Tập đoàn lớn Thái Lan sắp mở lại nhà máy hóa dầu trị giá hơn 5 tỷ USD ở Việt Nam sau nửa năm tạm dừng

Tập đoàn Siam Cement (SCG) - tập đoàn công nghiệp hàng đầu Thái Lan đang đứng trước một bước ngoặt lớn tại Việt Nam khi cân nhắc tái vận hành tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá 5,4 tỷ USD sau thời gian tạm dừng.

Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan đang xem xét nối lại hoạt động tại tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) trị giá 5,4 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Việt Nam), trong bối cảnh giá hóa chất có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài lao dốc do dư cung toàn cầu.

Chia sẻ với Bangkok Post, Tổng Giám đốc SCG, ông Thammasak Sethaudom cho biết tập đoàn đã sẵn sàng kế hoạch tái vận hành nhà máy LSP, vốn bị tạm dừng từ tháng 10/2024 do nhu cầu yếu và giá cả sụt giảm. Việc nối lại hoạt động có thể diễn ra trong vòng 1 tháng kể từ khi có quyết định chính thức.

Theo ông Thammasak, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm thuế quan, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển hướng sang đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang Mỹ, giúp giảm lượng hàng giá rẻ tràn ra thị trường toàn cầu.

Tập đoàn lớn Thái Lan sắp mở lại nhà máy hóa dầu trị giá hơn 5 tỷ USD ở Việt Nam sau nửa năm tạm dừng
Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG

Biên lợi nhuận giữa sản phẩm polypropylene (sản phẩm hóa chất chính của SCG) và nguyên liệu đầu vào là naphtha đã tăng lên hơn 400 USD/tấn, sau đó ổn định ở khoảng 350 USD/tấn.

“Đây là dấu hiệu cho thấy giá có thể đã chạm đáy. Điều này mở ra khả năng tái khởi động nhà máy tại Việt Nam”, ông Thammasak nhận định. Theo ông, nhà máy Long Sơn sẽ có lãi nếu chênh lệch giá giữa polypropylene và naphtha đạt khoảng 380 USD/tấn. Biên lợi nhuận của các sản phẩm hóa chất cũng được hỗ trợ bởi giá dầu thô thấp hơn.

LSP: Dự án tỷ USD gặp khó và tham vọng lội ngược dòng

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) là khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại nước ngoài và là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô 464ha đất liền và 194ha mặt nước, tổng công suất 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm. Các sản phẩm từ LSP được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành bao bì, nông nghiệp, điện, ô tô,…

Dự kiến, khi vận hành tối đa, LSP có thể tạo doanh thu 1,5 tỷ USD/năm và đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhà máy chỉ hoạt động được 15 ngày kể từ ngày khánh thành 30/9/2024 trước khi phải tạm ngưng vì thị trường bất lợi.

Tập đoàn lớn Thái Lan sắp mở lại nhà máy hóa dầu trị giá hơn 5 tỷ USD ở Việt Nam sau nửa năm tạm dừng
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP). Ảnh: SCG

SCG ước tính mỗi tháng vẫn phải chi khoảng 1,2 tỷ baht (36,5 triệu USD) để duy trì cơ sở vật chất và trả lãi vay, khiến nhà máy trở thành gánh nặng cho tập đoàn. Tính riêng 2 quý gần đây, SCG đã lỗ khoảng 6 tỷ baht (4.794 tỷ đồng) từ dự án này.

Trong năm 2024, LSP lỗ hơn 7.800 tỷ đồng. Quý I/2025, công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 2.948 triệu baht (tương đương 2.042 tỷ đồng), chiếm phần lớn trong khoản lỗ của công ty mẹ SCG Chemicals (SCGC).

Để cải thiện tình hình, SCG công bố kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo nhà máy, thay đổi nguyên liệu đầu vào từ naphtha sang ethane - loại nguyên liệu sạch và tiết kiệm hơn. Dự án này dự kiến hoàn thành trong 2,5 năm, tức vào cuối năm 2027.

Kết quả kinh doanh SCG ảm đạm

Báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy SCG đạt doanh thu từ bán hàng 32.209 triệu baht (khoảng 22.400 tỷ đồng), EBITDA đạt 4.232 triệu baht và lợi nhuận sau thuế đạt 900 triệu baht (khoảng 623 tỷ đồng), giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu thị trường, doanh thu từ các công ty tại Thái Lan chiếm tỷ trọng lớn nhất (45%), tiếp theo là Việt Nam và Indonesia (mỗi nước chiếm 14%).

Trước khó khăn ở mảng hóa dầu, ông Thammasak khẳng định xi măng sẽ tiếp tục là nguồn thu chủ lực trong năm 2025, nhờ Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh chi tiêu công cho hạ tầng, cũng như nhu cầu tăng cao từ Myanmar - quốc gia đang tái thiết sau trận động đất ngày 28/3.

Được thành lập ngày 8/12/1913 theo sắc lệnh Hoàng gia Thái Lan, SCG là tập đoàn công nghiệp lâu đời nhất nước này và Đông Nam Á với lịch sử 111 năm. Hoạt động tại nhiều nước như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia và Trung Quốc, SCG có 3 mảng kinh doanh chính: xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.

SCG bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ năm 1992 và được biết đến là một “tay chơi” M&A dày dạn kinh nghiệm trên thị trường. Tập đoàn Thái Lan này hiện đang nắm giữ 55% cổ phần của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic Industries (Saraburi), sở hữu 100% Prime Group - đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất Việt Nam, 80% cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), 94,11% Bao bì Biên Hòa (Sovi), và 70% Nhựa Duy Tân.

Trong lĩnh vực xi măng, SCG đã mua lại 100% Công ty Xi măng Sông Gianh (StarCemt) với giá 156 triệu USD vào năm 2017. Gần đây nhất, vào cuối năm 2023, SCG chi 676,8 tỷ đồng (tương đương 27,8 triệu USD) để sở hữu 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Starprint Việt Nam.

Quỳnh Nhi

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/tap-doan-lon-thai-lan-sap-mo-lai-nha-may-hoa-dau-tri-gia-hon-5-ty-usd-o-viet-nam-sau-nua-nam-tam-dung-13931.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.