e magazine
Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội: “Mỗi bạn trẻ hãy dấn thân để giỏi một ngành nghề mà mình đam mê”

Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Tự động hóa Ngày nay nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Trung Kiên, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những kí ức tuổi trẻ sôi nổi một thời cũng như xúc động khi nhớ đến những người thầy, người cô đã sát cánh cùng các thế hệ sinh viên.

Cách đây gần 40 năm, lý do gì thôi thúc anh chọn ngành Hóa – Thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội cho 5 năm đại học của mình?

Nhà tôi nằm trong khu tập thể A3 Bách khoa, vì thế Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của tôi. Tôi nhớ như in hình ảnh tòa giảng đường từ C1 đến C9 được thiết kế và xây dựng bởi các chuyên gia Liên Xô, với ban công rộng, lan can sơn đỏ, và chiếc cổng parabol đặc trưng trên đường Nam Bộ (nay là đường Giải Phóng).

Khi học cấp 3, thầy giáo dạy Toán từng nói vui rằng: “Cổng parabol có độ dốc lớn nên thi vào dễ... trượt”. Lời nói vui của thầy càng khiến tôi muốn chinh phục cánh cổng đó. Lúc bấy giờ, những ngành học mới nổi như Kỹ thuật thông tin, Tự động hóa, Công nghệ sinh học và Vật liệu mới rất được yêu thích. Tôi chọn ngành Hóa – Thực phẩm vì sự tò mò với Công nghệ sinh học, lĩnh vực được tích hợp trong ngành học này.

Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội: “Kiến thức và sự tận tụy của thầy cô vẫn luôn là điều tôi trân quý và biết ơn suốt đời”

Những kỷ niệm đẹp nào trong quãng đời sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội khiến anh nhớ mãi?

Tôi không thể quên được không khí mùa thi ở Bách khoa, nơi những câu thơ vui thường được truyền tai nhau:

“Năm năm với chín kỳ thi,

Một kỳ tốt nghiệp... còn gì là xuân!”

Thời gian đầu, tôi học khá vất vả, thậm chí phải thi lại nên kỳ nghỉ hè dường như là điều xa xỉ. Nhưng dần dần, khi quen với môi trường và tìm ra phương pháp học tập hiệu quả, tôi đã thực sự tận hưởng được quãng thời gian "tuổi trẻ rực rỡ" dưới mái trường Bách khoa. Những lần thực tập tại các nhà máy là trải nghiệm đáng giá nhất. Nhờ những tiết học thực hành đã giúp tôi tiếp thu nhanh và áp dụng tốt những kiến thức đã học.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là chuyến thực tập tại Việt Trì vào những năm 1990, thời kỳ còn nhiều khó khăn. Ngày đầu tiên, chúng tôi được sắp xếp ngủ ở tầng 3 của một ngôi nhà trống trơn, không hề có cánh cửa nào, từ cửa sổ đến cửa ra vào. Cả nhóm trải chiếu trên sàn, gối đầu lên ba lô và quay mặt vào nhau để ngủ, vậy mà ai cũng ngủ rất say. Đến hôm sau, chúng tôi mới được chuyển sang các phòng trong dãy nhà cấp 4 của nhà máy, ai nấy đều vui sướng.

Kỷ niệm thì nhiều vô kể, nhưng tôi cũng nhớ mãi buổi liên hoan sau khi Bảo vệ tốt nghiệp thành công. Thầy trò quây quần bên những chai bia thủ công do chính chúng tôi tự làm. Vào thời đó, được thưởng thức bia đã là một niềm vui xa xỉ. Bữa liên hoan ấy thành một đại tiệc khó quên trong đời của sinh viên ngành Hoá - Thực phẩm.

Còn ấn tượng của anh về thầy cô Bách khoa thì sao?

Những năm tháng học tại Đại học Bách khoa Hà Nội để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là sự tận tâm của các thầy cô. Từ học kỳ đầu với tiếng Nga và cô Hà Kim Bảo, người luôn nhắc nhở chúng tôi giữ thái độ khiêm tốn, đến những năm chuyên ngành đầy thử thách, tôi đã học được không chỉ kiến thức mà cả những bài học về thái độ và trách nhiệm.

Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu đã được biết đến là một ngôi trường kỹ thuật hàng đầu, nơi không chỉ đào tạo những kỹ sư tài năng mà còn hun đúc tinh thần sáng tạo và khát vọng cống hiến cho đất nước. Trong số những cựu sinh viên tiêu biểu, anh Phạm Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được biết đến là tấm gương của nhiều thế hệ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ những ngày miệt mài bên giảng đường đến khi ở vai trò lãnh đạo của một công ty quy mô lớn, anh Kiên luôn mang trong mình tinh thần dấn thân và tư duy kỹ thuật sâu sắc.

