12 giải pháp để tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% |
Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai. Hội nghị có sự tham dự của các Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kết nối trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được Chính phủ xác định ở mức khoảng 8,3-8,5%, nhằm tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 và hướng tới 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm. Trước đó, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất đặt mục tiêu tối thiểu là 8%.
Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị phải hành động quyết liệt, đồng bộ, chuyên nghiệp, cùng một hướng. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước phải xác định rõ các trụ cột tăng trưởng, thúc đẩy cả động lực truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các động lực mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá cụ thể khả năng đạt mức tăng trưởng đã nêu, xác định rõ các giải pháp trước mắt và lâu dài để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc, xây dựng kịch bản tăng trưởng thống nhất làm cơ sở để Chính phủ ban hành nghị quyết điều hành.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Ảnh: VGP |
Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025, kiến nghị theo phương án cao
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025:
Kịch bản 1: GDP cả năm tăng 8%, quý III tăng 8,3%, quý IV tăng 8,5%. Quy mô GDP dự kiến đạt trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD. Động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 108 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 12% trở lên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 16% trở lên, CPI bình quân 4,5-5%.
Kịch bản 2 (được kiến nghị lựa chọn): GDP cả năm tăng 8,3-8,5%, quý III tăng 8,9-9,2%, quý IV tăng 9,1-9,5%. Quy mô GDP đạt trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.020 USD. Các chỉ tiêu tương ứng tăng cao hơn: tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 111 tỷ USD, tổng bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 13% trở lên, xuất nhập khẩu tăng 17% trở lên, CPI bình quân 4,5-5%.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đầu tư là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa để thúc đẩy. Việc khai thác tốt thị trường, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ giúp tạo năng lực sản xuất mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng GDP năm 2026 đạt từ 10% trở lên.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao, Bộ Tài chính kiến nghị nâng chỉ tiêu tăng trưởng của một số địa phương trọng điểm trong năm 2025 như sau: Hà Nội: tăng 8,5% (cao hơn 0,5% so với Nghị quyết 25/NQ-CP), TP.HCM: tăng 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh: tăng 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên: tăng 8% (cao hơn 0,5%)
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng cần nâng tăng trưởng khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Giải pháp then chốt: Đẩy mạnh đầu tư công, tư nhân và FDI
Để phục vụ cho kịch bản tăng trưởng cao, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp sau:
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng cuối năm cần đạt 111 tỷ USD, trong đó:
Đầu tư công: 28 tỷ USD (khoảng 700 nghìn tỷ đồng), giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn bổ sung từ tăng thu/tiết kiệm chi NSNN năm 2024 (152,7 nghìn tỷ đồng); đầu tư tư nhân: 60 tỷ USD (cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng 8%); vốn FDI đăng ký: 18,5 tỷ USD, FDI thực hiện: 16 tỷ USD; đầu tư khác: khoảng 7 tỷ USD.
Để thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, nhằm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời bám sát các chương trình hành động của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%), bảo đảm vốn tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ như 500 nghìn tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số và gói tín dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và rút ngắn quy trình thủ tục, đặc biệt với các dự án quy mô lớn.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân chi tiết theo từng tháng, phân bổ đến từng chủ đầu tư; đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh tại từng dự án. Mục tiêu là đến hết quý III/2025 giải ngân đạt 60% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, và hoàn thành 100% kế hoạch trong cả năm.
Cuối cùng, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2026, bảo đảm đạt mức tăng trưởng GDP từ 10% trở lên. Các Nghị quyết quan trọng như 192/2025/QH15, 154/NQ-CP, 205/NQ-CP, 198/2025/QH15,… cần tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo nền tảng bền vững cho giai đoạn phát triển mới.
Bích Ngọc (tổng hợp)
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/chinh-phu-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-nam-2025-tu-83-85-phan-dau-dat-10-vao-nam-2026-15137.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.