![]() |
Hiện đại hóa để phát triển nông nghiệp bền vững
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho nông dân, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà vững chắc.
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chi phí sản xuất và yêu cầu khắt khe từ thị trường, tỉnh Tiền Giang đã cho thấy một hướng đi tiên phong: phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh và bền vững. Những kết quả bước đầu không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của địa phương mà còn mở ra kỳ vọng về một nền nông nghiệp số hóa hiện đại cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang: “Trong nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.” |
Trong lĩnh vực trồng trọt, Tiền Giang nổi bật với việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây ăn trái – đặc biệt là sầu riêng. Với 100% diện tích sầu riêng đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nông dân có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước và thời gian tưới tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Hệ thống này không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro hạn mặn mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tại các vùng chuyên canh như Chợ Gạo và các huyện phía Tây.
Cùng với đó, tỉnh Tiền Giang triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như: Dự án Vùng sản xuất lúa công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo quy trình kỹ thuật GAP có ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản…
Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh tổ chức thực hiện công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng trên phần mềm (https://csdltrongtrot.mard.gov.vn); hướng dẫn các vùng trồng đã được cấp mã số cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm, cập nhật thông tin nhật ký canh tác điện tử, góp phần phục vụ cho truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu. Việc truy xuất nguồn gốc đang được đẩy mạnh với hơn 300 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được cấp cho tỉnh. Điều này không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà còn tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước, đồng thời giúp sản phẩm nông sản Tiền Giang tiến gần hơn với chuẩn quốc tế. Qua đó, giá trị nông sản được nâng cao thông qua các kênh xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn.
![]() |
Trong lĩnh vực sản xuất lúa, các dự án vùng lúa công nghệ cao đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với diện tích 11.260 ha được ứng dụng kỹ thuật mới như máy cấy kết hợp vùi phân bón, nhân giống lúa chất lượng cao, năng suất bình quân tăng lên, chi phí giảm và môi trường được bảo vệ. Đặc biệt, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh giúp bà con canh tác chủ động, né rầy hiệu quả, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần vào một nền nông nghiệp sạch.
Không chỉ tập trung vào trồng trọt, ngành chăn nuôi tỉnh cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với hơn 40 cơ sở áp dụng mô hình chuồng kín, nhiều trang trại sử dụng hệ thống điều khiển tự động bằng phần mềm máy tính – từ cho ăn, thu gom trứng đến kiểm soát nhiệt độ. Đặc biệt, mã QR và phần mềm truy xuất nguồn gốc được ứng dụng nhằm minh bạch hóa quy trình chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Trong lĩnh vực thủy sản, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, định vị, đàm thoại và nhận dạng. Đây là bước tiến quan trọng không chỉ giúp kiểm soát hoạt động khai thác hải sản mà còn là nền tảng để minh bạch nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế trong việc chống khai thác IUU.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 350 sản phẩm OCOP gồm: 1 sản phẩm 5 sao (Trà trái mãng cầu xiêm Vĩnh Phát); 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (Điểm du lịch Trại rắn Đồng Tâm và 16 sản phẩm socola đang hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương); 82 sản phẩm 4 sao (trong đó có 14 sản phẩm đã đánh giá cấp huyện chờ đánh giá cấp tỉnh) và 250 sản phẩm 3 sao với tổng số 165 chủ thể tham gia (31 hợp tác xã, 54 doanh nghiệp và 80 hộ sản xuất - kinh doanh). Một điểm sáng khác trong chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại của Tiền Giang chính là thúc đẩy thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP đã có mặt trên các sàn điện tử như Voso.vn, Sendo.vn, Postmart.vn…, tỉnh không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và kết nối nông dân với người tiêu dùng một cách trực tiếp.
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cũng đang vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ người dân tra cứu thông tin thời tiết, môi trường, đất đai, chia sẻ thiết bị sản xuất qua nền tảng số – góp phần đưa công nghệ đến gần hơn với người nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp theo ba trụ cột chính: phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường thương mại điện tử và vận hành hiệu quả các hệ thống dữ liệu ngành. Mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro từ thiên tai và tăng khả năng kết nối thị trường.
![]() |
Nông nghiệp Tiền Giang chuyển mình mạnh mẽ
Năm 2024 vừa qua ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, với hàng loạt kết quả nổi bật phản ánh việc chính quyền địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, công nghệ cao và phát triển thị trường xuất khẩu.
Trên cây lúa, nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất, kết hợp giá lúa tăng, nông dân thu lợi nhuận từ 27–44 triệu đồng/ha/vụ – cao hơn năm trước trung bình 6,6 triệu đồng. Người trồng rau màu cũng gặt hái thành công, thu lãi tới 287 triệu đồng/ha, tăng 11 triệu đồng so với cùng kỳ. Đặc biệt, trái cây – mũi nhọn nông sản của tỉnh – tiếp tục bùng nổ với mức lợi nhuận từ 104,5 triệu đến 1,845 tỷ đồng/ha, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu.
Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang: “Nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, giai đoạn chính quyền số, kinh tế số, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển của địa phương, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo động lực, phát huy tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của ngành trong thực hiện nhiệm vụ nói chung”. |
Công tác cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu được tỉnh chú trọng, góp phần mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, chăn nuôi trang trại tiếp tục phát triển ổn định, riêng gia cầm và heo đều tăng 1% tổng đàn so với cùng kỳ. Hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo GAP được mở rộng. Đặc biệt, công tác chống khai thác IUU có bước tiến rõ rệt, giúp Tiền Giang không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh và Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển hợp tác xã kiểu mới, củng cố kinh tế nông thôn và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Tiền Giang trên thị trường quốc tế.
Kết quả tích cực trong năm 2024 cho thấy định hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển xanh và bền vững của tỉnh đang phát huy hiệu quả, mở ra triển vọng rõ nét cho một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường và đem lại giá trị gia tăng cao cho nông dân.
Được biết, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh là thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động; tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng như giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
![]() |
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại Tiền Giang, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Nhờ sự cộng hưởng tích cực với chương trình giảm nghèo, đến cuối tháng 11-2024, toàn tỉnh còn 0,79% hộ nghèo và 1,5% hộ cận nghèo – giảm đáng kể so với đầu năm.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM hoặc NTM nâng cao theo quy định mới; có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện Gò Công Tây dự kiến được công nhận huyện NTM nâng cao, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 3/8.
![]() |
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số tại Tiền Giang đang cho thấy hiệu quả rõ rệt và có thể xem là hình mẫu để các địa phương khác trong vùng ĐBSCL học hỏi và nhân rộng. Tuy nhiên, để chiến lược này bền vững và lan tỏa mạnh mẽ hơn, cần có sự đầu tư hạ tầng số đồng bộ, đào tạo kỹ năng số cho nông dân và chính sách hỗ trợ thiết thực từ trung ương đến địa phương.
Tiền Giang đang từng bước chứng minh rằng: nông nghiệp không còn là lĩnh vực lạc hậu, mà hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế hiện đại, cạnh tranh và bền vững - nếu biết tận dụng tốt thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thế Thắng
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/dien-mao-moi-cho-lang-que-tie-n-giang-13047.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.