BIDV – Hành trình 68 năm kiến tạo và phát triển bền vững
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 68 năm ngày thành lập (26/4/1957 – 26/4/2025), kết hợp tinh thần dân tộc, phát triển bền vững và gắn kết cộng đồng. Cùng điểm lại những mốc son của hành trình lịch sử của BIDV cũng như những bước chuyển đổi mạnh mẽ hướng đến một ngân hàng hiện đại, hội nhập toàn cầu.
Gần bảy thập kỷ đồng hành phát triển đất nước
Được thành lập vào ngày 26/4/1957 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, BIDV tự hào là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong suốt hơn sáu thập kỷ phát triển, BIDV luôn đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Trải qua bốn lần đổi tên tương ứng với từng giai đoạn phát triển của đất nước – từ Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1957–1981), Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (1981–1990), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1990–2012) đến nay là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV luôn thể hiện sự thích ứng linh hoạt và đổi mới không ngừng.
Bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của BIDV là năm 2012, khi chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng 100% vốn Nhà nước sang ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Sự kiện này đánh dấu quá trình thay đổi toàn diện về cơ chế hoạt động, quản trị và sở hữu, giúp BIDV nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo chuẩn mực quốc tế.
Ngày 24/01/2014, BIDV chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE với mã chứng khoán BID, khẳng định vị thế của một định chế tài chính lớn mạnh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và vì lợi ích cổ đông.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, BIDV vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định, không ngừng nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động. Ngân hàng tích cực triển khai tái cơ cấu toàn diện, đổi mới sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và tín dụng doanh nghiệp – luôn đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đến cuối năm 2016, BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, thuộc Top 3 ngân hàng thương mại ASEAN và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
BIDV hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và đầu tư tài chính. Ngân hàng đã xây dựng đội ngũ hơn 30.000 cán bộ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.
Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, BIDV đã vươn lên trở thành ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam với năng lực tài chính và nền tảng công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện mô thức quản trị Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) hướng tới sự phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng... Tính đến 31/12/2024, BIDV có tổng tài sản đạt 2,7 triệu tỷ đồng, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam; huy động vốn đạt 2,14 triệu tỷ đồng, chiếm 14,3% thị phần toàn ngành; dư nợ tín dụng đạt 2,02 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 13% thị phần toàn ngành. Các chỉ tiêu cơ cấu, hiệu quả, an toàn hoạt động của BIDV đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; vốn Nhà nước tại BIDV được bảo toàn và phát triển; BIDV tiếp tục thuộc top đầu Việt Nam về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... BIDV dẫn đầu thị trường về nền khách hàng với 22 triệu khách hàng cá nhân, gần 500.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu...
Với vai trò tiên phong, BIDV đã nhiều năm liền được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế và trong nước như Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Forbes), Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance), Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam (The Asian Banker), Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam (Asian Banking & Finance)...
Không chỉ chú trọng hiệu quả kinh doanh, BIDV còn là một trong những ngân hàng đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Hàng nghìn chương trình vì cộng đồng đã được BIDV triển khai trên cả nước và khu vực, góp phần giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa, cứu trợ thiên tai tại Việt Nam và các nước như Lào, Campuchia, Myanmar.
Giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến 2030, BIDV xác định chiến lược phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập, lấy khách hàng làm trung tâm, công nghệ làm nền tảng, con người làm động lực. Mục tiêu của BIDV là trở thành định chế tài chính hàng đầu Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam và nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
Trải qua gần bảy thập kỷ xây dựng và phát triển, BIDV đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò là một trong những định chế tài chính chủ lực, trụ cột của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên hành trình phát triển mới, BIDV tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng chủ lực, đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đóng góp tích cực cho một nền tài chính ngân hàng hiện đại, minh bạch và bền vững, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Tiên phong trên hành trình kiến tạo tài chính số, phát triển xanh
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, BIDV đã và đang thể hiện vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng, với chiến lược bài bản, đồng bộ và tầm nhìn dài hạn.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước trung tuần tháng 4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số, đồng thời chú trọng triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp xây dựng gói hỗ trợ tín dụng 500.000 tỷ đồng, hướng tới các dự án đầu tư hạ tầng và công nghệ số, đồng thời bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% – mức cao so với các năm gần đây. Đến hết quý I, tín dụng tăng 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ.
