Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững VAA và Học viện Nông nghiệp Việt Nam hợp tác thúc đẩy ngành nông nghiệp số |
Ngày 18/7, hội thảo với chủ đề "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững" đã diễn ra tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Sự kiện do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) phối hợp cùng Cộng đồng Khởi nghiệp Sáng tạo Ecotech - Techfest Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee tổ chức.
Hội thảo là điểm gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học và các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển bền vững, đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, minh bạch thông tin sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang trở thành những yêu cầu cốt lõi đối với sự phát triển dài hạn và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
![]() |
Hội thảo với chủ đề "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững" thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư |
"Truy xuất nguồn gốc không chỉ là gắn chip, dán tem"
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee nhấn mạnh: "Truy xuất nguồn gốc không chỉ là tem chống giả hay chip gắn vào, mà cần có hệ thống công nghệ để lưu vết toàn bộ chuỗi, từ nguyên liệu đầu vào, nhà sản xuất, quy trình đóng gói, thương mại đến thị trường và có thể truy xuất ngược".
Theo ông Quân, truy xuất nguồn gốc không đơn thuần là gắn mã QR hay chip để hiển thị một trang web giới thiệu sản phẩm. “Thông tin đó không sai, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ quá trình truy xuất,” ông nói. Thay vào đó, mỗi sản phẩm cần có một "hộ chiếu số" chứa đầy đủ dữ liệu từ gieo trồng đến phân phối, theo đúng tiêu chuẩn Thông tư 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ đó đảm bảo tính minh bạch, uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông cũng lưu ý rằng các giải pháp công nghệ như mã vạch, blockchain, tem điện tử,… đều đã sẵn có. Vấn đề không nằm ở công nghệ, mà là doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa chọn đúng giải pháp phù hợp và thiếu nguồn lực để triển khai. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không nên quá lo lắng về công nghệ, mà cần tìm đơn vị tư vấn phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn và kết nối dữ liệu dùng chung một cách hiệu quả.
Rào cản nằm ở chi phí và nhận thức
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Thư ký Hội Tự động hoá Việt Nam chia sẻ một thực tế phổ biến: nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn chần chừ, e ngại trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Một phần do họ chưa thấy lợi ích dài hạn, phần khác vì thiếu chính sách hỗ trợ, chưa có hạ tầng dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về chi phí đầu tư chuyển đổi và cho rằng đây là bài toán quá sức.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam (bìa trái) phát biểu tại hội thảo |
“Tôi từng gặp một ông chủ doanh nghiệp lớn nói rằng sản phẩm của họ đã xuất khẩu, bán ổn định trong nước thì cần gì phải chuyển đổi số hay truy xuất. Nhưng sau quá trình thuyết phục, ông ấy nhận ra đây là cách để bảo vệ chính sản phẩm và thương hiệu trong dài hạn,” ông Cường chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG, doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải minh bạch hoá thông tin sản phẩm. Đặc biệt, ông lưu ý: "Người sản xuất là mắt xích đầu tiên cần thực hiện truy xuất nguồn gốc. Nếu họ không làm, các khâu sau sẽ thiếu dữ liệu và ảnh hưởng toàn bộ chuỗi giá trị".
Cần sự đồng hành từ nhà nước và cộng đồng công nghệ
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường cùng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp đảm bảo minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, tăng độ tin cậy và mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính. Đặc biệt, việc truy xuất còn góp phần lành mạnh hoá thị trường, giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa và loại bỏ rủi ro ngay từ khâu sản xuất, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
![]() |
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ông Cường đề xuất cần sự chung tay giữa Nhà nước, hiệp hội ngành nghề và các đơn vị công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ông kỳ vọng trong thời gian tới, Hội Tự động hóa Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất.
“Truy xuất nguồn gốc hàng hoá, sản phẩm không phải doanh nghiệp chứng minh mình là ai, mà đó là câu chuyện để bảo vệ giá trị của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, ông Cường kết luận.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/esg-va-truy-xuat-nguon-goc-chia-khoa-dua-nong-nghiep-viet-hoi-nhap-ben-vung-15183.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.