Ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam: kỳ vọng thúc đẩy nền kinh số Ứng dụng Blockchain trong Định danh số, cơ hội vàng tạo ra sự tăng trưởng kinh tế |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để xác lập vị thế trên bản đồ tài sản số toàn cầu, trong bối cảnh khung pháp lý đầu tiên cho lĩnh vực này đang được hoàn thiện. Đây là nội dung nổi bật được nhấn mạnh tại tọa đàm “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu”.
![]() |
Tọa đàm “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu” diễn ra ngày 15/7/2025 tại TP.HCM |
Tài sản số: Động lực tăng trưởng mới
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt trong việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số. Đây được xem là tiền đề quan trọng để lĩnh vực này có thể đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế số và mở ra những động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
Theo ông Cường, có 6 điểm nhấn trong tiến trình hoàn thiện chính sách, bao gồm: tài sản số đã được đưa vào nhóm đối tượng cần theo dõi, nghiên cứu; khung pháp lý đang dần được hình thành; một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã chủ động tiếp cận và thử nghiệm lĩnh vực này; các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu mô hình gắn tài sản số với giá trị thực.
Đây được xem là nền tảng quan trọng để lĩnh vực tài sản số phát huy vai trò trong nền kinh tế số, góp phần tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số không chỉ là thách thức riêng của Việt Nam, mà còn là bài toán chung của thế giới bởi đặc thù đổi mới liên tục và tốc độ phát triển vượt bậc của lĩnh vực này. Do đó, bài toán cốt lõi đặt ra là phải tìm được điểm cân bằng hợp lý giữa quản lý pháp lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nếu nắm bắt tốt xu thế, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành hình mẫu trong cách tiếp cận lĩnh vực tài sản số, điều mà nhiều quốc gia đang cùng theo đuổi.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt trong việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số |
Ở góc nhìn toàn cầu, ông Richard Teng, CEO Binance khẳng định tài sản số đang tái định hình hệ thống tài chính truyền thống. Việt Nam, theo ông, là “mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển tài sản số toàn cầu” và có tiềm năng trở thành hình mẫu nếu tận dụng được làn sóng công nghệ. Ông cho rằng, thay vì siết chặt, một "khung pháp lý thông minh" sẽ giúp Việt Nam cân bằng giữa đổi mới và quản lý rủi ro, đặt nền tảng vững chắc để ngành tài sản số vươn ra thế giới.
Cần một khung pháp lý đủ mở để không đánh mất cơ hội
Từ thực tiễn trong nước, các doanh nghiệp blockchain như Sky Mavis và Kyber Network cho rằng Việt Nam đang có lợi thế đi trước nhưng vẫn đối mặt nguy cơ bỏ lỡ cơ hội nếu khung pháp lý quá cứng nhắc.
Ông Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis cho rằng trước đây doanh nghiệp hoạt động trong “vùng xám”, chỉ làm những gì không bị cấm. Tuy nhiên, dự thảo mới lại quy định rằng những gì không được nêu trong luật sẽ bị cấm, điều này có thể kìm hãm không gian đổi mới sáng tạo. “Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, nhưng nếu làm không đúng, khác với thông lệ quốc tế, sẽ khiến chúng ta thụt lùi”, ông Trung nhấn mạnh.
![]() |
Cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý tối ưu, vừa đủ chặt chẽ để quản lý, vừa đủ linh hoạt để tạo điều kiện cho lĩnh vực tài sản số phát triển |
Ông Trần Huy Vũ, CEO Kyber Network, cũng đồng tình và cho rằng bản chất công nghệ là thay đổi nhanh chóng. Những ứng dụng nhỏ hôm nay có thể trở thành trụ cột sau 3-5 năm. Vì vậy, nếu luật không đủ mở để các sáng kiến mới phát triển, trong tương lai sẽ khó có những sản phẩm tạo dấu ấn “made in Việt Nam”.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp blockchain và start-up công nghệ dù đặt trụ sở chính tại nước ngoài vẫn mong muốn được góp phần vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút thêm dòng vốn cũng như chất xám từ quốc tế trở về.
Theo ông Richard Teng, công nghệ, đặc biệt là blockchain đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ và không thể bị ngăn cản. Ông ví sự lan tỏa của công nghệ như dòng nước, càng cố chặn lại thì nước càng tìm cách len lỏi để tiếp tục chảy. Chính vì vậy, nếu quản lý quá chặt, không những khó kiểm soát hiệu quả mà còn có thể gia tăng rủi ro. Theo ông, vấn đề then chốt hiện nay là xây dựng một khuôn khổ pháp lý tối ưu, vừa đủ chặt chẽ để quản lý, vừa đủ linh hoạt để tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Điều này đòi hỏi vai trò chủ động và nhạy bén của Chính phủ cũng như các nhà lập pháp, nhằm thiết lập được sự cân bằng hợp lý giữa quản lý rủi ro và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Khi làm được điều đó, Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để ngành tài sản số phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/viet-nam-truoc-buoc-ngoat-tro-thanh-trung-tam-tai-san-so-toan-cau-15187.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.