Vai trò của ngành Kỹ thuật điện trong thời đại 4.0 Ứng dụng Tự động hóa trong nông nghiệp công nghệ cao Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển 7.289 chỉ tiêu vào đại học |
VNUA đủ tiềm lực để trở thành đơn vị tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển học viện. Theo đó, VNUA đã có bề dày 69 năm trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và các ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài các khoa chuyên ngành như Chăn nuôi, Thú y, Trồng trọt, Nông học, Thủy sản, VNUA còn mở ra những ngành học liên kết như Du lịch, Ngoại ngữ, các ngành công nghệ mũi nhọn như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Cơ - Điện. Bên cạnh đó, VNUA còn là hệ sinh thái đào tạo, hội tụ các viện, trung tâm nghiên cứu, xúc tiến thương mại,…
![]() |
PGS.TS Vũ Ngọc Huyên khẳng định VNUA đủ tiềm lực để trở thành đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Trong đó, khoa Cơ - Điện chú trọng đào tạo các ngành như Kỹ thuật cơ khí (Chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí nông nghiệp), Kỹ thuật điện (Chuyên ngành Hệ thống điện, Điện công nghiệp, Tự động hóa), Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô. Các chuyên ngành của khoa Cơ - Điện hàng năm tuyển sinh ổn định, có số lượng sinh viên theo học lớn và cung cấp cho thị trường lao động trong nước hàng trăm kỹ sư, nhân lực chất lượng cao mỗi năm.
“Chúng tôi nhận thấy, lĩnh vực hoạt động của khoa Cơ - Điện và các hoạt động nghiên cứu của một số đơn vị trong học viện phù hợp với nội dung, tiêu chí hoạt động của Hội Tự động hóa, Ban Giám đốc học viện thiết lập cuộc gặp gỡ hôm nay, nhằm trao đổi về việc hợp tác, nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi mong muốn, qua cuộc trao đổi, hai bên sẽ có những hợp tác sâu sắc, đồng thời lên kế hoạch thành lập Chi hội Tự động hóa Nông nghiệp Việt Nam (Chi hội TĐH VNUA) để cùng nhân đôi sức mạnh, kết nối, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các ngành, các sản phẩm công nghệ mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị”, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên bày tỏ.
![]() |
Đánh giá cao vị thế và tiềm lực của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch VAA cho rằng việc lựa chọn Học viện là địa chỉ để thành lập Chi hội Tự động hóa về nông nghiệp là xác đáng. Ảnh Bảo Hà |
Hoan nghênh thiện chí của lãnh đạo VNUA, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch VAA cũng nhấn mạnh, uy tín, thế mạnh của VAA. Trong đó, một trong những mục tiêu, định hướng của Hội là kết nối với các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, thành lập các chi hội thành viên trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển những ngành, sản phẩm công nghệ mũi nhọn.
Chủ tịch VAA cũng cho rằng, VNUA là một đơn vị đào tạo có tiềm lực, uy tín, có hệ sinh thái đào tạo nhiều thế mạnh với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học. Việc thành lập Chi hội Tự động hóa trong Học viện là bước tiến để xây dựng nền tảng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ hơn nữa các ngành công nghệ mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp trong nước.
“VNUA sẽ là đơn vị được ưu tiên hàng đầu trong các sự kiện của VAA. Với tiềm năng sẵn có của Hội, chúng tôi tự tin hợp tác và thúc đẩy Học viện phát triển. Chúng tôi kỳ vọng Chi hội Tự động hóa tại Học viện Nông nghiệp sẽ sớm được thành lập và trở thành đơn vị tiên phong, ưu tú thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp nước nhà. Bởi, hơn bao giờ hết, chuyển đổi số nông nghiệp là lĩnh vực khó nhất. Ngành nông nghiệp trong nước chuyển đổi còn manh mún, lực lượng mỏng, nhân lực không qua đào tạo. Nếu không đưa tự động hóa vào nông nghiệp thì nông nghiệp sẽ không chuyển đổi số được, không thể hội nhập quốc tế. Học viện có tiềm lực rất mạnh, nếu thành lập Chi hội Tự động hóa về nông nghiệp, sẽ có nền tảng để hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi số đúng và trúng”, TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Xúc tiến ra mắt Chi hội Tự động hóa Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Thông qua buổi làm việc, lãnh đạo VAA và lãnh đạo khoa Cơ - Điện cũng đã có những trao đổi định hướng cho hoạt động của Chi hội khi được thành lập.
