4 trụ cột trong phát triển AI tại Việt Nam

Ngành công nghiệp công nghệ số là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Riêng trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo AI, trong những năm gần đây tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua.

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 (Industry Sumit 2023), sáng 14/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do Ban kinh tế Trung ương tổ chức.

AI, công cụ đắc lực của các chính phủ

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những diễn biến ngày càng nhanh chóng hơn, phức tạp hơn đang đặt ra những cơ hội, thách thức cũng như những thời cơ và thuận lợi mới điều này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi quốc gia ngày càng mạnh mẽ hơn để vươn lên, vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Trên thế giới, các chính phủ, các tập đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho AI vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định AI là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương, đường lối quan trọng, xuyên suốt của Đảng. Trong đó vai trò của khoa học công nghệ và của đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định và nhấn mạnh.

Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta đã coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử – viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn) là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Riêng trong lĩnh vực AI, trong những năm gần đây tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua.

4 tru cot trong phat trien ai tai viet nam
Toàn cảnh hội thảo. ảnh Đỗ Phương

Con đường phát triển AI tại Việt Nam

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Cả thế giới đã bắt gặp xu thế rất lớn qua hệ thống AI, Block chain, ChatGPT, hệ thống xử lý ảnh video, kết hợp giữa các dữ liệu lớn và các mô hình nhân tạo tạo sinh,… tất cả đã làm thay đổi cuộc sống con người.

Tại Việt Nam, chúng ta đã tiếp cận các xu thế rất tốt và nhanh, tổ chức các diễn đàn, các chương trình, ban hành các chiến lược Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã lấy chuyển đổi số là phương thức mới để đẩy nhanh Công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thực tiễn triển khai về Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh trên thế giới thì tốc độ triển khai tại Việt Nam vẫn chậm hơn so thế giới. Để Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam bắt kịp xu thế của thế giới, Thứ trưởng chỉ ra hàng loạt các trụ cột cần triển khai, tuy nhiên cần tập trung ở 4 trụ cột chính:

Thứ nhất, là nhân lực cần có các chuyên gia về AI trong các trường đại học, các kỹ năng về công nghệ số và AI trong toàn xã hội;

Thứ hai, hạ tầng tính toán, hiệu năng cao của Việt Nam đang rời rạc, chưa có Trung tâm tính toán lớn;

Thứ ba, dữ liệu được tích hợp từ quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên đối với AI cần phải có dữ liệu sạch, được gán nhãn để sẵn sàng cho AI;

Thứ tư, các quy định, thể chế về đạo đức cần được xây dựng.

4 tru cot trong phat trien ai tai viet nam
TS. Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh BTC

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển AI tại các nước, ông Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc kinh doanh khối khách hàng Chính quyền Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết: Đan Mạch, sau 8 năm xây dựng nguồn địa chỉ mở đã có hơn 1 nghìn doanh nghiệp và tổ chức sử dụng mang lại giá trị trực tiếp ít nhất 62 triệu Euro. Tại Anh, một nhân viên chỉ mất 15 phút để giúp Chính phủ Anh tiết kiệm hàng triệu bảng Anh nhờ việc phát hiện các khoản chi trùng lặp trong dữ liệu chỉ tiêu công của chính phủ.

Vì vậy, ông Nguyễn Quang Ngọc đề xuất để phát triển AI tại Việt Nam chúng ta cần: hoàn thiện cơ chế, luật, thể chế, chính sách; đảm bảo hạ tầng và công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, xây dựng môi trường hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chia sẻ dữ liệu; cuối cùng là tăng cường giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng liên quan đến dữ liệu số.

4 tru cot trong phat trien ai tai viet nam
Ông Nguyễn Quang Ngọc – giám đốc kinh doanh khối khách hàng Chính quyền Trung tâm không gian mạng Vietheo tại hội thảo. Ảnh BTC

Theo TS. Trần Anh Tú – Phó Vụ trưởng vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ: lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tăng trưởng bền vững. Chúng ta cần tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển sản phẩm về AI, dịch vụ AI quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đầu tư coi trọng điểm ứng dụng AI trong một số lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường và dịch vụ cho người dân, phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng AI, doanh nghiệp khởi nghiệp về AI để đưa AI trở thành lĩnh vực quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trong khu vực và trên thế giới.

TS. Trần Anh Tú chỉ ra những thuận lợi khi chúng ta triển khai AI đó là chúng ta có nguồn nhân lực lớn, việc tổ chức kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước đồng lòng để phát triển AI tại Việt Nam; chúng ta có các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ nhiều. Việc các doanh nghiệp ứng dụng AI nhiều để tăng cạnh tranh cũng là một thị trường lớn.

Bên cạnh đó còn những khó khăn, hạn chế như: chúng ta chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp khu vực và thế giới; cơ sở nghiên cứu cấp quốc gia về Trí tuệ nhân tạo, các cơ sở nghiên cứu đào tạo, ứng dụng; các cơ chế đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực AI; việc hình thành các dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, hệ thống dữ liệu mở còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, tính toán hiệu năng cao cần phát triển.

Đồng quan điểm về những thách thức khi phát triển AI tại Việt Nam, TS. Lê Thái Hưng -Giám đốc chiến lược hệ sinh thái VNPT AI chia sẻ: cần có các chiến lược bài bản trong một thời gian dài. Tăng cường mức độ đào tạo nhiều chuyên gia hơn nữa, cần đầu tư hạ tầng tính toán để triển khai các bài toán lớn.

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề, khó khăn, thách thức cũng như cơ hội đã và đang được đặt ra. Qua đây, góp phần thiết thực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách lớn của Đảng, thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới.

Đỗ Phương

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/4-tru-cot-trong-phat-trien-ai-tai-viet-nam-3880.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.