Ngày 18/11/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố” với mục tiêu, năm 2025 chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5%; tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi; dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Để thực hiện mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam với tâm thế chủ động đã hưởng ứng mạnh mẽ và có nhiều sáng kiến đột phá, nhiều hành động triển khai kịp thời.
![]() |
Tuyến xe buýt điện số 05 (Mai Động - Đại học Tài nguyên và Môi trường) ngày đầu hoạt động. Ảnh: Transerco |
Cơ hội của doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Đi đầu là VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) - một trong những hãng xe tiên phong tại Việt Nam trong việc sản xuất phân phối xe điện. Năm 2019, VinBus ra đời và đã triển khai 150 xe buýt điện trên 10 tuyến phố tại Hà Nội vào năm 2021. Đến nay, VinBus đã vận hành tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Hải Phòng và Nha Trang. Không chỉ xe buýt công cộng, đến năm 2024, VinFast đã bán ra thị trường Việt Nam hơn 87.000 xe điện thuộc 7 dòng xe khác nhau, góp phần xanh hóa giao thông vận tải.
Với mục tiêu mà Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đặt ra, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) với vai trò là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực giao thông công cộng của Thủ đô đã chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2024-2035 báo cáo thành phố làm căn cứ tổ chức thực hiện. Trong đó, Transerco đặt mục tiêu đến hết năm 2033 sẽ hoàn thành chuyển đổi 100% phương tiện sang xe buýt điện, sớm hơn mục tiêu Đề án chung của thành phố Hà Nội.
Theo đại diện lãnh đạo Transerco, vượt qua những khó khăn từ việc nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện cho xe điện, Tổng công ty hiện đã triển khai thực hiện dự án chuyển đổi xe buýt điện cho 3 tuyến xe buýt theo chủ trương của Thành phố trong thời gian ngắn nhất.
Cụ thể, ngày 17/1/2025, Transerco đã đưa 03 tuyến buýt số 05, 39 và 47 với 46 xe vào hoạt động thí điểm bằng xe buýt điện theo chủ trương của Thành phố. Đây là tiền đề để Transerco triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi phương tiện với mong muốn góp sức vào công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của Thành phố.
![]() |
Transerco khai trương xe buýt điện tuyến số 05 - 39 - 47. Ảnh: Transerco |
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần thương mại kỹ thuật Hải Anh (Hải Anh JSC) luôn xác định phát triển xanh và bền vững là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đến nay, Hải Anh JSC đã hoàn thành đầu tư nhà máy, Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao Nova Energy tại Khu CNC Hòa Lạc. Nhà máy được trang bị máy móc hiện đại, đạt chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14001 và ISO 45001.
“Tại đây chúng tôi tập trung nghiên cứu phát triển, thiết kế và sản xuất thiết bị điện, điện tử phục vụ ngành năng lượng tái tạo, giao thông xanh,… Chúng tôi đã và đang hợp tác với các đối tác quốc tế để mở rộng thêm những giải pháp công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu về tự động hóa và năng lượng tái tạo đang tăng cao khi Hà Nội hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, cùng với đó là sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ mở ra nhiều cơ hội hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị cho các doanh nghiệp, trong đó có Hải Anh JSC.” - ông Quản Duy Hải, Tổng giám đốc Hải Anh JSC chia sẻ.
Hải Anh JSC cũng đã cho ra mắt thị trường giải pháp sạc xe điện thông minh NVCharge tích hợp công nghệ quản lý tối ưu, có khả năng tương thích rộng rãi với hầu hết các dòng xe điện đang lưu hành. Công ty đang tích cực phát triển mạng lưới trạm sạc rộng khắp trên toàn quốc.
Hay những doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ như Selex Motors, cung cấp ra thị trường dòng xe máy giao vận “make in Vietnam” từ pin cho đến sản phẩm xe hoàn chỉnh. Selex Motors hiện đang phát triển trạm đổi pin toàn diện bao gồm xe tay ga điện hàng đầu, bộ pin vạn năng, mạng lưới trạm đổi pin cũng như nền tảng quản lý dựa trên IoT thông minh. Hiện sản phẩm của startup đã có mặt tại 3 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Huế.
