Loạt "ông lớn" ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng tốc

Tính đến hiện tại, ba ngân hàng khối quốc doanh và loạt ngân hàng lớn khác đã tiết lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 211.000 tỷ đồng tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm.

Chất lượng tài sản đang cải thiện dần, khi nợ nhóm 2 (trước CIC) đã giảm đáng kể từ mức 1,47% ở đầu năm 2025 xuống mức 0,62%, tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 2,63%. Tính đến 30/6/2025, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được kiểm soát ở mức 67,17%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 22,33% xuống còn 21,94%.

Loạt

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Agribank)

Trước đó, ngày 7/7, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước, đạt cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn.

Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng.

Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết Vietcombank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh.

Cụ thể, tổng tài sản ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024; tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt xấp xỉ 219%, cao nhất hệ thống ngân hàng.

Loạt

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ảnh: Vietcombank)

Trước Vietcombank, "ông lớn" Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2025. Theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc VietinBank tiết lộ, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9%.

Đặc biệt tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 tăng 12,5%, tập trung vào các nhóm ngành ưu tiên. MB cũng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,27%, với dự phòng rủi ro đầy đủ.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng hé lộ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt gần 19%, nợ xấu giữ ở mức 1,18%. Ngân hàng tập trung cho vay SME, hạ tầng – công nghệ và xuất khẩu.

Theo báo cáo từ Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế quý II của các ngân hàng niêm yết được dự báo tăng 14,7% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng phục hồi, NIM ổn định và áp lực dự phòng giảm bớt.

MBS dự báo lợi nhuận ngân hàng có tăng trưởng vượt 20% gồm: VPBank (+39%), VietinBank (+33%), Eximbank (+34%), HDBank (+26%), OCB (+20%). Chất lượng tài sản vẫn là điểm cần lưu ý, khi MBS dự báo nợ xấu và nợ nhóm 2 vẫn ở mức cao, khiến chi phí dự phòng toàn ngành tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.

MBS đánh giá hai chính sách sắp ban hành sẽ có tác động lớn tới hệ thống ngân hàng: Nghị định 69/2025/NĐ-CP (nâng room ngoại lên 49% cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc như VPBank, MBB, HDB...) và dự thảo luật hóa Nghị quyết 42. Nếu được thông qua, các quy định này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng cải thiện năng lực vốn trung dài hạn, giảm áp lực nợ xấu.

Lê Thanh

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/loat-ong-lon-ngan-hang-he-lo-ket-qua-kinh-doanh-6-thang-dau-nam-tin-dung-tang-toc-15061.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.