Báo động nguồn nhân lực khi ngày càng nhiều vụ tai nạn thang máy xảy ra

Cho tới thời điểm này, nhân lực ngành thang máy vẫn chưa được đào tạo chính quy, chưa có Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, chất lượng lao động đang ở mức thấp,…Điều này không chỉ tạo ra những rào cản lớn cho sự phát triển mà đôi khi còn gây mất an toàn trong lắp đặt, sử dụng, sửa chữa.

Tháng 11/2014, thang máy chính thức nằm trong danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được, đánh dấu mốc quan trọng về năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thang máy. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhân lực ngành vẫn chưa được đào tạo chính quy, chưa có Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, chất lượng lao động đang ở mức thấp,…Điều này không chỉ tạo ra những rào cản lớn cho sự phát triển mà đôi khi còn gây mất an toàn trong lắp đặt, sử dụng, sửa chữa.

bao dong nguon nhan luc khi ngay cang nhieu vu tai nan thang may xay ra
Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy Việt Nam” được tổ chức sáng ngày 13/7 tại Hà Nội.

Thị trường thang máy phát triển kéo theo tai nạn thang máy gia tăng

Asean được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp thang máy, bởi đây là khu vực chiếm 8,57% dân số của thế giới, có tốc độ phát triển kinh tế tương đối đồng đều và đô thị hóa nhanh.

Nằm trong khu vực Asean, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Nhu cầu lắp đặt và sử dụng thang máy, thang cuốn từ đó tăng cao. Từ năm 2014, khi Việt Nam chính thức công bố đưa sản phẩm thang máy vào danh mục các mặt hàng được sản xuất trong nước, hơn 400 doanh nghiệp kinh doanh thang máy tại Việt Nam đã có phân khúc thị trường cho riêng mình. Cùng với các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, mỗi năm Việt Nam lắp đặt khoảng 10.000 chiếc thang máy, thang cuốn.

Tuy nhiên, số lượng thang máy, thang cuốn được lắp đặt ngày càng nhiều, đồng thời với đó cũng kéo theo nhiều vụ tai nạn thang máy xảy ra.

Chỉ nửa đầu năm 2022 đã có các vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra. Điển hình như: vụ ca bin thang máy từ tầng 7 của một căn nhà trong ngõ 523 Kim Mã (phường Ngọc Khánh – Hà Nội) rơi tự do trong quá trình sửa chữa vào ngày 25/5/2022. Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra đã cướp đi sinh mạng của 02 người thợ sửa chữa. Vào đầu tháng 5/2022, tại Tp.HCM, 2 nhân viên kỹ thuật trong lúc sửa cáp thang máy đã bị cabin rơi từ tầng 7 xuống khiến một người chấn thương cột sống, một người liệt toàn 2 chân. Hay đầu tháng 4/2022, vụ tai nạn lao động trong quá trình làm việc với thang máy đã khiến một kỹ thuật viên quê tỉnh Hưng Yên bị tử vong.

Các vụ tại nan lao động thang máy luôn nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân được tính đến bao gồm chất lượng thang máy và kỹ thuật tay nghề của nhân viên trong quá trình thao tác.

Chưa có mã ngành cho đào tạo nhân lực ngành thang máy tại Việt Nam

Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy Việt Nam” được tổ chức sáng 13/7 tại Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân rất cơ bản của những hạn chế trong lĩnh vực thang máy tại Việt Nam bắt nguồn từ việc thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ đầu cho lĩnh vực thang máy.

bao dong nguon nhan luc khi ngay cang nhieu vu tai nan thang may xay ra
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Xuân Khánh cho rằng việc không được đào tạo bài bản chính quy dẫn đến không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động trong lĩnh vực thang máy.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Xuân Khánh – Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng: Hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy tại Việt Nam và số lượng lắp đặt thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng thì ước tính đến năm 2025, nước ta cần khoảng 10.000 lao động trong lĩnh vực này. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thang máy mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong ngành cũng như các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng cũng là thách thức đối với hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Bởi vì, hiện nước ta chưa hề có cơ sở đào tạo nào được cấp phép đào tạo ngành thang máy một cách chính quy, bài bản. Điều này dẫn đến không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng lao động trong lĩnh vực này.

