Chia sẻ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia an ninh mạng tại Diễn đàn an ninh bảo mật Accelerate Việt Nam 2022 do Fortinet tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội cho thấy các chuyên gia bảo mật đám mây đang là vị trí được các tổ chức tìm kiếm nhiều nhất và cũng là vị trí khó tuyển dụng nhất trong các kỹ năng an ninh mạng.
Chuyên gia bảo mật đám mây hót hơn bao giờ hết
Nhu cầu làm việc từ xa do đại dịch, công nghệ phát triển và yêu cầu của chuyển đổi số, kinh tế số, đang thúc đẩy nhu cầu kết nối mở rộng ra bên ngoài ngày càng tăng. Đây chính là môi trường cho tội phạm mạng ngày càng phát triển và trở nên tinh vi khó phát hiện hơn. Báo cáo về khoảng cách kỹ năng mạng năm 2022 do Fortinet thực hiện cho thấy có đến 64% các tổ chức bị tấn công mạng dẫn đến mất doanh thu hoặc phải bỏ chi phí lớn để khắc phục sự cố, thậm chí 38% các tổ chức phải trả chi phí lên đến hơn một triệu đô la (USD) cho tiền chuộc và khắc phục sự cố tấn công mạng.
Thiệt hại kinh tế và danh tiếng khiến vấn đề an ninh mạng đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo doanh nghiệp. Trên toàn châu Á, 89% các tổ chức có hội đồng quản trị báo cáo rằng hội đồng quản trị của họ đang tìm kiếm giải pháp đặc biệt về an ninh mạng. Ngoài ra, 79% các tổ chức có ban giám đốc đã khuyến nghị tăng số lượng nhân viên chính thức làm việc trong mảng CNTT và an ninh mạng.
Các vị trí mà nhà tuyển dụng ưu tiên thuộc về kỹ năng an toàn mạng như chuyên gia bảo mật đám mây, đội ngũ ứng phó an toàn mạng SOC, bảo mật cơ sở hạ tầng mạng, tiếp đó mới đến nhân viên phát triển phần mềm bảo mật an toàn mạng và các vị trí khác. Thậm chí, các vị trí chuyên gia an ninh mạng giỏi luôn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Khảo sát của Fortinet trong Báo cáo toàn cầu cho thấy có đến 60% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng phải đấu tranh để tuyển dụng nhân tài an ninh mạng; 52% đấu tranh để giữ chân những người có năng lực; 67% đồng ý rằng tình trạng thiếu chuyên gia an ninh mạng đủ tiêu chuẩn đang tạo ra rủi ro cho tổ chức của họ.
Nhưng chia sẻ tại diễn đàn an ninh bảo mật Accelerate Việt Nam 2022, ông Rashish Pandey – Phó Chủ tịch Tiếp thị và Truyền thông khu vực châu Á của Fortinet cho biết, khảo sát tại khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông nằm trong Báo cáo toàn cầu mà doanh nghiệp thực hiện cho thấy 71% các công ty tham gia khảo sát đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ trong lĩnh vực an ninh mạng.
Đặc biệt với chuyên gia bảo mật điện toán đám mây, ông Rashish Pandey lý giải do ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoạt động trên môi trường điện toán đám mây, tự động hóa trong khi chuyên gia bảo mật điện toán đám mây có kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế là nguyên nhân chính khiến các nhà tuyển dụng khó lấp đầy khoảng trống này.
Mất an toàn mạng xuất phát từ thiếu hụt nhân lực bảo mật
Theo Báo cáo lực lượng lao động mạng năm 2021 của ISC (Cyber Workforce Report), Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có sự thiếu hụt về lực lượng lao động lên đến 1,42 triệu người. Báo cáo về khoảng cách kỹ năng mạng của Fortinet đã chỉ ra rằng đào tạo và cấp chứng chỉ chính là giải pháp mà các tổ chức đang tìm cách nhằm khắc phục vấn đề này.
Cam kết giải quyết những tồn tại khoảng cách về kỹ năng mạng, Chương trình Đào tạo nâng cao (TAA) và các khóa học của Viện Đào tạo Fortinet đã được thành lập và phát triển. Fortinet cam kết mục tiêu đào tạo 1 triệu chuyên gia, hoàn thành vào khoảng năm 2026. Đến nay, thông qua hợp tác với các đối tác địa phương, Fortinet đã thành công trong việc cấp hơn 840.000 chứng chỉ kể từ khi bắt đầu chương trình.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam cho biết, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang biến đổi nhanh chóng, các kỹ năng cũng cần phải thay đổi để kịp thời thích ứng. Đầu năm 2022, Fortinet đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), nhằm cung cấp cho sinh viên ngành công nghệ của trường các khóa đào tạo đầu ngành về an ninh mạng. “Việc thành lập cơ sở đào tạo đầu tiên tại Việt Nam thể hiện nỗ lực của Fortinet trong việc giải quyết khoảng cách về kỹ năng mạng thông qua đào tạo và giáo dục. Fortinet đang hướng tới mục tiêu xây dựng một lực lượng chuyên gia an ninh mạng có kiến thức và kỹ năng toàn diện cho Việt Nam”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Gia Đức cũng cho biết, chương trình đào tạo của Fortinet tập trung vào các kỹ năng mà sinh viên cần có ngay để giải quyết vấn đề các cơ sở đào tạo chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ.
Hiện có khoảng 20% máy móc trên thế giới được kết nối internet. Thách thức của các doanh nghiệp là vừa tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa phải đảm bảo an ninh cho hệ thống kết nối. Thực tế cho thấy, tháo gỡ nút thắt nguồn nhân lực an ninh mạng là chìa khóa cho vấn đề.
Bảo Hà
ACCELERATE là sự kiện thường niên lớn nhất, được Fortinet tổ chức trên phạm vi toàn cầu – ở các thị trường lớn và trọng điểm nhất. Đây là sự kiện quy tụ các chuyên gia đầu ngành, các diễn giả nổi tiếng và có uy tín nhất để cùng với Fortinet, các đối tác và khách hàng trao đổi về những xu hướng công nghệ tiên tiến nhất trong ngành bảo mật. Năm nay, sự kiện được tổ chức riêng tại thị trường Việt Nam vào ngày 9/6/2022 với nhiều phiên thảo luận sôi nổi, hấp dẫn về các chủ đề chính như: các xu hướng nổi bật về bảo mật của năm 2022, mô hình Cybersecurity Mesh, Zero Trust Access, Cloud Security, OT,…