Theo đó, PGS.TS Bùi Quốc Khánh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VAA cho rằng hội viên của Chi hội Tự động hóa cần được mở rộng trong các khoa chuyên môn ngay tại Học viện để phát huy hết tiềm năng của các khoa, các lĩnh vực nghiên cứu có sẵn trong Học viện, đồng thời mở rộng các đơn vị ngoài Học viện.
"Chúng ta cần nhiều thời gian, nhưng trước mắt, Chi hội Tự động hóa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là ngọn cờ đầu để liên kết, chuyển đổi số ngành nông nghiệp, kết hợp với Chi hội Tự động hóa doanh nghiệp để có định hướng cụ thể, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển”, PGS.TS Khánh chia sẻ thêm.
TS. Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Cơ - Điện cho biết, thời điểm hiện tại, tiềm lực của Khoa phù hợp để trở thành thành viên của VAA, tự tin thành lập một chi hội chuyên môn. Về cơ bản, Khoa đáp ứng được nhân lực theo tiêu chí cứng của Hội. Khoa sẽ đi từng bước, đầu tiên là thành lập chi hội, từ đó kết nối với các doanh nghiệp, viện, trường để thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp.
Khẳng định việc thành lập Chi hội Tự động hóa là thiết thực và Học viện tự tin trở thành người đi đầu, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên đã giao cho khoa Cơ - Điện thành lập Ban vận động và tiến hành các thủ tục theo quy định để sớm ra mắt Chi hội.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, các đại biểu của VAA đã đi tham quan Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo - một trung tâm có quy mô lớn, với 20 phòng thí nghiệm, là cầu nối của hàng ngàn đề tài khoa học, dự án khởi nghiệp của các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong học viện. Trung tâm trưng bày các sản phẩm “cây nhà lá vườn”, được ứng dụng từ các nghiên cứu khoa học của các ngành mũi nhọn đến từ các viện và trung tâm nghiên cứu trong học viện. Khu trưng bày có các sản phẩm công nghệ thực phẩm khá độc đáo như ngô trái cây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thiên nhiên, trà tre túi lọc, nấm, mật ong; các sản phẩm công nghệ sinh học gồm các chế phẩm xua đuổi rầy nâu, diệt sâu bọ sinh học; các mô hình nuôi trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Được biết, nhiều nghiên cứu khoa học của học viện đã được cấp bằng sáng chế. Có thể kể đến công nghệ khí canh ứng dụng trong sản xuất khoai tây giống năng suất chất lượng cao, đã được nhân rộng mô hình trong cả nước; công nghệ nuôi ong và các chế phẩm từ ong, thúc đẩy phát triển ngành ong mật; nghiên cứu nhân giống hơn 200 loại nấm; các sản phẩm thực phẩm chức năng như viên uống sáng mắt, viên uống sức khỏe, công nghệ đồ uống; các sáng chế thuộc lĩnh vực tự động hóa, cơ khí, kỹ thuật,… Học viện tạo được thương hiệu, uy tín trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, một số sản phẩm nông sản chất lượng của học viện đã được các nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ thường xuyên đặt hàng. |
Một số hình ảnh của chương trình làm việc giữa VAA và VNUA
![]() |
TS.Nguyễn Quân cho rằng, không thúc đẩy tự động hóa sẽ không thể chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp trong nước, bức tranh nền nông nghiệp số sẽ manh mún và chậm chạp. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
![]() |
![]() |
![]() |
Đoàn đại biểu VAA tham quan Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo của VNUA. Ảnh Bảo Hà |
![]() |
Ban Giám đốc VNUA chụp ảnh kỷ niệm với các lãnh đạo VAA và đại biểu |
![]() |
Cuộc gặp mặt thành công tốt đẹp, với kế hoạch thành lập Chi hội Tự động hóa Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tháng 8/2025, thành lập Chi hội Tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2026. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/vaa-va-hoc-vien-nong-nghiep-viet-nam-hop-tac-thuc-day-nganh-nong-nghiep-so-15037.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.