghiệp đã ứng dụng rất nhiều giải pháp, tuy vậy nạn sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, nên đã có rất nhiều trường hợp sản phẩm bị giả mạo và nhái luôn cả những chiếc tem chống hàng giả.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả
ThS Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh những đòi hỏi ngày càng cao đối với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, người mua hàng đã dần ý thức được việc tự bảo vệ lợi ích và sức khỏe của bản thân thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp ưu việt, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với chất lượng được đảm bảo. Thời gian gần đây thị trường đã xuất hiện thêm nhiều giải pháp công nghệ mới chống nạn hàng giả bằng kỹ thuật số, hay dùng trí tuệ nhân tạo hoặc blockchain. Việc chống hàng giả ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì việc ứng dụng công nghệ số là một yêu cầu cấp thiết hơn bao bao giờ hết.

Vậy làm thế nào để phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo, phát triển ra những công nghệ số đột phá trong việc chống hàng giả nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình, chống gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng, đó là nội dung của Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia” do Techfest Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) tổ chức ngày 15/4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo không chỉ đơn thuần là một sự kiện công nghệ, mà còn là tiếng nói của niềm tin và trách nhiệm để tạo dựng một “hệ sinh thái minh bạch” trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Kết hợp ba công nghệ tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa

Tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Do đó, Việt Nam cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Bá Dương - Chuyên gia Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đại diện Techfest Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa được ban hành xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược mới của đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là định hướng mang tính nền tảng và cấp thiết, tạo hành lang chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán lớn, trong đó có bài toán truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả, hàng nhái”.

“Sự kết hợp của 3 công nghệ bao gồm: RFID (Radio Frequency Identification) hay còn gọi là công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến cùng Blockchain là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu từ RFID - tạo ra một sổ cái phân tán, bất biến, minh bạch. AI (trí tuệ nhân tạo) đóng vai trò phân tích các dữ liệu thu được từ hệ thống RFID và Blockchain sẽ tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng, hệ thống này hoàn toàn có thể triển khai trong các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và cả thương mại điện tử xuyên biên giới”.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả
TS Trịnh Bá Dương - Chuyên gia Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Cố vấn cấp cao của Techfest Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

“Về phía Techfest, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, chúng tôi đang đề xuất: Trong khuôn khổ định hướng của Nghị quyết 57, chúng ta cần một chiến lược quốc gia về truy xuất nguồn gốc thông minh, tập trung vào ba điểm: Tích hợp các công nghệ mới - đặc biệt là RFID, Blockchain và AI - trong một kiến trúc hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp lớn đến hộ sản xuất nhỏ; Chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số mã vạch quốc gia, có thể liên kết với các nền tảng khu vực Asean, thúc đẩy xuất khẩu và thương mại số hoá xuyên biên giới giúp lưu thông hàng hoá các nước trong khu vực một cách hiệu quả nhất; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các giải pháp chi phí thấp, dễ tiếp cận, đi kèm chính sách ưu đãi cụ thể”, TS Trịnh Bá Dương nhấn mạnh.

TrueData: Giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống nạn sản xuất hàng giả

Tại Hội thảo, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) chia sẻ: “Hiện nay, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không còn là cụm từ xa lạ mà nó được nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của mỗi cá nhân khi sử dụng sản phẩm, sự sống còn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và sự an nguy của nền kinh tế đất nước”.

“Cả nước hiện đang thực hiện chương trình chuyển đổi số với 3 mục tiêu cơ bản là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Từ đó, cho thấy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu hàng hóa”, ông Trần Giang Khuê chia sẻ thêm.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường có nhiều cạnh tranh, vấn nạn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xuất hiện tại các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử khiến cho bao doanh nghiệp và người tiêu dùng điêu đứng, do đó doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn thì phải đáp ứng đòi hỏi khắc khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá cả và trên hết là có giải pháp để đưa đến tay người tiêu dùng hàng thật của doanh nghiệp mình, có như vậy người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả
Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) phát biểu tại Hội thảo.

Để giúp doanh nghiệp giải được bài toán này, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - Giải pháp True Data là giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bằng công nghệ tiên tiến với vật mang dữ liệu là chip RFID, chíp lưu được thông tin các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh gồm: Mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn và giải pháp có tính năng kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xuất xứ, quá trình lưu hành hàng hóa quốc gia.

“Giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất nguồn gốc giúp cho việc kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”, TS Trịnh Mạnh Tuyên - Cố vấn cấp cao Công ty Cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) chia sẻ.

“Qua đó, giúp người tiêu dùng hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm. Còn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước giúp kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp”, TS Trịnh Mạnh Tuyên chia sẻ thêm.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả
Các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả chia sẻ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn sản xuất hàng giả tại Hội thảo.

Nếu chúng ta xem công nghệ là chìa khóa, thì truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để mở ra một nền thương mại minh bạch, văn minh và bền vững. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là nền tảng để bảo vệ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng tầm quốc gia trong nền kinh tế số.

“Chúng tôi đang trao cho doanh nghiệp một công cụ hữu ích để bảo vệ thương hiệu bằng một ‘hộ chiếu điện tử’ gắn trên của sản phẩm của mình. Mỗi chip RFID là một câu chuyện hoàn chỉnh, được mã hóa với độ an toàn tuyệt đối. Người mua hàng yên tâm khi sử dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc của chúng tôi để quyết định việc mua hàng. Quan trọng hơn, giải pháp TrueData đáp ứng đầy đủ các quy định trong Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định tính pháp lý và chuyên nghiệp”, ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết.

“Truy xuất nguồn ngày càng trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới và được xác định là một trong những khâu đột phá trong chương trình chuyển đổi số, là yêu cầu tất yếu trong kỷ nguyên số của quốc gia”, ông Phạm Văn Thọ chia sẻ thêm.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ chính là nền tảng chống lại nạn hàng giả
Người tiêu dùng sử dụng app TrueData trên điện thoại chạm vào tem chip gắn trên sản phẩm để thấy được dữ liệu đường đi của sản phẩm hàng hóa khi cần mua để sử dụng, phục vụ đời sống.

Các nội dung được chia sẻ, bàn luận tại Hội thảo đều hướng tới một mục tiêu là trao quyền lực về tay người mua hàng, một quyền lực mới - quyền được biết nguồn gốc xuất xứ của món hàng mình muốn mua, quyền được bảo vệ bằng một công cụ tra cứu nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tối ưu đó là giải pháp TrueData chỉ với chiếc điện thoại thông minh và bằng một thao tác đơn giản quét lên chip RFID là ‘căn cước điện tử’ riêng của sản phẩm để biết được đường đi của sản phẩm.

Cũng tại Hội thảo Ban vận động thành lập Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã được ra mắt. Đây là dấu mốc quan trọng thúc đẩy sự nỗ lực nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng xã hội trong việc chung tay bảo vệ giá trị thật của sản phẩm đối với doanh nghiệp. Đồng thời, ACTIV đã công bố thành lập 40 văn phòng đại diện với mục tiêu tận dụng và phát huy nguồn nhân lực tại địa phương nhằm bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp chân chính cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, bắt kịp xu thế kinh tế toàn cầu và thực hiện thành công các định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và một Hiệp hội nghề nghiệp. Hiệp hội này sẽ cùng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa khi đưa ra thị trường, góp phần phục vụ đời sống, xã hội và xây dựng văn hóa truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ tiên tiến.

Đạm Lê Quang

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/truy-xuat-nguon-goc-hang-hoa-bang-cong-nghe-chinh-la-nen-tang-chong-lai-nan-hang-gia-13005.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.