Các môn học ngành Công nghệ Thực phẩm, đặc biệt liên quan đến Hóa, luôn là thách thức lớn. Tôi nhớ mãi lần thi vấn đáp với thầy Cử, một người thầy nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, đã khích lệ tôi bằng một điểm cộng nhỏ nhờ sự chăm chỉ. Những năm học chuyên ngành Lên men, mỗi thầy cô đều để lại dấu ấn sâu sắc, từ sự uyên bác của thầy Nguyễn Đình Thưởng, sự nghiêm khắc truyền cảm của thầy Hoàng Đình Hòa, đến cách hướng dẫn tận tình của cô Nguyễn Thị Hiền, cô Kim Anh và cô Phạm Anh.

Có rất nhiều thầy cô đáng kính mà tôi không thể kể hết. Một số thầy cô giờ đây đã đi xa, nhưng những bài học, kiến thức và sự tận tụy của họ vẫn luôn là điều tôi trân quý và biết ơn suốt đời.

Những kiến thức thu nhận được trong suốt 5 năm tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã giúp anh như thế nào khi công tác tại Habeco, đặc biệt ở cương vị lãnh đạo?

Đại học Bách khoa Hà Nội có chương trình đào tạo toàn diện, từ nền tảng lý thuyết cơ bản đến các môn bổ trợ và chuyên ngành chuyên sâu. Khi học chuyên ngành Thực phẩm, chúng tôi không chỉ tập trung vào các kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng liên ngành, như Thiết kế xây dựng, Điện xí nghiệp, Tự động hóa hay Tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Đặc biệt, những môn học bổ trợ, dù chỉ được tiếp cận trong một học kỳ như Tự động hóa, đã mở ra cho chúng tôi tầm nhìn mới về vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong sản xuất. Nhờ những kiến thức ấy, khi làm việc tại nhà máy, tôi nhận ra giá trị của việc áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu những công việc nặng nhọc, cải thiện môi trường làm việc và duy trì chất lượng sản phẩm một cách ổn định, đồng đều hơn. Những bài học đó thực sự là hành trang quý giá trong suốt sự nghiệp của tôi.

Một số bạn trong lớp tôi hiện là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Dù không làm đúng chuyên ngành, họ vẫn rất thành công, minh chứng cho tư duy giải quyết vấn đề mà Bách khoa Hà Nội đã trang bị.

Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội: “Kiến thức và sự tận tụy của thầy cô vẫn luôn là điều tôi trân quý và biết ơn suốt đời”

Hiện tại, Habeco có nhiều cán bộ, nhân viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội không? Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc chọn nghề?

Đại học Bách khoa Hà Nội là đối tác thân thiết với HABECO từ nhiều năm qua. HABECO cùng Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho HABECO nói riêng và cho xã hội nói chung. Đồng thời, hai bên cùng hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, hệ thống thiết bị hiện đại giúp Nhà trường tăng thêm danh tiếng và uy tín, giúp HABECO luôn giữ vững chất lượng với nhiều dòng sản phẩm được sự tin yêu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện nay khá nhiều kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang làm việc tại Habeco. Các sinh viên ngành Tự động hóa có rất nhiều cơ hội việc làm tốt nếu biết kết hợp những môn bổ trợ cho chuyên ngành của mình như phần mềm, lập trình, vật liệu để nâng cao năng lực chuyên môn và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về định hướng nghề nghiệp, tôi tâm đắc với câu nói của cổ nhân: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.” Mỗi bạn trẻ hãy dấn thân để làm thật giỏi một nghề mà mình đam mê. Thành công không đến dễ dàng và để đạt được điều mình mong muốn đôi khi chúng ta phải hy sinh một số sở thích hoặc ham muốn nhất thời. Tuy nhiên, chỉ cần giữ vững niềm tin vào bản thân, các bạn sẽ thấy tương lai rộng mở chờ đón khi bước ra từ cánh cổng Đại học Bách Khoa Hà Nội – nơi đã chắp cánh cho biết bao thế hệ kỹ sư, nhà khoa học và doanh nhân thành đạt.

Nhân dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh có điều gì muốn nhắn gửi đến thầy cô giáo của mình?

Tôi xin kính chúc các thầy cô Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và các nhà giáo trên cả nước nói chung luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người. Mong rằng các thầy cô sẽ tiếp tục đưa nền giáo dục nước nhà gặt hái nhiều thành tựu lẫy lừng hơn trong kỷ nguyên mới.

Xin cảm ơn anh!

Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội: “Kiến thức và sự tận tụy của thầy cô vẫn luôn là điều tôi trân quý và biết ơn suốt đời”
Phó TGĐ HABECO Phạm Trung Kiên (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện do Tổng Công ty tổ chức.

Nhân vật - Phỏng vấn

LÊ MINH LOAN

tudonghoangaynay.vn