Sáng 26/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện” do trường Đại học Bách Khoa TPHCM là đơn vị chủ trì thực hiện.
Chủ tịch hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ này là PGS.TS. Dương Anh Đức, hiện là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Đến dự buổi nghiệm thu còn có TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
TS. Nguyễn Chí Ngọc, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cho biết, ba mục tiêu trọng yếu của nhiệm vụ được nhóm chuyên gia, kỹ sư tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM hướng đến chính là Bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân…; Nghiên cứu đề xuất cấu trúc bộ danh mục, bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng thế giới; và chuyển từ analog sang digital.
Cũng theo lời TS. Nguyễn Chí Ngọc, tại Điều 8 mục 3 Thông tư 46/2018 về Bệnh án điện tử quy định “phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử phải có khả năng kết xuất bản điện tử theo tập tin định dạng XML”; và tại Điều 14 về Tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế quy định “Hồ sơ bệnh án điện tử phải áp dụng các tiêu chuẩn CNTT như Tiêu chuẩn HL7 gồm kiến trúc lâm sàng HL7 CDA và HL7 FHIR, và Tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM) phiên bản 2.0 trở lên”.
Trong khi đó, phim in X-quang truyền thống hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong y tế, và ứng dụng ảnh DICOM thay phim truyền thống đang được nhiều đơn vị y tế khai thác, hướng đến tính hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh.
Được biết, hiện nay, tiêu chuẩn HL7 có 4 phiên bản nổi trội, đều được quy định bắt buộc hoặc khuyến nghị sử dụng bởi Bộ Y tế; và FHIR là một khuôn khổ tiêu chuẩn thế hệ tiếp theo kết hợp các tính năng tốt nhất của HL7 v2, HL7 v3, và HL7 CDA, trong khi tận dụng các công nghệ dịch vụ web mới nhất.
Báo cáo trước hội đồng, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết, sản phẩm của đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra cho hai giai đoạn nghiên cứu – hoàn thiện, cụ thể là: Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chi tiết hiện trạng bệnh án theo quy định của Bộ Y tế và hiện trạng sử dụng bệnh án giấy tại các bệnh viện tham gia nhiệm vụ trong xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu các bộ danh mục y tế phục vụ xây dựng bộ chuẩn dữ liệu cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu chuẩn dữ liệu tóm tắt bệnh án và công bố bộ chuẩn dữ liệu cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện; nghiên cứu thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu đề xuất tại quy mô phòng thí nghiệm; nghiên cứu thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu đề xuất tại một số bệnh viện.
Liên quan kết quả thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu, TS. Nguyễn Chí Ngọc cho biết có 2 bệnh viện (Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đã thực hiện thành công các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra với biên bản xác nhận thử nghiệm. Cùng với đó, trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ này, tại Bệnh viện Thống Nhất, nhiệm vụ đã đào tạo, hướng dẫn 15 bác sỹ và điều dưỡng (7 ở khoa Y học cổ truyền và 8 ở khoa Ngoại tiêu hóa). Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhiệm vụ đã đào tạo hướng dẫn 4 nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin và các bác sỹ, điều dưỡng tại 3 khoa thử nghiệm (Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Nội tiêu hóa).
Chia sẻ về hướng phát triển mở rộng của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng triển khai bộ chuẩn dữ liệu đề tài thành nền tảng cho khoa học y tế; mở rộng đào tạo đại trà ứng dụng HL7 FHIR và SNOMED CT; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ứng dụng HL7 FHIR, SNOMED CT; để từ đó đề xuất với Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP.HCM về việc sử dụng bộ chuẩn dữ liệu bệnh án điện tử trên phạm vi TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung.
Hồng Linh
Các giải pháp cấu trúc dữ liệu và bộ công cụ liên quan là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ do Đại học Bách Khoa TP.HCM triển khai thực hiện một lần nữa khẳng định tính tiên phong của việc gắn liền sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống xã hội mà các đơn vị trường viện đóng trên địa bàn T.PHCM đang hướng tới, đồng thời cho thấy rằng TP.HCM là địa phương đi đầu trong triển khai, hỗ trợ các giải pháp liên quan đến y tế thông minh, từng bước xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh hiện đại gắn liền với chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, và quản lý nhà nước.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/gan-nhiem-vu-khoa-hoc-cong-nghe-voi-muc-tieu-phat-trien-y-te-so-1732.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.