Bước tiến táo bạo hướng tới điện toán xanh
Dự án được khởi công tại vùng biển ven bờ Thượng Hải gần Khu thương mại tự do thí điểm đặc biệt Lâm Cảng, Thượng Hải, Trung Quốc. Đây là dự án tiên phong trong việc đặt cơ sở hạ tầng điện toán và năng lượng tái tạo để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về các giải pháp điện toán ít carbon.
Ủy ban hành chính của Khu thương mại tự do thí điểm Đặc khu Lâm Cảng, Tập đoàn đầu tư đặc khu Thượng Hải Lingang và Công ty công nghệ Hicloud Thượng Hải đã ký một thỏa thuận hợp tác ba bên vào 10/6, đánh dấu sự ra mắt chính thức của dự án Shanghai Lingang UDC.
Chen Jinshan, người đứng đầu ủy ban hành chính Khu thương mại tự do thí điểm đặc khu Lâm Cảng cho biết, dự án Lingang thiết lập một mô hình mới cho UDC, với tham vọng trở thành chuẩn mực cho sức mạnh điện toán xanh.
![]() |
Đặc khu Lâm Cảng thuộc Khu thí điểm thương mại tự do Trung Quốc ở Thượng Hải. Ảnh: Gao Erqiang/China Daily |
Ông cho biết: "Sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng điện toán chất lượng mới và các kịch bản ứng dụng AI đã sẵn sàng với mục tiêu củng cố vị thế của Lingang như một trung tâm toàn cầu về luồng dữ liệu xuyên biên giới, điện toán AI và kết nối thông minh".
Theo thỏa thuận, Hicloud sẽ đầu tư ban đầu 1,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 222,7 triệu đô la Mỹ) vào hai giai đoạn của dự án mang tên dự án Shanghai Lingang UDC, nhằm thiết lập một cụm dữ liệu dưới nước công suất 24 megawatt (MW), tích hợp năng lượng tái tạo, làm mát tiên tiến và khả năng dữ liệu xuyên biên giới.
Ông Su Yang, Tổng Giám đốc Hicloud cho biết, cơ sở lưu trữ các nhóm đơn vị dữ liệu mô-đun sẽ được làm mát bằng nước biển và nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi.
Với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững và không phát thải carbon, giai đoạn đầu tiên, một cơ sở trình diễn công suất 2,3 MW, đã được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia chỉ định là mô hình quốc gia về đổi mới xanh, ít carbon và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9 năm nay.
Cũng theo ông Su Yang, giai đoạn thứ hai sẽ mở rộng công suất lên 24 MW, đạt hiệu suất sử dụng điện (PUE) dưới 1,15 - chuẩn mực về hiệu quả năng lượng, khai thác hơn 90% điện năng từ các trang trại gió ngoài khơi.
Hệ thống làm mát bằng nước biển tự nhiên của UDC giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng làm lạnh từ 40 - 50% tổng lượng điện năng sử dụng xuống dưới 10%, cắt giảm tổng lượng năng lượng sử dụng xuống 30 - 40% so với hệ thống làm mát trên đất liền.
Ngoài ra, hệ thống sẽ giảm thiểu việc sử dụng đất, giải quyết vấn đề chung về tình trạng khan hiếm tài nguyên đất mà các hoạt động triển khai trên đất liền phải đối mặt.
Shanghai Lingang UDC nâng cấp từ thí nghiệm Hải Nam
Thiết kế của dự án Lingang dựa trên thử nghiệm UDC của Hicloud tại Lingshui, tỉnh đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc, được coi là cột mốc trong nỗ lực khai thác tài nguyên biển để tạo ra sức mạnh điện toán thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Được đưa vào hoạt động vào tháng 12/2022, UDC Hải Nam lưu trữ các mô-đun dữ liệu ở độ sâu hơn 30m dưới biển. Cụm máy tính thông minh, với khả năng tính toán hiện tại là hơn 675 PFlops, đã cạnh tranh với các cơ sở trên đất liền cỡ trung bình, Su Yang cho biết.
![]() |
Cụm máy tính thông minh thương mại được hạ xuống biển gần Lăng Thủy, đảo Hải Nam, ngày 18/2/2025. Ảnh: Xinhua |
Theo một kế hoạch được 6 bộ ngành chính phủ công bố vào tháng 10/2023, khi cuộc cách mạng AI đang diễn ra nhanh chóng, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tổng sức mạnh tính toán của cả nước lên hơn 30% vào năm 2025. Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu tổng sức mạnh tính toán của Trung Quốc đạt 300 EFLOPS vào năm 2025.
Trong khi "Dự án Natick" thử nghiệm năm 2015 của Microsoft tại Scotland chứng minh tính khả thi của một trung tâm dữ liệu dưới biển thì dự án của Hải Nam là dự án triển khai thương mại đầu tiên trên thế giới.
Khả năng tính toán hiện tại của cụm máy thông minh tương đương với 30.000 máy tính chơi game cao cấp hoạt động cùng lúc, hoàn thành khối lượng công việc trong một giây mà một máy tính thông thường phải mất một năm mới hoàn thành.
Su Yang cũng xác nhận với Xinhua rằng, UDC hoạt động ổn định kể từ khi ra mắt, không có lỗi máy chủ nào và không cần bảo trì tại chỗ.
"Với tất cả những công việc đã thực hiện ở Hải Nam, có thể khẳng định dự án Lingang là phiên bản nâng cấp 2.0, vì lần này chúng tôi có trang trại gió để cung cấp điện cho UDC, giúp dự án xanh hơn và có khả năng cạnh tranh thương mại cao hơn", Su Yang nói thêm với Tân Hoa Xã.
Theo đó, Shanghai Lingang UDC sẽ neo giữ hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ AI, 5G, Internet vạn vật (IoT) công nghiệp và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Hơn nữa, dự án sẽ triển khai các dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới cho các lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử, vận chuyển cao cấp và thương mại quốc tế. |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/trung-quoc-trien-khai-trung-tam-thuong-mai-duoi-nuoc-chay-bang-nang-luong-dien-gio-14297.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.