Phải có chiến lược và nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành sản xuất robot trong nước vươn xa

Robot và Tự động hóa là một trong 11 nhóm công nghệ chiến lược trọng yếu trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc thành lập Chi hội Robot Việt Nam góp phần định hướng và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, chế tạo robot trong nước phát triển. Tạp chí Tự động hóa Ngày nay có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Chi hội Robot Việt Nam - PGS.TS Lê Hoài Quốc, nhân dịp ra mắt Chi hội.
Chi hội Robot Việt Nam ra đời thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm công nghệ chiến lược
Phải có chiến lược và nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành sản xuất robot trong nước vươn xa
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Chi hội Robot Việt Nam phát biểu tại ngày ra mắt Chi hội Robot Việt Nam

- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc thành lập Chi hội Robot Việt Nam?

PGS.TS Lê Hoài Quốc: Tại Việt Nam, robot đang nổi lên như một lĩnh vực chính do sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng tăng về tự động hóa trong nhiều lĩnh vực. Thị trường robot tại Việt Nam có quy mô 462,65 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 623,49 triệu USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 3,8% trong giai đoạn dự đoán.

Cùng với đó, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá chiến lược, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Quốc hội, và Quyết định 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, robot và tự động hóa là một trong 11 nhóm công nghệ chiến lược trọng yếu trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc thành lập Chi hội Robot Việt Nam là tầm nhìn của Hội Tự động hóa, là nỗ lực của các doanh nghiệp hội viên trong lĩnh vực tự động hóa trên cả nước. Chi hội Robot Việt Nam ra đời trở thành nơi kết nối các doanh nghiệp sản xuất robot và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, vạch ra chiến lược để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện được những mục tiêu, giải pháp đã đặt ra.

- Robot và tự động hóa là một trong 11 nhóm công nghệ chiến lược trọng yếu trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Có thể coi sự ra đời của Chi hội trong thời điểm này là cơ hội thúc đẩy, chuyển hướng ngành sản xuất robot trong nước?

PGS.TS Lê Hoài Quốc: Chiến lược Phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2035, theo tinh thần của Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định các mục tiêu sau:

Đến năm 2025, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một số chuyên ngành và lĩnh vực,...

Ngành công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cạnh tranh công bằng trong hội nhập quốc tế. Những lĩnh vực mũi nhọn Chính phủ ưu tiên phát triển như: Trí tuệ nhân tạo; Nhà máy thông minh (nhà máy số), Robot; Vi mạch; Công nghệ sinh học; Vật liệu mới,…

Với nhu cầu sử dụng robot trong các lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam ngày càng cao, ví dụ như ngành Điện tử: 85%, dẫn đầu, ứng dụng phổ biến trong sản xuất linh kiện; ngành ô tô: 6.5%, ứng dụng trong hàn, lắp ráp, sơn tự động; nhu cầu các ngành khác khoảng 8.5%, bao gồm vận chuyển, bốc xếp trong nhà máy sản xuất thực phẩm, dược phẩm,… Tôi cho rằng, đây chính là cơ hội cho ngành chế tạo, sản xuất robot tại Việt Nam, đồng nghĩa với sự ra đời của Chi hội Robot Việt Nam chính là cơ hội, là trọng trách đón đầu, thúc đẩy ngành sản xuất robot trong nước chuyển mình và phát triển hơn nữa, để bắt kịp nhu cầu thế giới trong kỷ nguyên số.

Phải có chiến lược và nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành sản xuất robot trong nước vươn xa
Robot hình người đánh bóng bàn, một sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam - Tosy Robotics

- Song song với Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị chú trọng vai trò phát triển doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, Việt Nam cần có những chủ trương, chính sách cụ thể như thế nào để vực lại ngành sản xuất, chế tạo robot trong nước?

PGS.TS Lê Hoài Quốc: Tại Việt Nam, nhu cầu về tự động hóa trong sản xuất ngày càng tăng cao. Việc ứng dụng robot không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn giúp họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời, điều này cũng giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong các ngành công nghiệp đòi hỏi sự chính xác và tốc độ cao. Tuy nhiên, thực tế vì nhiều lý do nên việc sản xuất, chế tạo robot tại Việt Nam hầu như chưa được doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều và với doanh nghiệp trong nước thì cũng chỉ mới có một số ít doanh nghiệp với nỗ lực bắt đầu trong nhiều khó khăn.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo robot trong nước gặp nhiều khó khăn và thách thức. Có thể kể đến những thách thức cơ bản như: Năng lực nội địa hóa thấp: công nghiệp hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước còn yếu, linh kiện phụ thuộc nhập khẩu dẫn đến chi phí cao, kém cạnh tranh; thiếu hệ sinh thái đồng bộ: R&D - đào tạo - thương mại hóa. Cụ thể, chưa có những chính sách đủ mạnh, thiếu nhạc trưởng để chỉ huy kết nối đồng bộ trong việc xây dựng Hệ sinh thái từ nghiên cứu, phát triển, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình thương mại hóa một cách mạnh mẽ.

