Chi hội Robot Việt Nam ra đời thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm công nghệ chiến lược Phải có chiến lược và nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành sản xuất robot trong nước vươn xa |
Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST); PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (HUST); PGS.TS Phạm Đức An, Phó Trưởng khoa Cơ điện tử, Trường Cơ khí (HUST); PGS.TS Huỳnh Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (HUST).
Đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức có TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA); cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp và đại diện các viện, trường đại học.
Thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực Robot trong nước
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh cho biết, những năm gần đây, công nghệ Robot và AI đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong sản xuất, dịch vụ, đời sống xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của hai lĩnh vực này kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực có trình độ cao, hiểu biết chuyên sâu về công nghệ, đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
“Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần giải quyết bài toán về thực trạng và nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Robot và AI, thông qua việc lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp đang trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, triển khai và ứng dụng công nghệ này. Qua đó, các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp cùng làm rõ các vị trí công việc phổ biến, các kỹ năng chuyên môn cần thiết, cũng như những thách thức trong tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Robot và AI”, PSG.TS Thanh nhấn mạnh.
Giới thiệu về bối cảnh, nhu cầu xã hội và thực trạng về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Robot và AI, PGS.TS Dương Minh Đức, Khoa Tự động hóa, HUST đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực Robot tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp chế tạo, sản xuất, cung ứng robot còn nhỏ lẻ, thiếu tiềm lực hội nhập. Bên cạnh đó, ngành Robot chưa được Chính phủ công nhận mã ngành đào tạo nên các trường chưa thực sự đầu tư cho ngành này. Những rào cản đó dẫn tới nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Robot và AI chưa đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp cả về lượng và chất.
Nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng Robot trong nước đang thiếu thị trường, thiếu nhân lực, ông Nguyễn Cảnh Quang, Giám đốc Kỹ thuật Robot Việt Nam, Công ty Yaskawa Electric Việt Nam cho rằng, bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực Robot trong nước tuy còn nhỏ lẻ, nhưng thực tế cũng không thiếu những doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất, chế tạo Robot có tiềm lực thực sự, nhưng các doanh nghiệp thiếu thị trường, thiếu người giỏi để làm.
Đơn cử, Yaskawa là một trong những tập đoàn sản xuất Robot hàng đầu trên thế giới, có lịch sử gần 100 năm, cung cấp đa dạng các loại Robot, nhưng phát triển hơn cả là Robot công nghiệp trên thị trường Nhật Bản. Yaskawa vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm, là đơn vị cung cấp Robot công nghiệp, biến tần trong lĩnh vực hàn, gắp, sơn,… và các ngành bán dẫn, thực phẩm cho Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tài trợ Robot cho các đại học như HUST, và một số viện, trường có nhu cầu đào tạo Robot. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm của Yaskawa không ổn định, cũng như việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất, thiết kế phần mềm Robot tại Việt Nam cũng không dễ dàng.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty RTC Technology Việt Nam JSC cho biết, nếu chất lượng nhân lực đầu vào không tốt, doanh nghiệp có thể mất từ 1-1,5 năm để đào tạo lại. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đào tạo nhân lực Robot và AI
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, phiên thảo luận đã chỉ ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế tạo Robot ở Việt Nam còn thiếu hệ thống, thiếu sự liên kết giữa các ngành nên khó giải quyết bài toán liên ngành, chuyên môn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các chuyên gia cao cấp, thiếu trang thiết bị, kỹ sư người Việt trong các nhà máy sản xuất Robot.
Theo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: Đứng trước thực trạng và nhu cầu của thị trường Robot và AI trong nước, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã có những giải pháp thúc đẩy phát triển nhưng chưa đủ, mới dừng lại ở hoạt động nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp lớn đã có uy tín và thị phần trên thị trường Robot tại Việt Nam như Yaskawa Electric Việt Nam, ABB, ETek, Vin Robotics cần có sự liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất Robot cùng hợp tác, phát triển, để bức tranh Robot và AI tại Việt Nam rực rỡ hơn, có thị phần trên thương trường quốc tế.
Về giải pháp thúc đẩy đào tạo nhân lực Robot và AI, TS. Nguyễn Quân cho rằng, có 3 vấn đề - giải pháp chính. Thứ nhất, Bộ GDĐT cần giao quyền tự chủ cho các trường đại học triệt để hơn, trong xây dựng ngành nghề mã ngành, chương trình đào tạo, để các đơn vị như HUST và các viện, trường có lộ trình đào tạo ngành mới trong đó có Robot.
Thứ hai, Nhà nước phải đầu tư ở quy mô công nghiệp, doanh nghiệp công nghệ chiến lược xây dựng chương trình Robot và Tự động hóa trong nhóm 11 lĩnh vực công nghệ chiến lược. Nhà nước hỗ trợ 50-70%, doanh nghiệp đối ứng 30-40%, tiến tới thiết kế, chế tạo robot 100% make in Việt Nam.
Thứ ba, Nhà nước phải tạo thị trường tiêu thụ Robot đủ lớn cho ngành Robot Việt Nam, đồng thời có hàng rào kỹ thuật, cơ chế, nguồn vốn tín dụng, ưu đãi đất đai,… có như thế chúng ta mới tạo được những sản phẩm có giá thành đủ sức cạnh tranh.
