Sản phẩm Việt chinh phục thị trường bằng chất lượng

Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc, sự minh bạch và tính bền vững của sản phẩm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, “làm đúng” từ nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất chuẩn, bao bì sáng tạo đến dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp - là chìa khóa để sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế và chinh phục lòng tin của thị trường.
Sản phẩm Việt chinh phục thị trường bằng chất lượng
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 25/4/2025, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty Cổ phần BrainMark Vietnam đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Sản phẩm Việt - Làm đúng để chinh phục thị trường”.

Việt Nam là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng với hơn 100 triệu dân, trong đó khoảng 70% dân số đang ở độ tuổi lao động. Lợi thế của thị trường Việt Nam là dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng cao và xu hướng tiêu dùng ngày càng khắt khe và thông minh hơn. Để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ, phát triển các kênh bán hàng đa dạng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC cho biết: “Trong 3 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả rất khả quan. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay. Tăng trưởng của các khu vực kinh tế, với nông lâm thủy sản tăng khoảng 0,27%; công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,94% (trong đó công nghiệp tăng khoảng 5,7%, xây dựng tăng khoảng 7%) và khu vực dịch vụ tăng khoảng 8,72%”.

Sản phẩm Việt chinh phục thị trường bằng chất lượng
Ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch BrainGroup kiêm Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam phát biểu tại Hội nghị.

“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2025 ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước trong quý I năm 2025 ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,05% so với năm 2024. Tình hình xuất khẩu có xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp nhận đủ đơn hàng đến hết quý II năm 2025”, bà Hồ Thị Quyên cho biết cho biết thêm.

Hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng cần tập trung xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, minh bạch về nguồn gốc, đầu tư vào thương hiệu và câu chuyện bản sắc Việt. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng kênh bán hàng, linh hoạt nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh - sạch - tiện lợi. Việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế ngay từ đầu và chủ động kết nối với các chương trình xúc tiến thương mại sẽ là nền tảng vững chắc để sản phẩm trong nước vươn ra thế giới.

Tại Hội nghị, ông Lê Kim Tú - Giám đốc Điều hành Công ty Rạng Đông (Rando), chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi với dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 được các tổ chức uy tín đánh giá tích cực. Thị trường tiêu dùng nội địa khẳng định vai trò trụ cột, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung và được dự báo tăng trưởng mạnh, với quy mô bán lẻ có thể đạt 350 tỷ USD. Thương mại điện tử tiếp tục là động lực tăng trưởng bùng nổ, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu bán lẻ”.

Sản phẩm Việt chinh phục thị trường bằng chất lượng
Ông Lê Kim Tú - Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông (Rado) phát biểu tại Hội nghị.

“Xu hướng tiêu dùng nổi bật cho thấy sức khỏe trở thành tâm điểm quan tâm hàng đầu, tạo cơ hội lớn cho các sản phẩm đáp ứng nhu cầu này. Đồng thời, thế hệ Gen Z nổi lên như một lực lượng khách hàng chiến lược, định hình các xu hướng mới với sự ưu tiên cho trải nghiệm cá nhân hóa, mua sắm kết hợp giải trí, mua sắm đa kênh và tiêu dùng bền vững. Ngành hàng tiêu dùng nhanh được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt giá trị khoảng 75 tỷ USD vào năm 2025. Để chinh phục thị trường, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đổi mới chiến lược, đặc biệt chú trọng đến nhóm khách hàng Gen Z và khai thác hiệu quả các kênh bán hàng trực tuyến”, ông Lê Kim Tú chia sẻ thêm.

“Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược sản phẩm bài bản nhằm giúp doanh nghiệp thành công. Quá trình này đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về thị trường và khách hàng mục tiêu. Trong đó, bao bì không chỉ cần tính thẩm mỹ mà phải truyền tải giá trị cốt lõi và hướng đến yếu tố bền vững”, ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch BrainGroup kiêm Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam nhấn mạnh.

Chiến lược marketing hiện đại đóng vai trò then chốt, song song với việc tích hợp xu hướng mới như AI marketing để cá nhân hóa trải nghiệm, nội dung quảng bá kết hợp công nghệ và cảm xúc, xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành và triển khai trải nghiệm omnichannel liền mạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu cũng cần thể hiện rõ sứ mệnh và trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn ESG, tận dụng lợi thế của livestream trên các trang thương mại điện tử, đồng thời hợp tác hiệu quả với người có tầm ảnh hưởng để tối ưu chi phí và nâng cao độ tin cậy.

Sản phẩm Việt chinh phục thị trường bằng chất lượng
Đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự Hội nghị tập huấn “Sản phẩm Việt - Làm đúng để chinh phục thị trường”.

Chia sẻ về chuỗi cung ứng tại Hội nghị, ông Lê Quốc Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food đã làm rõ mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ và vai trò nền tảng của chuỗi đối với sự thành công của hoạt động marketing và hệ thống kênh phân phối. Một chiến lược chuỗi cung ứng hiệu quả, đảm bảo hàng hóa luôn sẵn có đúng lúc, đúng nơi với số lượng phù hợp, chính là cơ sở hạ tầng vững chắc để các chiến dịch marketing phát huy tối đa hiệu quả và sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

“Sự phối hợp nhịp nhàng về dữ liệu, kế hoạch và chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) giữa marketing, chuỗi cung ứng và bán hàng là yếu tố then chốt. Việc tối ưu hóa hoạt động chuỗi cung ứng, từ dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho, đến vận hành logistics, sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng dịch vụ, củng cố hình ảnh thương hiệu và gia tăng lòng tin của khách hàng. Đồng thời, việc am hiểu và đáp ứng các yêu cầu đặc thù về chuỗi cung ứng của từng kênh phân phối từ kênh phân phối truyền thống, kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử đến xuất khẩu là bắt buộc để đảm bảo độ phủ thị trường, tránh tình trạng thiếu hàng hay tồn kho quá mức và tối ưu hóa chi phí trên từng kênh. Trường hợp một mắt xích trong mối quan hệ này yếu đi, toàn bộ chiến lược sản phẩm và kinh doanh của doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro”, ông Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Đạm Lê Quang

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/san-pham-viet-chinh-phuc-thi-truong-bang-chat-luong-13237.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.