Đa số doanh nghiệp sản xuất trong hệ sinh thái không có nguồn vốn đủ mạnh để theo đuổi việc sản xuất robot đủ sức để tham gia cạnh tranh với các sản phẩm robot nhập khẩu, dẫn đến kết quả là không đẩy lên được trình độ sản xuất hàng loạt để có thể giảm chi phí, hạ giá thành.

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu phát triển và nhân lực kỹ thuật trong các nhà máy còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sản xuất cũng như vận hành và bảo trì, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai sử dụng robot.

Khả năng thích nghi của doanh nghiệp trong chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình tự động hóa với sự tham gia của robot đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình, đào tạo nhân lực và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi này, dẫn đến việc ứng dụng robot chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng robot trong sản xuất tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức. Để tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thách thức, bên cạnh việc tự thân doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển rõ ràng, sẵn sàng thay đổi để thích nghi với mô hình sản xuất mới, bao gồm cả việc đào tạo nhân lực, điều chỉnh quy trình sản xuất và định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tế, doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức để tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước sản xuất robot cung cấp cho nhu cầu trong nước

Đồng thời, cần phát huy vai trò của Hội Tự động hóa Việt Nam và của Chi hội Robot Việt Nam trong việc tham mưu xây dựng chiến lược dài hạn cho cả các cơ quan quản lý nhà nước và cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trong chuỗi cung ứng cho việc chế tạo robot, doanh nghiệp sản xuất robot và doanh nghiệp ứng dụng robot nhằm giúp có thể giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư qua các chương trình hỗ trợ, vay vốn ưu đãi, các chương trình đào tạo nhân lực thông qua các hệ thống Vườn ươm quốc gia, Trung tâm khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp chế tạo và sản xuất robot.

Doanh nghiệp cũng mong Nhà nước có chính sách khuyến khích các dự án hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm. Việc hợp tác với các đối tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tự động hóa, robot sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời những công nghệ mới nhất và áp dụng chúng một cách hiệu quả.

- Ngành sản xuất robot Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khó cạnh tranh với ngành sản xuất robot của một số nước, ví dụ như Trung Quốc. Với vai trò là Chủ tịch Chi hội, xin ông cho biết định hướng của Chi hội trong giai đoạn 2025-2030 để thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo robot có bước tiến thực sự trong thời đại kỷ nguyên số?

PGS.TS Lê Hoài Quốc: Giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn nhiều khó khăn thách thức, nhưng hòa vào sự chuyển mình chung của dân tộc trong thời đại kỷ nguyên số, Chi hội nỗ lực đồng bộ các mặt hoạt động nhằm xây dựng hệ sinh thái từ nghiên cứu phát triển, đào tạo và thúc đẩy thương mại hóa nhằm góp phần rút ngắn chu kỳ chuyển giao từ phòng thí nghiệm ra sản xuất, góp phần tạo ra thị trường nội địa hấp dẫn đủ lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng tầm học thuật thông qua công bố kết quả nghiên cứu về robotics.

Với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho mọi hoạt động, các hoạt động của Chi hội từ đào tạo, nghiên cứu, phát triển, ươm tạo công nghệ đều hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm robot để phục vụ cho mục tiêu tự động hóa trong sản xuất và đời sống người dân trong nước.

Chi hội thành lập các ban chuyên biệt, như Ban Tổ chức và Phát triển hội viên; Ban Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; Ban Truyền thông và Tổ chức sự kiện; Ban Hợp tác nghiên cứu - Phát triển và Thương mại hóa. Các ban chuyên môn sẽ theo dõi, đôn đốc, phân mảng và chuyên sâu các hoạt động, bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, biến đường lối thành hành động, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, và các chương trình nâng cao kỹ năng, đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Thời gian tới, Chi hội sẽ tổ chức các sự kiện thường niên dưới hình thức Hội nghị - diễn đàn - triển lãm về tự động hóa và robot tại Việt Nam gắn với sự kiện VINAMAC và AT EXPO hàng năm; hợp tác với các nhà sản xuất, doanh nghiệp, các Hội và Hiệp hội nghề nghiệp trong nước và nước ngoài để cùng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực robotics (cán bộ vận hành, sửa chữa, thiết kế chế tạo theo nhu cầu thị trường,...).