“Để phục vụ cho các hoạt động của mình, các doanh nghiệp thang máy phải tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành như Điện, Điện tử, Điều khiển tự động, Cơ khí, Xây dựng, Động cơ,… ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật rồi đào tạo thêm các kỹ thuật chuyên sâu cả lý thuyết và thực hành về thang máy. Tuy nhiên, các khóa đào tạo ngắn hạn chỉ thực hiện ngay tại công ty tương đối hẹp vì chưa được cấp phép và chưa có sự chuẩn hóa”. Ông Phạm Xuân Khánh cho biết thêm.

bao dong nguon nhan luc khi ngay cang nhieu vu tai nan thang may xay ra
Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại thảo luận về nguồn nhân lực thang máy.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam nhấn mạnh: “Khoảng cách về trình độ nhân lực của ngành thang máy trong nước và quốc tế còn khá xa và rất đáng lo ngại. Nhân lực ngành không có chuẩn đào tạo mà đang mạnh ai nấy làm tại các doanh nghiệp”.

Ở góc độ của doanh nghiệp kinh doanh thang máy, đại diện Công ty CP Thang máy Thiên Nam khẳng định, trong sản xuất tháng máy, nguồn nhân lực rất quan trọng để đảm bảo quá trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thang máy trước khi đưa vào vận hành, sử dụng. “Thang máy cần độ bền vì gắn vào công trình sử dụng có thể tới vài chục năm. Thiết kế mạch điều khiển thang máy càng đòi hỏi một quá trình tỉ mỉ, kỹ càng, chuẩn xác để kiểm soát thang máy hoạt động an toàn ngày càng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của khách hàng với nhiều kiểu thang máy. Nguồn nhân lực thiết kế hiện này còn quá thiếu là rất đáng báo động”. Đại diện Công ty Thang máy Thiên Nam khẳng định.

Cần quy chuẩn hóa sản phẩm và tiêu chuẩn hóa con người

Công nghiệp thang máy là lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo an toàn lao động. Hiện giữa công ty nước ngoài và công ty trong nước đang có sự cạnh tranh lớn. Với yếu thế là doanh nghiệp nhỏ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu trậm trọng dẫn đến sản phẩm thang máy được sản xuất trong nước hiện đa phần chưa được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Niềm tin của khách hàng về thang máy sản xuất trong nước còn khiêm tốn.

Theo ông Nguyễn Hải Đức, nếu không muốn thua trên sân nhà thì Việt Nam cần quy chuẩn hóa sản phẩm và tiêu chuẩn hóa con người, từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia, sản xuất thang máy không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Không chỉ xuất khẩu sản phẩm thang máy, ông Đặng Minh Sự – Sở Lao động và Thương binh xã hội TpHCM còn cho rằng Việt Nam còn có thể xuất khẩu lao động trong lĩnh vực thang máy vì nhu cầu nhân lực thang máy của các nước tiên tiến là rất lớn. Do đó, hơn lúc nào hết cần có mã ngành nghề cho đào tạo nhân lực thang máy. “Có mã ngành đào tạo vừa tạo ra được nguồn nhân lực chính quy, chuyên sâu vừa khắc phục được khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, quản lý nâng cao chất lượng giáo dục nguồn nhân lực thang máy”. Theo ông Đặng Minh Sự.

Trà Giang

Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam do Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức có quy mô sâu rộng, hướng tới mục tiêu phát triển ngành bền vững, lâu dài. Gần 100 khách mời là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị đào tạo khối trường xây dựng, kỹ thuật, dạy nghề; các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xác đáng về vấn đề hết sức cấp thiết: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/bao-dong-nguon-nhan-luc-khi-ngay-cang-nhieu-vu-tai-nan-thang-may-xay-ra-900.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.