ChatGPT: Thách thức chứ không phải mối đe dọa đối với ngành Giáo dục

Chúng ta coi đây là một thành tựu và lần đầu tiên người dùng đại chúng được trải nghiệm, thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo, nó không quá xa xôi, nhưng không nên kỳ vọng nó tạo ra những thứ mà sẽ thay thế con người trọng một sớm một chiều vì đơn giản đây chỉ là mô hình dự đoán.

Tại tọa đàm với chủ đề “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) – lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, các đại biểu nhận thức rằng ChatGPT là thách thức chứ không phải là mối đe dọa.

• Opera lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào sản phẩm của mình
• Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNix trang bị tài khoản ChatGPT cho học viên
• 10 triệu người sử dụng ChatGPT sau 3 tháng ra mắt
• Người dùng cần cẩn trọng khi sử dụng ChatGPT.

Tọa đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) – lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD và ĐT) phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 13/2 tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.

chatgpt thach thuc chu khong phai moi de doa doi voi nganh giao duc
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo – lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Ảnh Thanh Nga

Không ai cảm giác bị đe dọa nếu chúng ta giữ tinh thần luôn ủng hộ cái mới

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập,… đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn.

Sự phát triển của AI gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đã có rất nhiều quan điểm được đưa ra trong đó có cả những quan điểm tích cực và quan điểm tiêu cực.

Tại Việt Nam, trước tình hình đó, Bộ GD và ĐT đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục. Bộ cũng khẳng định sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

chatgpt thach thuc chu khong phai moi de doa doi voi nganh giao duc
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người. Ảnh Thanh Nga

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Đặc biệt là sự ra đời của những công nghệ mới đã giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành giáo dục, các thành tựu CNTT đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục, là công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu cho ngành Giáo dục, vai trò này được thể hiện rõ nhất bằng việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến trong đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển rất dài, hàng năm sẽ có những công nghệ mới và đến một thời điểm nào đó đủ điều kiện hội tụ sẽ ra đời những sản phẩm đến với người dùng đại chúng. ChatGPT cũng là một sản phẩm như vậy.

“Tôi nghĩ ChatGPT chỉ là 1 demo cho công nghệ đằng sau, đó chính là công nghệ AI tạo sinh hay mô hình ngôn ngữ lớn, là tương lai cho sự phát triển của một lĩnh vực có quá trình phát triển rất dài như AI và bây giờ nó đang là đối tượng hút những đầu tư, nghiên cứu, nhanh chóng tạo ra sản phẩm.

Chúng ta coi đây là một thành tựu và lần đầu tiên người dùng đại chúng được trải nghiệm, thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo, nó không quá xa xôi, nhưng không nên kỳ vọng nó tạo ra những thứ mà sẽ thay thế con người trọng một sớm một chiều vì đơn giản đây chỉ là mô hình dự đoán. Nó chưa có khả năng suy luận và sáng tạo như con người, nên chúng ta tiếp cận vừa phải, coi đây là một công cụ để cho những ngành nghề của chúng ta tốt hơn. Không ai cảm giác bị đe dọa nếu chúng ta vẫn giữ một tinh thần luôn ủng hộ cái mới và tiếp cận những cái mới một cách chừng mực”. Ông Tùng cho biết.

ChatGPT đối với ngành Giáo dục: thách thức chứ không đe dọa

Qua hai chủ đề thảo luận: “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục”; “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục”, tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến giá trị của các lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia CNTT, chuyên gia giáo dục.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận về trí thuệ nhân tạo, ChatGPT và cách đón nhận nó.

Nhiều người lo lắng ChatGPT sẽ “đe dọa“ đến vai trò của người thầy hay nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho học sinh ở những nơi có điều kiện khó khăn. Tuy nhiên để nhìn rõ bản chất về nó, đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, thì đây chính là thách thức chứ không phải là mối đe dọa. Thách thức là làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung để nó trở thành công cụ, người trợ lý đắc lực giúp việc giảng dạy của người thầy cũng như việc học của học sinh, sinh viên hiệu quả hơn.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng chắc chắn sẽ tác động căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành. Từ chương trình giáo dục, vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.

“Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng cần thay đổi thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi và chính sách của Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại”, ông Sơn nói.

Ông Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, để tận dụng lợi thế cũng như giảm thiểu tiêu cực, Bộ GD và ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để giảm bất bình đẳng giáo dục và tăng độ tiếp cận, chất lượng với học sinh về mặt công nghệ trong thời gian tới.

Thanh Nga

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/chatgpt-thach-thuc-chu-khong-phai-moi-de-doa-doi-voi-nganh-giao-duc-3830.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.