Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, không một quốc gia nào có thể đơn độc ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên hay các vấn đề phát triển bền vững đang hiện hữu. Đây là những vấn đề mang tính xuyên biên giới, đòi hỏi sự chung tay hợp tác của toàn thể cộng đồng quốc tế.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại |
Những thách thức hiện nay là các vấn đề toàn cầu, toàn diện và có ảnh hưởng đến mọi người dân. Do đó, cách tiếp cận cần phải linh hoạt, sáng tạo, thích ứng nhanh với những biến động không ngừng của thế giới.
Theo Thủ tướng, vai trò thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế trong hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đang thực hiện công cuộc cải cách hành chính sâu rộng, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản các đầu mối, hướng đến một chính phủ hiệu quả. Việc này sẽ tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý đến mô hình hợp tác công - tư (PPP) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trong quá trình chuyển đổi xanh mà còn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Đây được xem là một hướng đi hiệu quả nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển bền vững.
Ở một số mô hình hợp tác công - tư, phần vốn có thể đến từ khu vực công, tức là đầu tư của Nhà nước, nhưng việc vận hành, quản lý dự án hoàn toàn có thể giao cho khu vực tư nhân - nơi có kinh nghiệm, năng lực quản trị linh hoạt và hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa nguồn lực Nhà nước và sự năng động của doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, giúp triển khai các dự án nhanh hơn, tiết kiệm hơn và mang lại giá trị thực chất hơn cho nền kinh tế và người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quy mô và tính phức tạp của những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, không một chính phủ hay một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được các thách thức này. Đây chính là lúc vai trò của hợp tác công - tư trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại phiên đối thoại, bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (UN), khuyến nghị các nền kinh tế mới nổi cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030. Điều này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, mà còn cần những khoản đầu tư lớn vào các mô hình phát triển mới - đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như hạ tầng năng lượng xanh và mạng lưới điện thân thiện với môi trường.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác công - tư là yếu tố then chốt trong hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Những thách thức hiện nay vượt quá khả năng giải quyết đơn lẻ của bất kỳ chính phủ hay doanh nghiệp nào. Vì vậy, sự hợp tác là điều tất yếu.
Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có những chia sẻ về những nỗ lực của thành phố trong thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đổi mới sáng tạo. Theo ông, Đà Nẵng đã thiết lập các không gian sáng tạo, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong y tế và giáo dục, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm xanh.
"Thành phố Đà Nẵng cam kết dành 15% ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) giai đoạn 2025-2030" - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.
So với các nền kinh tế đã phát triển, mô hình PPP đã trở thành một phần cấu trúc chính sách, Việt Nam mới đang ở giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý và mô hình thử nghiệm cho hợp tác công - tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, giao thông thông minh và đô thị xanh. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm chính trị, cần có sự đầu tư đồng bộ vào thể chế, cơ chế chia sẻ rủi ro và minh bạch hóa quy trình để bảo đảm tính bền vững và hấp dẫn của mô hình PPP trong dài hạn.
Tại buổi đối thoại, nhiều diễn giả quốc tế đánh giá PPP không chỉ là giải pháp chia sẻ nguồn lực, mà còn là chìa khóa để giải quyết bài toán tài chính khí hậu. Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Thủ tướng Italy, ông Francesco Corvaro nhận định: “PPP là một trong những trụ cột để đạt được chuyển đổi khí hậu, đặc biệt tại các nước đang phát triển.” Theo ông, mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro cho khu vực tư nhân, tạo nền tảng để họ đầu tư quy mô lớn hơn, dài hạn hơn.
Thực tế quốc tế cũng đặt ra bài toán về tính toàn diện của chính sách PPP. Không chỉ là chia sẻ vốn, mô hình này còn cần được gắn với chính sách đào tạo nhân lực, tạo dựng thị trường và đầu tư công có định hướng.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/hop-tac-cong-tu-la-chia-khoa-cua-phat-trien-ben-vung-13065.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.