Việt Nam nghiêm túc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)

Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nghiêm túc Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), coi đây là một phần quan trọng trong quá trình bảo đảm quyền con người và hội nhập quốc tế. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong xây dựng pháp luật, thực thi chính sách và đối thoại quốc tế đã thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ và nhất quán của Việt Nam đối với Công ước này.

Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người luôn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được thể hiện trong mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, việc tham gia và thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) không chỉ là cam kết quốc tế, mà còn là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc này.

Việt Nam - Thành viên tích cực của Công ước ICCPR

Công ước ICCPR là một trong hai công ước cốt lõi trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế, được Liên hợp quốc thông qua năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Đến nay, 174 quốc gia đã tham gia. Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước, Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Trong hơn 4 thập kỷ, Việt Nam đã từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia; thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến quyền con người; bảo đảm quyền tiếp cận công lý, quyền không bị phân biệt đối xử và các quyền dân sự - chính trị thiết yếu của công dân.

Với phạm vi điều chỉnh rộng và tính phổ quát cao, Công ước ICCPR đòi hỏi phải được triển khai một cách toàn diện, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực từ các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân.

Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một quốc gia thành viên. Những kết quả đạt được thể hiện qua việc từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền dân sự và chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến Công ước ICCPR trên phạm vi toàn quốc; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực đời sống; đồng thời nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Công ước.

Việt Nam nghiêm túc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)
Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11/2024 tại Hà Nam

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường hiệu quả thực thi Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, thể hiện cam kết mạnh mẽ và chủ động của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế về quyền con người.

Kể từ khi trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam đã xây dựng và nộp các Báo cáo quốc gia vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nghiêm túc và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, phù hợp với các nghĩa vụ đã cam kết. Riêng đối với chu kỳ báo cáo lần thứ tư (giai đoạn 2019-2022), sau khi nộp Báo cáo quốc gia vào năm 2023, Việt Nam tiếp tục hoàn thành Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề vào năm 2024.

Nỗ lực thực hiện Công ước của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) vào tháng 9/2024, đồng thời đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Phiên đối thoại quốc tế

Hiện nay, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện từ 9 Bộ, ngành đang tích cực hoàn thiện các phương án trả lời, chuẩn bị cho Phiên đối thoại chính thức với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào ngày 7-8/7/2025 tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Theo ông Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, Việt Nam sẽ truyền tải 5 nội dung cốt lõi:

Thứ nhất, việc hiện thực hóa và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc được xem là nền tảng để thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, đồng thời góp phần củng cố hòa bình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trên bình diện quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam đang đẩy mạnh nhiều bước đột phá mang tính cách mạng nhằm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trong đó, nổi bật là công cuộc đổi mới quá trình xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được coi trọng, qua đó bảo đảm và bảo vệ hiệu quả hơn các quyền dân sự, chính trị của công dân.

Thứ ba, với chủ trương nhất quán trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền dân sự và chính trị nói riêng, Việt Nam đã nghiêm túc nghiên cứu và triển khai thực hiện các quy định của Công ước ICCPR cũng như các khuyến nghị từ Ủy ban Nhân quyền đưa ra năm 2019. Trong đó, có thể kể đến một số kết quả đáng chú ý như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm bãi bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh; ban hành Luật Tư pháp cho người chưa thành niên và sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người.

Thứ tư, quá trình thực hiện Công ước ICCPR được Việt Nam xây dựng theo lộ trình phù hợp với tiến trình cải cách pháp luật và cải cách tư pháp của quốc gia, đồng thời bám sát thực tiễn, điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Thứ năm, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến tiến trình thực thi Công ước, Việt Nam vẫn luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực ở mức cao nhất có thể. Chính phủ đang và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm hiệu quả hơn quyền dân sự, chính trị cho người dân, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thông qua những bước đi và lộ trình phù hợp trong thời gian tới.

Việt Nam nghiêm túc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)
Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Đào Quý Lộc chia sẻ về Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra vào ngày 7-8/7/2025 sắp tới

Chủ động, minh bạch và đối thoại

Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông về tiến trình thực thi ICCPR. Nhiều bài viết, phỏng vấn và thông cáo báo chí đã được chuẩn bị nhằm cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, phản bác kịp thời các đánh giá sai lệch. Dự kiến, sau Phiên đối thoại, Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật kế hoạch hành động để thực hiện các khuyến nghị được chấp thuận từ Ủy ban Nhân quyền.

Thực tiễn đã chứng minh: từ năm 1982 đến nay, Việt Nam luôn nhất quán với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó các quyền dân sự và chính trị của công dân được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy không ngừng.

Việc Việt Nam tham gia ICCPR không chỉ thể hiện cam kết quốc tế, mà còn phản ánh rõ ý chí chính trị và quyết tâm nội tại trong hành trình hướng tới một nhà nước pháp quyền hiện đại, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bích Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/viet-nam-nghiem-tuc-thuc-thi-cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-iccpr-14737.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.