Trong kỷ nguyên số, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu hóa và các dịch vụ tài chính ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dù mang lại nhiều tiện ích, phương thức thanh toán này cũng đi kèm với một số thách thức và rủi ro. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Tự động hóa Ngày nay có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia công nghệ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp Tinh Vân (Tinhvan Consulting).
ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia công nghệ - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp Tinh Vân (Tinhvan Consulting) |
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng chủ đạo. Vậy theo ông, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại những tiện ích gì cho người dùng và các tổ chức tài chính?
Trong nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có thể khẳng định thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) mang lại rất nhiều tiện ích. Người dùng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi mà không cần mang theo tiền mặt.
Thứ nhất, về phía người dùng, TTKDTM giúp khả năng tiếp cận các dịch vụ đa dạng hơn như mua sắm online, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính... Nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cung cấp chương trình tích điểm, giảm giá, hoặc hoàn tiền (cashback).
Điểm hấp dẫn nữa là tăng tính an toàn cá nhân, dù ít được mọi để ý nhưng rất đáng kể. Tôi biết có một cửa hàng bán 24/24 ở TPHCM đã chuyển sang chính sách “cashless” nhằm giữ an toàn cho nhân viên tránh bị cướp.
Thứ hai, về phía các tổ chức tài chính, họ chắc chắn là những người yêu thích TTKDTM nhất, bởi nó giúp họ giảm đáng kể chi phí vận hành, từ in ấn, lưu trữ, vận chuyển đến bảo vệ tiền mặt. Hệ thống điện tử tự động hóa nhiều quy trình, giao dịch nhanh hơn, ít sai sót hơn. Họ cũng có thể phát triển thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng như quản lý tài khoản, phân tích tài chính hay cung cấp tín dụng vi mô dựa trên dữ liệu giao dịch của khách hàng.
Trên hết là TTKDTM giúp họ tiếp cận được nhóm khách hàng không sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống, những người này có thể dùng ví điện tử, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tôi cho rằng điều đáng giá nhất đối với các tổ chức tài chính là dữ liệu. Việc TTKDTM giúp thu thập dữ liệu dễ dàng và tự nhiên hơn, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng và xây dựng chiến lược marketing hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài những lợi ích như ông vừa nói, thanh toán không dùng tiền mặt cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Vậy theo ông, những rủi ro đó là gì và làm thế nào để giảm thiểu?
Sự bùng nổ của thanh toán số cũng đã đồng thời kéo theo những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, an toàn thông tin. Hệ thống TTKDTM dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, từ việc đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng đến gian lận giao dịch. Đã có không ít trường hợp “hacker” xâm nhập vào tài khoản của người dùng hoặc các tổ chức tài chính để chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, việc thiếu kiến thức, hoặc thói quen sử dụng cũng có thể gây ra rủi ro cho người dùng. Nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc những người không quen với công nghệ có thể gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán số, từ đó dẫn đến các sai sót hoặc lộ thông tin nhạy cảm.
Công ty Cổ phần Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp Tinh Vân - Tinhvan Consulting (TVC) được thành lập vào tháng 8 năm 2004, kế thừa năng lực công nghệ và tài chính của Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân với bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm - đơn vị đi đầu trong việc định hướng phát triển các sản phẩm và dịch vụ CNTT tại thị trường Việt Nam. Là đối tác của nhiều Tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới, Tinhvan Consulting hiện là một trong những công ty tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực Tư vấn các ứng dụng CNTT trong Quản trị Doanh nghiệp – Các giải pháp Quản trị Doanh nghiệp tổng thể (ERP), Quản lý tổng thể nguồn Nhân lực (HRM) và các giải pháp đặc thù cho các ngành kinh doanh. |
Còn lại là sự bất tiện khi phụ thuộc vào công nghệ. Hệ thống TTKDTM phụ thuộc rất lớn vào hạ tầng công nghệ, như kết nối Internet và các ứng dụng. Nếu có sự cố mạng, hệ thống bị lỗi hoặc gián đoạn, giao dịch sẽ không thể thực hiện, gây bất tiện cho người dùng. Hoặc đơn giản hơn là khi chúng ta ra khỏi nhà mà quên điện thoại...
Để giảm thiểu những rủi ro này, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Một là tăng cường an ninh mạng. Các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cần đầu tư vào công nghệ bảo mật, như mã hóa dữ liệu, xác thực đa yếu tố và xây dựng hệ thống phòng chống tấn công mạng. Người dùng cũng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu và cảnh giác trước các đường dẫn hoặc Email có dấu hiệu lừa đảo.
Hai là đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, nhanh chóng và có các phương án dự phòng trong trường hợp gặp sự cố.
