Mới đây, Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán: PAP - sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận thua lỗ nặng. Trong kỳ, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 19,16 tỷ đồng, song giá vốn hàng bán lên tới 75,37 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp âm 56,2 tỷ đồng.
Chi phí tài chính trong quý tăng mạnh, lên 61,2 tỷ đồng, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 13 tỷ đồng đã khiến PAP lỗ ròng 125,13 tỷ đồng, cao gấp hơn 65 lần so với mức lỗ 1,92 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Cảng Phước An chỉ ghi nhận gần 29 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng chịu lỗ ròng tới 247,73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 3,4 tỷ đồng. Khoản lỗ này đẩy tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2025 lên gần 279 tỷ đồng, tương đương hơn 12% vốn điều lệ.
![]() |
Theo báo cáo tài chính quý II/2025 của PAP |
Tính đến cuối quý II/2025, tổng tài sản của PAP đạt 8.491,5 tỷ đồng, tăng 19,2% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 1.370 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3.993 tỷ đồng (47%), tiếp theo là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 3.000 tỷ đồng (35%), các khoản phải thu ngắn hạn gần 981 tỷ đồng (12%).
Song song với đà tăng tài sản, nợ phải trả cũng tăng đáng kể, đạt mức 6.283 tỷ đồng – tăng hơn 1.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, phần lớn dư nợ dài hạn của PAP đến từ khoản vay 3.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh Nhơn Trạch. Khoản vay này có lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,5–4%/năm và có tài sản đảm bảo là công trình cùng thiết bị tại Cảng Phước An. Thời hạn hoàn trả gốc kéo dài đến năm 2035.
Một số khoản mục tài sản khác cũng ghi nhận biến động mạnh, như tiền và tương đương tiền tăng lên 460 tỷ đồng; trả trước ngắn hạn cho người bán tăng hơn 300 tỷ đồng lên 744 tỷ đồng; và xuất hiện khoản phải thu cho vay ngắn hạn lần đầu với giá trị 216 tỷ đồng.
PAP là chủ đầu tư dự án Cảng Phước An, một tổ hợp cảng biển và logistics quy mô gần 800ha, tổng vốn đầu tư lên đến 20.000 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 phân kỳ, bao gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 DWT. Sau khi hoàn thiện toàn bộ, cảng sẽ đạt tổng công suất thiết kế 5 triệu TEU/năm đối với hàng container và 6,5 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp.
![]() |
Dự án Cảng Phước An |
Cuối năm 2024, PAP đã được cấp giấy phép khai thác cho cầu cảng số 5 và 6, chính thức đưa phân kỳ 1 vào hoạt động. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp đã đón chuyến tàu thương mại đầu tiên từ hãng tàu MSC. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 dự kiến đạt 0,2 triệu TEU trong năm 2025, tăng dần lên 1,2 triệu TEU vào năm 2026.
Dù đã có doanh thu từ khai thác cảng trong 3 quý liên tiếp, nhưng PAP vẫn liên tục thua lỗ: quý IV/2024 lỗ 24 tỷ đồng, quý I/2025 lỗ 123 tỷ đồng và quý II/2025 lỗ tiếp 125 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động khai thác cảng, PAP đang xúc tiến phát triển khu công nghiệp Phước An, giai đoạn 1 với quy mô 330ha và dự kiến mở rộng giai đoạn 2 thêm 225ha. Trong tương lai, doanh nghiệp đặt mục tiêu hình thành một tổ hợp logistics đa chức năng với bến thủy nội địa, góp phần xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa và dịch vụ hậu cần trọng điểm tại khu vực phía Nam.
Trong năm 2025, PAP dự kiến đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng và khoảng 579 tỷ đồng cho mua sắm thiết bị phục vụ vận hành cảng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu doanh thu cả năm 150 tỷ đồng và kiểm soát khoản lỗ dự kiến đạt gần 450 tỷ đồng, công ty sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính và vận hành không nhỏ trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán: PAP – sàn UPCoM) được thành lập ngày 29/4/2008 với mục tiêu đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An, một dự án chiến lược được triển khai theo thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Đồng Nai.
Khi mới thành lập, cơ cấu cổ đông của PAP gồm PVN sở hữu 79,54% vốn điều lệ, Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi (thuộc tỉnh Đồng Nai) nắm giữ 17,05%, còn lại là phần vốn của các cổ đông cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2020 đến 2024, công ty đã thực hiện nhiều đợt phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Việc này dẫn đến tỷ lệ sở hữu của PVN liên tục bị pha loãng và đến cuối năm 2024, tập đoàn này chỉ còn nắm 15,09% vốn điều lệ, chính thức không còn quyền chi phối tại PAP.
Cùng thời điểm đó, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực logistics và vận tải đã trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 17,33%.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/cang-phuoc-an-pap-bao-lo-von-hoa-van-tang-manh-15339.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.