Công ty TNHH EVSE Lab, với mục tiêu trở thành “Công ty Nghiên cứu và phát triển” (Design House) trong lĩnh vực thiết bị xe điện, tiên phong trong việc rút ngắn con đường từ nguyên mẫu đến sản xuất, đưa các sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” vươn xa ra thị trường quốc tế. Hiện nay, EVSELab chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế và phát triển sản phẩm mới trọn gói trong lĩnh vực sạc xe điện. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với các hãng bán dẫn hàng đầu thế giới như Texas Instruments, STmicroelectronics, Microchip, Toshiba Semiconductors, Vishay, NXP, EPCos/TDK, Chemicon,... EVSELab có thể cung cấp những giải pháp mới nhất, tối ưu nhất, tận dụng thế mạnh của tất cả các hãng, và tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng với giá cạnh tranh. Các sản phẩm chính mà EVSELab phát triển bao gồm: hệ thống sạc DC cho xe máy điện, công suất từ vài trăm Watts đến vài kilo-Watts, hệ thống sạc offboard/onboard cho ô tô điện từ vài kW đến vài chục kW, hệ thống quản lý pin BMS, hệ thống biến đổi DC/DC trên xe,...
![]() |
Hải Anh JSC đang tập trung nghiên cứu phát triển, thiết kế và sản xuất thiết bị điện, điện tử phục vụ ngành năng lượng tái tạo, giao thông xanh. Ảnh: Hải Anh JSC |
… Và thách thức trong chuyển đổi xanh
Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng, góp phần rất tích cực bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt.
Qua thời gian đầu đưa vào khai thác ba tuyến buýt điện, Tổng công ty vận tải Hà Nội cũng như Thành phố đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng đi xe cũng như người dân Thủ đô về chất lượng hoạt động. Đó là phương tiện sạch sẽ, chạy êm, đầy đủ các tiện nghi, hình ảnh công nhân lái xe, nhân viên phục vụ ứng xử đúng mực, đúng quy tắc, làm hài lòng khách hàng,…
Hiệu quả khi chuyển đổi xanh phương tiện vận tải công cộng là thấy rõ. Tuy nhiên, với lộ trình chuyển đổi nhanh, rộng là thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành.
Với góc độ là đơn vị khai thác vận hành, đại diện lãnh đạo Transerco nhận định 4 nhóm khó khăn cơ bản: Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp đang vận hành xe buýt diesel hiện nay, việc chuyển đổi tài sản cũ ra sao khi thời hạn, giá trị sử dụng vẫn còn để thực hiện trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Thấu hiểu điều này, các sở ngành đã tham mưu thành phố đặt ra lộ trình từng bước một cách phù hợp, hài hoà lợi ích giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp;
Thứ hai, việc bố trí nguồn vốn cho đầu tư chuyển đổi là một thách thức lớn. Đầu tư hệ thống xe buýt điện bao gồm phương tiện, hạ tầng (trạm sạc, trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện tại depot) đòi hỏi nguồn vốn ban đầu rất lớn, chi phí lãi vay đầu tư tăng cao. Nếu không có sự hỗ trợ của Thành phố về cơ chế tài chính, tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi vay thì doanh nghiệp sẽ thực sự khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt điện còn nhiều hạn chế như hạ tầng trạm sạc, nguồn cung cấp vật tư phụ tùng, vật tư bảo dưỡng, sửa chữa,… Hạ tầng lưới điện với nguồn cung cấp điện công suất lớn cần phải được cung cấp ổn định (đặc biệt là thời gian cao điểm nắng nóng);
Thứ tư, đó là hiện tại Thành phố mới có ban hành bộ đơn giá định mức cho xe buýt điện lớn. Các loại xe buýt điện trung bình và nhỏ chưa có định mức và đơn giá nên phải chờ ban hành mới có điều kiện nhân rộng theo kế hoạch. Hơn nữa, trong định mức, đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện nay chưa có đơn giá đối với lãi vay đầu tư phương tiện.
Cùng quan điểm, ông Quản Duy Hải, Tổng giám đốc Hải Anh JSC chia sẻ, Hải Anh JSC luôn theo sát các chủ trương, chính sách của thành phố Hà Nội, đặc biệt là đề án phát triển kinh tế đô thị, để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Mặc dù, việc đối mặt với những thách thức từ sự cạnh tranh, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp triển khai chậm, nhưng thời gian tới Việt Nam cần sớm hoàn thành hệ thống công cụ và quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó, đối với những nhà máy có đầu tư để đồng xử lý các chất thải hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ.
Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải để hướng đến giao thông xanh, phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp chính là nguồn lực thực thi lớn cho mục tiêu này. Bên cạnh những thuận lợi từ chính sách đã được ban hành, trong quá trình triển khai vẫn còn những thách thức cần được tháo gỡ để đạt mục tiêu đề ra.