Định hướng xây dựng đô thị thông minh cần dựa trên điều kiện của từng địa phương, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu, khả năng đầu tư – sử dụng hiệu quả, xây dựng từng thành phần có định hướng nối kết liên thông, kết hợp cùng khả năng hoàn thiện quản trị điện tử, dịch vụ và nâng cấp trình độ/khả năng tiếp thu sử dụng của người dân.
Trong phiên thảo luận chuyên đề Công nghệ thông minh tại Hội thảo “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số”, PGS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm tin học và tính toán – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, quy hoạch xây dựng đô thị thông minh hiện nay thường thiếu cảnh báo sớm để hạn chế thiệt hại từ điều kiện tự nhiên (biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt,…), cũng không có nhiều khuyến nghị, giải pháp giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, những nỗ lực nhằm kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị (cây xanh, mặt nước tự nhiên,…) để đô thị trở nên đáng sống hơn và phát triển bền vững hơn cũng ít được đề cập.
Phiên thảo luận chuyên đề Công nghệ thông minh tại Hội thảo “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số”. Ảnh Hồng Linh
Thực tế cho thấy đang có không ít bất cập về định hướng xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Bởi lẽ, về khái niệm, đô thị thông minh chính là một thành phố sáng tạo có sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động đô thị và dịch vụ. Các yếu tố này nhằm đảm bảo rằng đô thị thông minh sẽ đáp ứng các nhu cầu của người dân ở bối cảnh hiện tại và tương lai, trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Quang, có 2 phương pháp xây dựng mô hình đô thị thông minh. Ở mô hình đơn giản, sẽ chỉ có “bức tranh” duy nhất từ một quan điểm cụ thể (ví dụ như giao thông vận tải, an ninh an toàn, môi trường công cộng,…) chú trọng việc kết hợp giữa các hệ thống với nhau. Còn trong mô hình phức tạp, hệ thống tập hợp tất cả yếu tố với nhiều cấp độ chi tiết, mô tả tất cả các bên liên quan, các hoạt động, các mối quan hệ, kết quả,… của một đô thị theo một cách nhất quán. Các mô hình này đều dựa trên lớp kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, có khả năng “mô hình hóa, đo lường, tối ưu hóa, kiểm soát và giám sát các hệ thống phức tạp phụ thuộc lẫn nhau của cuộc sống kinh tế xã hội tại địa phương”.
Theo trên, việc xây dựng lớp kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin có thể được thực hiện bằng mô hình Internet Tương lai (FI). Đó là một hệ thống kỹ thuật xã hội bao gồm thông tin và dịch vụ có thể truy cập Internet, cùng với môi trường vật chất và hành vi của con người, và hỗ trợ các ứng dụng thông minh có tầm quan trọng xã hội. Trong đó, từng người trở thành một phần của các mạng thông minh phổ biến có tiềm năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin liên tục về bản thân cũng như bối cảnh xã hội và môi trường.
Trong định hướng ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế – xã hội, cần xác định nhu cầu cần thiết của người dân tại địa phương, như phát triển du lịch, phát triển thương mại – dịch vụ, hỗ trợ canh tác – nuôi trồng thủy sản hay phòng chống thiên tai,… nhằm lựa chọn hạ tầng công nghệ tiêu chuẩn vừa có thể ứng dụng hiệu quả trong thời gian hiện tại, lại vừa có thể mở rộng trong tương lai. Các giải pháp đo đạc và cảnh báo môi trường, hệ thống giám sát và điều khiển giao thông,… đều dùng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vì thế, định hướng xây dựng nền tảng FI cần dựa trên điều kiện của từng địa phương, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu, khả năng đầu tư – sử dụng hiệu quả, xây dựng từng thành phần có định hướng nối kết liên thông, kết hợp cùng khả năng hoàn thiện quản trị điện tử, dịch vụ và nâng cấp trình độ/khả năng tiếp thu sử dụng của người dân.
Thư Liễu
Hội thảo “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số” được UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức vào ngày 2/7/2022.
Hội thảo gồm có phiên toàn thể buổi sáng với các tham luận đế từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,… các viện nghiên cứu, trường đại học. Chiều ngày 2/7 diễn ra 02 phiên chuyên đề Chuyển đổi số và Công nghệ thông minh.
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/xay-dung-nen-tang-cong-nghe-do-thi-thong-minh-dua-tren-nhu-cau-cua-nguoi-dan-1754.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.