BIDV xác định ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm - dịch vụ, đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Với tỷ lệ tự động hóa nghiệp vụ đạt trên 90%, toàn bộ quy trình tác nghiệp được số hóa, hơn 160 hệ thống ứng dụng đang được vận hành ổn định, phục vụ gần 10 triệu giao dịch mỗi ngày cho hơn 11 triệu khách hàng. Hệ sinh thái số của BIDV được phát triển đa dạng, từ ngân hàng điện tử, ứng dụng di động tích hợp dịch vụ phi ngân hàng đến hệ thống tự giao dịch E-zone, mang lại trải nghiệm thuận tiện, đồng bộ và hiện đại.
Những bước tiến nổi bật trong chuyển đổi số của BIDV là triển khai thành công hệ thống ngân hàng lõi Core Banking Profile, tích hợp hơn 100 ứng dụng, cho phép tái cấu trúc mô hình tổ chức, phát triển sản phẩm và cải tiến quy trình tác nghiệp; xây dựng hệ thống Payment Hub theo thông lệ quốc tế – dự án công nghệ lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay, được triển khai bằng 100% nguồn lực nội bộ; ra mắt hệ thống BIDV OPEN API, phục vụ mô hình ngân hàng mở với hơn 3.000 đối tác kết nối, trong đó có các trung gian thanh toán, dịch vụ công, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội…
Không dừng lại ở việc chuyển đổi mô hình hoạt động, BIDV còn chú trọng gắn kết chuyển đổi số với định hướng phát triển xanh. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu tiêu hao tài nguyên, đồng thời là nền tảng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Đại diện Trung tâm Phát triển Ngân hàng số BIDV nhận giải thưởng với sản phẩm Hệ thống B.ONE - Không gian làm việc số Digital Workplace.
Năm 2024 vừa qua, BIDV tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu khi được vinh danh tại hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín trong nhiều lĩnh vực.
BIDV được Euromoney trao danh hiệu “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam”, ghi nhận nỗ lực bứt phá trong hành trình số hóa toàn diện. Bên cạnh đó, The Asian Banker vinh danh BIDV ở nhiều hạng mục: Ngân hàng bán lẻ tốt nhất, Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất, Ngân hàng triển khai công nghệ Core Banking tốt nhất và Ngân hàng ứng dụng API & ngân hàng mở tốt nhất.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, BIDV được Asian Banking & Finance trao giải Ngân hàng SME tốt nhất, Ngân hàng phục vụ khách hàng FDI tốt nhất, cùng với giải thưởng về dịch vụ ngoại hối và phái sinh. Ngoài ra, BIDV còn được HR Asia bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” và tổ chức chăm sóc nhân viên xuất sắc, đồng thời nhận hai giải thưởng về phát hành trái phiếu xanh từ The Asset (Hong Kong).
Được biết, BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được định hạng tín nhiệm quốc tế; năm 2025 là năm thứ 20 liên tiếp BIDV mời Tổ chức định hạng tín nhiệm Moody’s thực hiện định hạng tín nhiệm. Việc mời tổ chức quốc tế có uy tín thực hiện định hạng tín nhiệm cho BIDV đã góp phần khẳng định cam kết minh bạch hóa và thực hiện chiến lược áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt nhất vào hoạt động kinh doanh của BIDV. Ngày 19/03/2025, Moody’s đã phát hành bản báo cáo định hạng tín nhiệm mới nhất của BIDV. Theo đó, các định hạng tiền gửi nội tệ/ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành của BIDV vẫn được duy trì ở mức ngang bằng so với mức định hạng Chính phủ Việt Nam và thuộc nhóm các ngân hàng có định hạng tín nhiệm cao nhất tại thị trường Việt Nam.
Moody’s đánh giá cao nền tiền gửi khách hàng vững mạnh của BIDV và khả năng rất cao nhận được hỗ trợ của Chính phủ khi cần thiết. Khả năng huy động và duy trì thanh khoản là điểm mạnh của BIDV nhờ vị thế là một trong những ngân hàng có vốn nhà nước lớn nhất tại Việt Nam.
Loạt giải thưởng quốc tế mà BIDV đoạt được không chỉ là sự ghi nhận thành quả đổi mới, mà còn phản ánh năng lực hội nhập sâu rộng của BIDV trong hệ sinh thái tài chính – ngân hàng toàn cầu.
Với những nỗ lực không ngừng trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, BIDV tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, năng động, sáng tạo và chủ động thích ứng trước yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế số và kinh tế xanh.