Đồng thời, xúc tiến hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, tiếp cận các xu hướng công nghệ tiên tiến và học hỏi các mô hình đào tạo, quản lý từ các nước phát triển; quảng bá các hoạt động của chi hội, tổ chức các sự kiện, hội nghị, triển lãm, và các hoạt động truyền thông khác nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự động hóa, robot trong công nghiệp; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả các công nghệ tự động hóa, robot; tổ chức kết nối hội viên từ các đơn vị nghiên cứu với các doanh nghiêp để phát triển các sản phẩm và ứng dụng trong lĩnh vực tự động hóa - robot; xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm robot tại Việt Nam.

Chi hội thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị khoa học trao đổi học thuật và công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu liên ngành, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng robot trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, chú trọng trao đổi, sử dụng sản phẩm trong nước. Mục tiêu của chi hội giai đoạn 2025-2030 là phấn đấu trở thành viên đại diện cho Việt Nam trong Liên đoàn Robot quốc tế IFR (International Federation of Robotics).

- Vậy, những việc cụ thể nhất Chi hội cần làm trong năm 2025-2026 là gì, thưa ông?

PGS.TS Lê Hoài Quốc: Với vai trò kết nối và định hướng đúng đắn, với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trọng tâm cho mọi hoạt động, Chi hội Robot Việt Nam nỗ lực thực hiện các mục tiêu, định hướng đề ra, thúc đẩy các doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng Chi hội trở thành tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.

Mục tiêu và hành động cụ thể trong năm 2025-2026, là nhanh chóng kiện toàn các ban, bộ máy hành chính của chi hội, đồng thời đẩy mạnh liên kết khối viện, trường - những đơn vị có thế mạnh nghiên cứu nhưng thiếu định hướng thương mại hóa, phối hợp với các doanh nghiệp, hiện thực hóa những công trình, nghiên cứu khoa học trong chế tạo, sản xuất robot. Định hướng những phân khúc tiềm năng như AGV, AMR, robot arm, robot dịch vụ; hợp tác với các đơn vị lớn như Samsung, LG, Rorze, thúc đẩy phát triển theo xu hướng tích hợp AI, IoT, dữ liệu lớn,…

Cụ thể, KPI năm 2025-2026 của Chi hội là:

+ Hợp tác, kết nối ít nhất 5 biên bản ghi nhớ (MOU) với viện, trường, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, trong các lĩnh vực R&D, về tích hợp, sản xuất;

+ Xúc tiến và truyền thông, khoảng 2 sự kiện/năm dưới hình thức hội thảo, kết nối đầu tư, diễn đàn startup;

+ Hệ sinh thái thương mại hóa, lập 1 nền tảng giới thiệu sản phẩm online/offline để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái, thúc đẩy nhau phát triển;

+ Tăng trưởng doanh nghiệp, đặt mục tiêu mỗi năm có ít nhất 10 doanh nghiệp sản xuất/tích hợp robot mới được hỗ trợ, định hướng phát triển bài bản hơn, để có ít nhất 2 sản phẩm được đưa ra thị trường;

+ R&D - tiêu chuẩn hóa, mục tiêu có ≥ 5 đề tài R&D hỗ trợ và 2 tiêu chuẩn kỹ thuật đề xuất, đồng bộ với ISO/JIS/CE;

+ Kết hợp với viện, doanh nghiệp điển hình trong ngành, thúc đẩy hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ tiêu chuẩn cho khoảng 100 kỹ sư robot.

+ Xây dựng Quỹ và nguồn tài trợ (từ kêu gọi ngân sách Nhà nước đến huy động nguồn vốn đối ứng doanh nghiệp), ít nhất đạt 10 tỷ đồng dành cho hoạt động R&D - thương mại hóa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUYỄN HẠNH (thực hiện)

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/phai-co-chien-luoc-va-nhieu-giai-phap-dong-bo-de-thuc-day-nganh-san-xuat-robot-trong-nuoc-vuon-xa-14929.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.