Như mọi năm, tại sự kiện Adobe’s Max 2021, công ty phần mềm đồ họa máy tính hàng đầu thế giới Adobe đã cho ra mắt những sản phẩm nổi bật và công nghệ hoàn toàn mới trên các ứng dụng của hãng.
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng ra sao trong ngành sáng tạo video?
Tính năng thú vị nhất được giới thiệu trong sự kiện là việc Adobe tiếp tục tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm của mình, lĩnh vực mà công ty đã nghiên cứu và ứng dụng trong vài năm qua.
Giống như nhiều công ty khác, Adobe ứng dụng công nghệ học sâu (deep learning) nhằm nâng cấp các ứng dụng cũng như củng cố vị trí của mình trên thị trường phần mềm chỉnh sửa hình ảnh và video. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI đang định hình chiến lược sản phẩm của Adobe.
Chỉnh sửa hình ảnh và video được hỗ trợ bởi AI
Sensei, nền tảng AI của Adobe, hiện được tích hợp vào tất cả các sản phẩm của bộ Creative Cloud. Công cụ tự động tạo mặt nạ trong Photoshop là một trong số các tính năng được ra mắt tại sự kiện năm nay. Ứng dụng cho phép bạn chọn một đối tượng chỉ bằng cách di chuột qua nó, qua đó tự động tạo các lớp mặt nạ cho tất cả các đối tượng mà nó phát hiện trong hình ảnh.
Adobe cũng đã cải tiến “Neural Filters”, tính năng mà họ đã bổ sung trong Photoshop vào năm ngoái. “Neural Filters” sử dụng máy học để thêm các cải tiến cho hình ảnh. Bộ lọc có thể áp dụng cho ảnh chân dung và ảnh người. Ví dụ: bạn có thể sử dụng bộ lọc để làm mịn da, chuyển lớp trang điểm từ ảnh này sang ảnh khác hoặc thay đổi biểu cảm của chủ thể trong ảnh.
“Neural Filters” giúp người dùng thực hiện các thay đổi tổng quát hơn, chẳng hạn như chỉnh màu cho hình ảnh đen trắng hoặc thay đổi cảnh quan nền.
Một ứng dụng khác đang được Adobe phát triển là “on point”. Tính năng giúp người dùng tìm kiếm trong thư viện ảnh lưu trữ khổng lồ của Adobe bằng cách cung cấp tư thế tham khảo. Ví dụ: nếu bạn cung cấp ảnh chụp một người đang ngồi và đưa tay ra, mô hình học máy sẽ phát hiện tư thế của người đó và tìm các ảnh khác có nhân vật đang ở vị trí tương tự.
Các tính năng AI cũng đã được Adobe thêm vào Lightroom, Premiere và các một số ứng dụng khác.
Chiến lược AI của Adobe
Adobe đã có một thị phần rất lớn trên thị trường phần mềm đồ họa. Hàng triệu người sử dụng các ứng dụng của Adobe mỗi ngày, vì vậy công ty không gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận thị trường của mình. Bất cứ khi nào giới thiệu một công cụ AI mới, nó có thể ngay lập tức được sử dụng trên phạm vi tiếp cận rộng lớn của Photoshop, Premiere và các ứng dụng khác trong bộ Creative Cloud. Người dùng không cần trả tiền hoặc cài đặt bất kỳ ứng dụng mới nào; họ chỉ cần tải xuống các plugin mới vào ứng dụng của họ.
Quá trình chuyển đổi của công ty sang lĩnh vực điện toán đám mây trong vài năm qua cũng đã mở đường cho việc tích hợp liền mạch AI vào các ứng dụng của công ty. Hầu hết các tính năng trí tuệ nhân tạo của Adobe đều chạy trên nền tảng đám mây. Đối với người dùng, trải nghiệm dựa trên điện toán đám mây không khác gì so với việc sử dụng các bộ lọc hay công cụ trực tiếp chạy trên thiết bị của họ. Trong khi đó, quy mô của đám mây của Adobe giúp công ty có thể ứng dụng công nghệ học sâu theo cách rất hiệu quả về chi phí. Đó chính là lý do tại sao hầu hết các tính năng AI mới đều được cung cấp miễn phí cho người dùng đã đăng ký Creative Cloud.
Việc thực hiện các dự án máy học ứng dụng là rất khó khăn. Điều này là nguyên nhân khiến hầu hết các công ty đều thất bại trong việc đưa chúng thành hiện thực. Adobe chính là một hình mẫu về cách kết hợp các yếu tố phù hợp với nhau để biến những tiến bộ trong AI thành các ứng dụng kinh doanh có lợi nhuận.
Bình An (Theo:Thenextweb)
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/adobe-photoshop-va-hinh-mau-cua-viec-ung-dung-hieu-qua-ai-vao-san-pham-3556.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.