Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Trong khi đó, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilong.
• Bảo vệ môi trường từ phong trào thu gom vỏ hộp giấy trong nhà trường
• Tetra Pak tổ chức cuộc thi “Cùng bé thu gom vỏ hộp giấy” cho học sinh tại Hà Nội
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 1990 – 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người/năm. Lượng chất thải nhựa và túi nilong ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Do đó, nhằm làm rõ hơn thực trạng, đồng thời đưa ra các kiến nghị, giải pháp trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa, ngày 9/6/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với Chủ đề “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Vẫn còn những bất cập trong chính sách quản lý rác thải nhựa
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc làm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Lê Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết: Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,…); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế).
“Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đầy đủ và còn những bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Thêm vào đó, chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, lại có những tác động rất nguy hại tới môi trường, tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải nhựa này đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần”, PGS.TS. Nguyễn Lê Tuấn nhận định.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác thu gom rác thải nhựa, ông Phạm Văn Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Đối với rác sinh hoạt thông thường nói chung, hiện tại công tác thu gom đang gặp khó khăn như: thiếu cơ sở hạ tầng dành cho công tác duy trì vệ sinh môi trường (trạm trung chuyển, điểm cẩu,…); Chính quyền chưa thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn theo NĐ 155 NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đặc thù rác thải nhựa thường cồng kềnh, kho vận chuyển và lưu trữ hạn chế; Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán; Chưa có kinh phí trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như gói hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư hệ thống tái chế; Nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế; Tại Hà Nội, chưa đồng bộ trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam
Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch để từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới kiểm soát, quản lý một cách có hiệu quả. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ không sản xuất, nhập khẩu túi nilong khó phân hủy có kích thước nhỏ hơn 50×50 cm và độ dày nhỏ hơn 50 micromethan; hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học sau năm 2025 và chậm nhất đến 2030; quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu và phải đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ vào 3 lĩnh vực, đó là: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 01 lần; công nghệ tái chế rác thải nhựa, túi nilong.
Để giải quyết khó khăn trong thu gom, quản lý chất thải nhựa, ông Phạm Văn Đức kiến nghị cụ thể: Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, cơ quan quản lý cấp trên cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể cho từng hạng mục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (72/2020/QH14); Ban hành đề án giá dịch vụ, nâng mức giá dịch vụ theo tiến trình và người phát thải phải chi trả đủ chi phí từ khâu thu gom đến xử lý cuối cùng. Phía chính quyền cần tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực thi việc xử phạt theo NĐ 155 NĐ-CP; UBND các quận tiếp tục xem xét, bố trí quỹ đất để làm điểm sang tải rác từ đó giảm điểm cẩu tập trung và các hạ tầng dành cho dịch vụ vệ sinh môi trường; Xem xét lại kinh phí chi cho lĩnh vực duy trì vệ sinh môi trường, ban hành giá các hạng mục theo đúng cơ chế tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành giá; Cần hỗ trợ kinh phí và chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đối với các dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa; Bổ sung kinh phí cho việc phân loại rác trong các gói thầu vệ sinh môi trường.
Cũng tại tọa đàm, nhiều diễn giả đưa ra kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi nilông thân thiện môi trường; Tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông khó phân hủy.
Đồng thời, để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; các cấp có liên quan cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Thu Trang
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/moi-nam-chat-thai-nhua-xa-ra-tren-toan-cau-du-phu-kin-4-lan-dien-tich-be-mat-trai-dat-5472.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.