Bàn thêm về vấn đề này, các chuyên gia, đại biểu đưa ra kiến nghị: Các đơn vị đào tạo phải đầu tư thiết bị, tổ chức các giải sinh viên chuyên về Robot, các ngành học như cử nhân, kỹ sư chuyên sâu về hệ thống, tổ chức các hội thảo thảo luận giữa các nhà cung cấp và viện trường để đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng phát triển các đề tài, ứng dụng AI trong Robot.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Tự động hóa ETek. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Tự động hóa ETek đề xuất quy trình, các bước đào tạo sinh viên chuyên ngành Robot, để các em có kiến thức và ứng dụng thực tế. ETek có thể liên kết đào tạo, giúp sinh viên HUST và các viện, trường có trải nghiệm thực tế.
Ông Đạt cũng nhấn mạnh, trong quá trình đào tạo, các đơn vị cần tổ chức đưa sinh viên đến tham quan nhà máy, trải nghiệm các tính năng robot, tìm hiểu quy trình sản xuất, tạo ra ứng dụng trong điều khiển Robot AI.
Theo ông Đạt, AI ứng dụng trong công nghiệp, Robot AI chủ yếu phân tích dữ liệu, giả lập đủ để khiến con robot trở nên thông minh, có thể xử lý dữ liệu đó chính xác và nhanh nhất.
“Hiện, AI trắng dữ liệu rất nhiều, nhưng AI có dữ liệu và dữ liệu thực tế thì doanh nghiệp đang khó, nhưng các viện, trường lại làm được. Điều này cho thấy, cần thiết phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo”, ông Đạt chia sẻ.
Cần sớm có mã ngành đào tạo Robot và AI
Trong phiên hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời, lãnh đạo một số viện nghiên cứu, trường đại học đều đồng tình, cần thống nhất đưa ra kiến nghị để Chính phủ ban hành mã ngành và chính thức công nhận ngành đào tạo Robot.
Hiện, một số đại học, trường đại học đang đào tạo Robot kết hợp với các chuyên ngành tự động hóa, cơ điện, điện tử,… việc đào tạo chưa diễn ra trên quy mô rộng.
Theo lãnh đạo Khoa Cơ điện, Trường Điện - Điện tử, HUST, Robot và Cơ điện tử thông minh là một trong những chương trình đào tạo trọng điểm của khoa Cơ điện. Trong các đề án đào tạo của khoa có sự kết hợp của các công ty sản xuất Robot tại Việt Nam, để sinh viên có quá trình thực tập trên thiết bị thực, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cũng như áp dụng Robot trong sản xuất, đời sống.
Tương tự, đại diện Khoa Điện - Điện tử, thuộc Đại học Phenikaa cho biết, khoa có đào tạo chương trình Robot và Trí tuệ nhân tạo, nằm trong ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, băt đầu từ năm 2019. Sinh viên ra trường đều được các doanh nghiệp tiếp nhận, một số em học thêm Thạc sĩ, một số em nhận học bổng nước ngoài. Tuy nhiên, đại diện Đại học Phenikaa cho biết, ứng dụng AI trong Robot của nhà trường chỉ từ 10-20%, còn lại khoa phải điều tiết và kết hợp cho các chuyên ngành khác.
Theo PGS.TS Trịnh Lương Miên, Phó khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Giao thông Vận tải, chương trình đào tạo Robot của trường được thực hiện thí điểm với sự khởi tạo của GS. Lê Hùng Lân từ năm 2019-2020, hiện đã có cử nhân tốt nghiệp, được đánh giá tốt, tích cực.
Với nền tảng, tư tưởng, xuất phát, quan điểm, tập trung cốt lõi vào Kỹ thuật Robot, Kỹ thuật cơ khí và Công nghệ thông tin. Năm 2019-2020, xét theo nền tảng của trường, ban đầu lĩnh vực Điện - điện tử được phân bổ 40%, Công nghệ thông tin 40%, 20% là Cơ khí (trong đó có Robot).
Thời điểm này, Trường ĐH Giao thông Vận tải đã đạt được những kết quả nhất định. 2024-2025 khi Bộ GDĐT chưa ban hành mã ngành Robot, trường đào tạo chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Kỹ thuật Robot. Khi chuyển sang ngành này phải đảm bảo tối thiểu tăng tỷ lệ Kỹ thuật Robot trong Kỹ thuật Cơ khí lên 35%, chú trọng phát triển phần cứng và phần mềm…
![]() |
Các lãnh đạo viện, trường và đại biểu khách mời tham dự hội thảo thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm ban hành mã ngành đào tạo Robot. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Hội thảo đi đến thống nhất cần có kiến nghị diện rộng để Bộ GDĐT cấp mã ngành riêng cho đào tạo Robot. Tuy nhiên, hành động trước mắt, các đơn vị đào tạo cần kết hợp với doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo thực tế về Robot, để tạo nguồn nhân lực tốt hơn, góp phần thúc đẩy lĩnh vực chế tạo sản xuất Robot trong nước.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ, trong khuôn khổ thời gian có hạn, hội thảo đã nhận được nhiều tham luận có giá trị, cùng nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong nước đang trực tiếp chế tạo, sản xuất, thiết kế phần mềm Robot. Những ý kiến quý báu đó góp phần giúp các đơn vị đào tạo định hướng được tốt hơn chương trình đào tạo các chuyên ngành Robot và AI trong thời gian tới, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cung cấp cho thị trường. Hội thảo có thể được coi là tiền đề tiếp nối những diễn đàn, đại hội lớn hơn về Robot. Và, tất cả chúng ta có quyền kỳ vọng vào một Việt Nam phát triển về công nghệ, trong đó có sự vững vàng, lớn mạnh về Robot.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/can-nhieu-giai-phap-dong-bo-cho-chien-luoc-dao-tao-nhan-luc-robot-va-ai-tai-viet-nam-15325.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.