Bộ Quốc phòng công bố danh mục 6 bài toán lớn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số năm 2025

Nhằm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Quốc phòng vừa công bố 6 bài toán lớn năm 2025, kêu gọi doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia giải quyết.
4 trụ cột thể chế nền tảng tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới Tổng Bí thư Tô Lâm: Danh mục công nghệ chiến lược phải mang tính động, mở và đột phá

Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ về cập nhật, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Bộ Quốc phòng đã công bố Danh mục các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025. Mục tiêu là huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong giải quyết các thách thức mang tính chiến lược, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và hiện đại hóa quốc phòng.

Danh mục năm nay gồm 6 bài toán lớn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ lõi, an ninh mạng, hạ tầng số và thiết bị quân sự:

1. Xây dựng nền tảng tính toán hiệu năng cao phục vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng:

Nền tảng này cần hỗ trợ dự báo nguy cơ mất an toàn thông tin, đề xuất phương án ứng phó sự cố, phân tích mã độc, điều tra số, kiểm thử và đánh giá khả năng phòng vệ mạng cũng như hiệu năng hệ thống.

2. Quản lý cơ sở hạ tầng và tiềm lực công nghệ thông tin bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Bài toán yêu cầu thiết lập quản lý hồ sơ mạng, quản trị hệ thống chuyên dùng, giám sát hạ tầng mạng, cảnh báo nguy cơ và xây dựng cơ chế huy động, tập trung nguồn lực số cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

3. Chia sẻ, khai thác dữ liệu an ninh mạng liên ngành và tự động nhận diện, ngăn chặn các mối đe dọa trên không gian mạng

Giải pháp cần đảm bảo thu thập, đồng bộ và kiểm soát cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn, trao đổi dữ liệu một chiều an toàn và chủ động cảnh báo, ngăn chặn rủi ro an ninh mạng.

4. Xây dựng hạ tầng và giải pháp kết nối an toàn liên mạng phục vụ chuyển đổi số quốc gia:

Yêu cầu kiểm soát hoạt động kết nối Internet và lưu lượng mạng, cho phép truyền dữ liệu hai chiều an toàn và ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ, thất thoát thông tin trong quá trình kết nối.

5. Phát triển hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện:

Hệ thống mô phỏng 3D cần bám sát thực tế, đáp ứng yêu cầu huấn luyện kỹ thuật, khai thác - vận hành, cũng như nghiên cứu cải tiến, nâng cấp trang bị quân sự.

6. Làm chủ công nghệ chế tạo phần cứng, hệ điều hành và phần mềm cho thiết bị phục vụ quốc phòng:

Bài toán hướng đến việc phát triển điện thoại, máy tính, máy tính bảng dành riêng cho quốc phòng, bao gồm cả thiết kế chip bán dẫn, hệ điều hành và dây chuyền sản xuất.

Việc công bố các bài toán này là bước cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo gắn với quốc phòng, thể hiện quyết tâm tích hợp giữa an ninh - quốc phòng và chuyển đổi số trong phát triển đất nước.

Bộ Quốc phòng công bố danh mục 6 bài toán lớn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số năm 2025
Tổ hợp radar cảnh giới do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nghiên cứu, chế tạo tại Triển lãm Quốc phòng 2024. Đây là nơi trưng bày nhiều loại khí tài công nghệ cao, sánh ngang với khu vực và thế giới. Ảnh: VGP

Trước đó, tại hội nghị đánh giá chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ vào giữa tháng 3, Đại tướng Phan Văn Giang đã đề xuất một số nội dung trọng tâm với Bộ Khoa học và Công nghệ. Các đề xuất tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm tăng cường gắn kết và thúc đẩy sự phát triển giữa khoa học - công nghệ quân sự, công nghệ quốc phòng với khoa học - công nghệ và công nghiệp của quốc gia.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển khoa học, công nghệ theo hướng lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa củng cố tiềm lực quốc phòng. Ông khẳng định cần tận dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; thúc đẩy sự gắn kết giữa khoa học, công nghệ với đổi mới sáng tạo và vai trò nghiên cứu chiến lược của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong các hoạt động nghiên cứu cơ bản, đầu tư nâng cao hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu chiến lược, nhằm giải quyết các bài toán khoa học lớn của Quân đội và đất nước. Đồng thời, Bộ cũng sẽ triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ cả mục tiêu quân sự và dân sinh.

Vào tháng 6/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố danh mục 21 bài toán lớn trên các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, AI, 5G, blockchain, công nghệ lõi và vệ tinh. Trong bức tranh toàn diện đó, các bài toán của Bộ Quốc phòng đóng vai trò điểm nhấn, thể hiện cách tiếp cận tích hợp giữa quốc phòng - an ninh và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bích Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/bo-quoc-phong-cong-bo-danh-muc-6-bai-toan-lon-ve-khoa-hoc-cong-nghe-va-chuyen-doi-so-nam-2025-14825.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.