Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này trong những năm qua, nhưng quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chưa gắn với thực tiễn; việc chuyển giao kết quả khoa học - công nghệ còn chậm; các tổ chức, doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi tương xứng; thủ tục tài chính, đầu tư công, chuyển giao tài sản còn nhiều bất cập. Đặc biệt, chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì mà không sử dụng ngân sách nhà nước, làm hạn chế khả năng xã hội hóa nguồn lực.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trước thực trạng đó, việc ban hành một nghị quyết riêng của HĐND thành phố được xem là bước đi cấp thiết, nhằm tạo đột phá.
Bà Nguyễn Thị Mai - Trưởng phòng Khoa học và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội) cho biết, nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Luật Thủ đô năm 2024, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đồng thời, tiếp thu đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ,...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, nghị quyết sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển Thủ đô theo hướng khoa học, sáng tạo, bền vững. Trọng tâm là tạo môi trường pháp lý, tài chính và tổ chức để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà đầu tư; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiện đại.
Dự thảo nghị quyết đề xuất 5 nhóm chính sách đặc thù, nhiều nội dung lần đầu tiên được thể chế ở cấp thành phố. Trong đó, cho phép đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ trọng điểm cho doanh nghiệp, tổ chức tư nhân để được hưởng chính sách hỗ trợ như dự án sử dụng ngân sách. Cơ chế chuyển giao tài sản, kết quả nghiên cứu không bồi hoàn thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội cũng được đề xuất. Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm thiết bị nghiên cứu và 50% cho dự án sản xuất thử nghiệm; áp dụng ưu đãi tương tự doanh nghiệp công nghệ cao.
Nghị quyết cũng mở rộng chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín. Đồng thời, áp dụng cơ chế khoán chi theo sản phẩm cuối cùng thay vì lập dự toán chi tiết như hiện nay.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Hà Nội bổ sung quy định lập dự toán cho các hoạt động như tổ chức hội thảo, thành lập hội đồng tư vấn, tổ công tác chuyên đề, thu hút chuyên gia,... Bên cạnh ngân sách nhà nước, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Hà Nội sẽ đóng vai trò tài trợ quan trọng, với cơ chế linh hoạt không bị ràng buộc bởi quy định bảo toàn vốn.
Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài trong nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học. Bằng việc trao quyền tự chủ, hỗ trợ tài chính - nhân lực - pháp lý, TP Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu, hiện thực hóa khát vọng về một Thủ đô thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết, Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo xây dựng 6 nghị quyết lớn tạo đòn bẩy cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Trong đó, 4 nghị quyết do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, 2 nghị quyết còn lại do Sở Tài chính và Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP Hà Nội đảm nhiệm. Cụ thể: Nghị quyết liên quan đến chính sách đặc thù về phát triển công nghệ cao, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ví dụ, tới đây doanh nghiệp lập phòng lab, thành phố có thể hỗ trợ tới 70% trong việc mua sắm thiết bị ban đầu, hay hỗ trợ tiền thuê đất đến 10 năm. Dự thảo Nghị quyết thứ hai là về thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Nghị quyết thứ ba là cơ chế hình thành hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp. Nghị quyết thứ tư về thành lập sàn giao dịch công nghệ. Nghị quyết thứ năm do Sở Tài chính tham mưu xây dựng dự thảo, về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Dự kiến, quỹ này có nguồn vốn từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng; trong đó, thành phố sẽ góp 49%, số còn lại dành cho các nhà đầu tư chiến lược. Nghị quyết thứ sáu do Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP Hà Nội tham mưu xây dựng dự thảo, nhằm thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc với mục tiêu đưa nơi đây trở thành mô hình như “Silicon Valley” (Thung lũng Silicon) của Hoa Kỳ với việc đầu tư các khu dịch vụ, nhà ở để thu hút giới chuyên gia cao cấp về đây làm việc. |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/ha-noi-xay-dung-co-che-dac-thu-phat-trien-khoa-hoc-va-doi-moi-sang-tao-15019.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.