Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025, ngày 17/4 đã diễn ra Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì.
![]() |
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển xanh là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại; lịch sử phát triển của con người từ trước đến nay cơ bản là dựa trên tiêu thụ và làm cạn kiệt tài nguyên với tốc độ ngày một cao hơn. Và trong khi tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, chất thải tạo ra đã làm ô nhiễm môi trường; nhiều đến mức mà “mẹ thiên nhiên” đã phải lên tiếng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Đây là những cam kết mạnh mẽ, tạo một áp lực lớn cho chính mình, để kích hoạt trí tuệ Việt Nam, để tìm kiếm đổi mới sáng tạo toàn cầu để giải bài toán phát triển xanh của Việt Nam và nhân loại.
“Chuyển đổi xanh là một chặng đường dài. Bởi vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, công nghệ xanh, dữ liệu xanh và văn hoá xanh. Trong hệ sinh thái này, công nghệ xanh có vai trò quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng hướng vào phục vụ phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đã đưa bộ 3 này về chung một bộ quản lý nhà nước. Coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Về ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, với Việt Nam, các công nghệ đột phá có thể tạo ra sự thay đổi căn bản, sự phát triển xanh của nhân loại là hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Các công nghệ số thế hệ mới tạo động lực cho chuyển đổi xanh là AI, IoT, Big Data, Chip bán dẫn. Đó đều là các công nghệ được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là các công nghệ chiến lược để ưu tiên phát triển.
Ông khẳng định, cũng như cả thế giới, Việt Nam coi AI là công nghệ cốt lõi nhất của cách mạng công nghệ lần thứ tư. Chuyển đổi số của Việt Nam đang được chuyển thành chuyển đổi AI. Nhưng cách tiếp cận AI của Việt Nam là AI không thay thế con người mà chỉ tăng thêm quyền năng cho con người.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, muốn xanh phải số, muốn số phải xanh. Muốn chuyển đổi xanh thì phải có các tiêu chuẩn xanh. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi hợp tác về xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất thành lập trang website để các quốc gia thuộc P4G, các tập đoàn, công ty có thể tiếp cận một cách thuận lợi và nhanh nhất thông tin về các công nghệ, kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh. Thành lập “Mô hình đổi mới sáng tạo mở” trong các nước thành viên P4G để hình thành cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và các tập đoàn, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi xanh.
![]() |
Khách tham quan tại gian hàng trưng bày của hội nghị. Ảnh: Duyên Nguyễn |
Công nghệ đột phá như AI giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và thông minh hơn
Tại phiên thảo luận, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), bà Fatou Haidara, Phó Tổng giám đốc cho biết quá trình chuyển đổi xanh là điều bắt buộc để xây dựng các xã hội có khả năng phục hồi và thịnh vượng. Các công nghệ mang tính đột phá, chẳng hạn như AI, có thể giúp chúng ta nắm bắt tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và thông minh hơn.
Một trong những sáng kiến toàn cầu nổi bật nhất do UNIDO khởi xướng là Liên minh toàn cầu về AI cho ngành công nghiệp và sản xuất, hay AIM Global. Đây là sáng kiến chiến lược nhằm mở rộng phạm vi quan hệ đối tác quốc tế về AI, tối đa hóa tác động chung của chính phủ, khu vực tư nhân, học viện và các tổ chức dân sự để đảm bảo tiếp cận công bằng với các lợi ích của AI vì mục tiêu phát triển bền vững. UNIDO cho rằng liên minh sẽ trở thành một nền tảng sôi động cho trao đổi chính sách, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ AI, ông Sang Hyup Kim - Tổng giám đốc Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) cho biết, AI là một công cụ thay đổi cuộc chơi đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu - tối ưu hóa quy trình, dự đoán xu hướng và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Một nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy các giải pháp do AI thúc đẩy có thể cắt giảm 5 - 10% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Việt Nam có thể khai thác tiềm năng này để giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên.
Trong lĩnh vực năng lượng, ông Sang Hyup Kim cho biết AI tăng cường tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào lưới điện quốc gia, hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Trong công nghiệp, AI giám sát việc sử dụng năng lượng của nhà máy, xác định tình trạng kém hiệu quả và giảm chất thải.
Trong giao thông vận tải, các giải pháp di động thông minh tối ưu hóa lưu lượng giao thông, cắt giảm tình trạng tắc nghẽn và mức tiêu thụ nhiên liệu.
Trong nông nghiệp, AI cải thiện việc tưới tiêu, sử dụng phân bón và kiểm soát dịch hại, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, các hệ thống MRV hỗ trợ AI tăng cường theo dõi và báo cáo lượng khí thải, đảm bảo các chính sách về khí hậu được thông báo.
Bằng cách tận dụng AI, các quốc gia như Việt Nam có thể đẩy nhanh con đường hướng tới tương lai xanh hơn, bền vững hơn.
Ông Sang Hyup Kim cũng cho biết quan hệ đối tác công tư là chìa khóa để khai thác tiềm năng chuyển đổi xanh của AI. Để thu hút đầu tư và mở rộng quy mô các giải pháp AI, chính phủ phải thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư ổn định.
“Chính sách AI không nên đứng riêng lẻ mà phải được xây dựng phối hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các chiến lược công nghiệp và năng lượng”.
Các quốc gia như Việt Nam được khuyến nghị tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để kết nối các bên liên quan trong nước với chuyên môn, công nghệ và tài chính toàn cầu. Việt Nam cũng nên khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các giải pháp xanh do AI thúc đẩy, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và sản xuất thông minh, đồng thời đảm bảo chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các công ty trong nước.
Cũng theo ông Sang Hyup Kim, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng AI cho mục tiêu phát triển bền vững, nhờ nền kinh tế số đang phát triển, nguồn nhân lực CNTT mạnh và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển AI, Việt Nam phải tập trung vào: Cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, phát triển nhân tài, hợp tác liên ngành, quản trị AI và bảo mật dữ liệu.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi chia sẻ 3 đóng góp của Nhật Bản liên quan đến các công nghệ tiên tiến, là chủ đề của phiên họp này.
Đầu tiên là công nghệ cải thiện môi trường sống và vấn đề vệ sinh. Thứ trưởng Katsume Yasushi giới thiệu về công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng, trong tiếng Nhật gọi là Johkasou. Các cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quản lý rác thải tại Nhật Bản vì chúng có thể xử lý hiệu quả khối lượng lớn rác thải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Thứ hai là công nghệ hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba là công nghệ giám sát môi trường để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm cuộc khủng hoảng môi trường ba bên là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Công nghệ AI, đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, đang được sử dụng hiệu quả để giám sát môi trường.
Thứ tư, Thứ trưởng Katsume Yasushi nhấn mạnh Nhật Bản đang thúc đẩy phát triển và triển khai nhiều công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế, thì sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cả khu vực công và tư, là điều cần thiết để phổ biến hơn nữa các công nghệ này. Với sự hợp tác của mạng lưới quốc tế mạnh mẽ của P4G, Nhật Bản sẽ đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu và phát triển bền vững thông qua việc phổ biến các công nghệ này.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-trong-he-sinh-thai-xanh-cong-nghe-xanh-co-vai-tro-quyet-dinh-13069.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.