Ba là đào tạo và hướng dẫn người dùng thông qua việc cung cấp thông tin dễ hiểu về cách sử dụng dịch vụ thanh toán an toàn, tổ chức các chương trình giáo dục tài chính cho các nhóm đối tượng ít quen thuộc với công nghệ.
Bốn là xây dựng chính sách bảo vệ người dùng một cách rõ ràng, hỗ trợ người dùng trong trường hợp xảy ra sự cố, như hoàn tiền khi bị gian lận hoặc xử lý khiếu nại nhanh chóng.
Theo ông, thanh toán không dùng tiền mặt có làm giảm kiểm soát giao dịch và dòng tiền, chẳng hạn như kinh doanh nhỏ lẻ hoặc các giao dịch không chính thức. Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực này? Cần phải có những giải pháp gì để tránh thất thu thuế trong lĩnh vực này?
Mặc dù đúng là hiện nay có nhắc nhiều tới việc thất thu thuế trong một số lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ, giao dịch không chính thức, nhất là các giao dịch thương mại xuyên biên giới (cross-shipping), thương mại điện tử, nhưng giao dịch không tiền mặt vẫn giúp tăng kiểm soát giao dịch và dòng tiền, giúp minh bạch hóa dòng tiền tốt hơn nhiều.
Thực tế, các chính sách thuế hiện nay chưa theo kịp các hình thức kinh doanh mới sinh ra từ sự phát triển của Internet và các hình thức thanh toán hiện đại. Điều này khá dễ hiểu, chính sách luôn có độ trễ nhất định để theo kịp cuộc sống.
Trong khi đó, kinh doanh luôn cần biến đổi nhanh để thích nghi, còn chính sách cần độ ổn định để người dân yên tâm. Việc có một độ trễ nhất định để các hoạt động kinh doanh định hình và được hiểu rõ nhằm tạo ra chính sách thuế phù hợp cũng là hợp lý.
Để cải thiện độ trễ và thiếu hụt này, Chính phủ cần thúc đẩy liên tục quá trình chuyển đổi số mà hiện nay Chính phủ đã rất quan tâm thực hiện. Quá trình chuyển đổi số, với cá nhân tôi cũng mang lại một lợi ích nữa là hỗ trợ sự phát triển của các phần mềm trong nước như phần mềm quản lý nhân sự HiStaff của chúng tôi có cơ hội phát triển.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều tiện ích/ảnh minh họa. |
Gần đây, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới cũng được các ngân hàng chú trọng phát triển. Tuy nhiên, khi phương thức thanh toán này gia tăng, vấn đề rửa tiền cũng trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Vậy theo ông, Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp gì để đối phó với vấn đề này?
Thanh toán xuyên biên giới đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những thách thức lớn trong việc kiểm soát rửa tiền, một vấn đề có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Để đối phó hiệu quả với vấn đề này, tăng cường hợp tác quốc tế là một nỗ lực quan trọng. Vì rửa tiền thường liên quan đến nhiều quốc gia, các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế. Các thỏa thuận chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra và chuẩn hóa quy định về chống rửa tiền (AML) là rất cần thiết.
Ngoài ra các quốc gia và thể chế cũng phải cùng tiến hành và tham gia vào việc xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ: Các ngân hàng và tổ chức tài chính phải áp dụng hệ thống giám sát giao dịch xuyên biên giới mạnh mẽ, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Hệ thống này cần có khả năng phân tích dữ liệu lớn để nhận diện mô hình và hành vi bất thường.
Bên cạnh đó không thể thiếu được việc hoàn thiện hành lang pháp lý và các chế tài mạnh mẽ. Đối với các tổ chức tài chính không tuân thủ quy định hoặc cố tình vi phạm, cần có chế tài đủ mạnh như phạt tiền lớn, đình chỉ hoạt động, hoặc truy tố hình sự đối với cá nhân chịu trách nhiệm.
Cần liên tục cập nhật các quy định pháp luật để bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ và phương thức giao dịch mới. Các tiêu chuẩn quốc tế như từ Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) cần được nội luật hóa và áp dụng nghiêm ngặt.
Các biện pháp công nghệ có thể được tham gia vào như thực hiện quy trình KYC (định danh khách hàng) nghiêm ngặt hay áp dụng công nghệ Blockchain cũng hay được nhắc tới thời gian gần đây.
Cuối cùng cơ sở để tất cả những điều trên khả thi và hiệu quả là dữ liệu. Việc thu thập và xử lý dữ liệu tốt và có hệ thống sẽ giúp các hệ thống giám sát và cảnh báo hoạt động trở nên khả thi và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!