e magazine

Bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xanh - số hóa - bền vững

Trước những biến động phức tạp của thị trường và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi nông nghiệp, Đạm Cà Mau đang cho thấy một chiến lược phát triển đầy bản lĩnh. Doanh nghiệp không chỉ tái cấu trúc mô hình tăng trưởng mà còn tiên phong ứng dụng công nghệ, mở rộng chuỗi giá trị, hướng tới một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Đạm Cà Mau (PVCFC): Bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xanh - số hóa - bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện nhiều biến động và ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với xu thế phát triển xanh, hiện đại và bền vững, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – mã chứng khoán DCM) đang cho thấy bản lĩnh của một doanh nghiệp đầu ngành. Không chỉ duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện nhiều thách thức, Đạm Cà Mau còn thể hiện tầm nhìn chiến lược với những kế hoạch kinh doanh thận trọng, đầu tư dài hạn vào khoa học công nghệ và mạnh dạn bước vào những lĩnh vực mới, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Phát triển ổn định, bền vững, ưu tiên hiệu quả dài hạn

Theo tài liệu công bố phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (dự kiến tổ chức ngày 16/6), PVCFC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 14.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 46%, phản ánh góc nhìn chủ động và thực tế trước các yếu tố khó lường như biến động địa chính trị, cạnh tranh nguồn khí cho sản xuất điện và phân bón, cùng với ảnh hưởng ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.

Dù vậy, công ty vẫn giữ mức chia cổ tức 10% vốn điều lệ, thể hiện nền tảng tài chính vững mạnh và cam kết bảo vệ quyền lợi cổ đông. Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành buộc phải điều chỉnh kế hoạch, thì quyết sách của PVCFC mang thông điệp rõ ràng: tập trung vào phát triển ổn định, bền vững, ưu tiên hiệu quả dài hạn thay vì chạy theo con số ngắn hạn.

Không chỉ dừng lại ở vai trò một nhà sản xuất phân bón, Đạm Cà Mau đang từng bước mở rộng mô hình hoạt động thành một doanh nghiệp tích hợp đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp – năng lượng – công nghệ. Một trong những mũi nhọn được xác định là dự án sản xuất khí công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 288 tỷ đồng. Dự án này cho phép thu hồi và tinh chế Nitơ, Argon từ nguồn khí thải (offgas) tại nhà máy, vừa tăng hiệu suất sản xuất phân Urea và Ammonia, vừa đón đầu xu hướng phát triển của thị trường khí công nghiệp nội địa.

Đạm Cà Mau (PVCFC): Bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xanh - số hóa - bền vững

Bên cạnh đó, công ty đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh – phân khúc sản phẩm được đánh giá sẽ bùng nổ trong xu thế nông nghiệp xanh, thông qua hoạt động M&A hoặc liên kết phát triển nhà máy sản xuất. Cùng với đó là tham vọng xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, PVCFC đang nghiên cứu đầu tư vào các dự án chế biến trái cây, dược liệu, hướng đến mục tiêu trở thành một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam vào năm 2030, với quy mô doanh thu kỳ vọng hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Chuyển đổi số luôn là nền tảng cho những bước đi chiến lược

Đạm Cà Mau (PVCFC): Bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xanh - số hóa - bền vững
Khu điều hành nhà máy.

Nền tảng cho mọi bước đi chiến lược của PVCFC chính là chuyển đổi số – một trong những trụ cột phát triển đã được xác lập từ rất sớm. Không dừng ở khâu quản trị nội bộ, Đạm Cà Mau đã tạo nên hệ sinh thái công nghệ ứng dụng sâu vào sản xuất, tiếp thị và hỗ trợ nông dân. Ứng dụng “2Nông” – thư viện nông nghiệp kỹ thuật số cung cấp thông tin canh tác, dự báo thời tiết, giá cả thị trường, công thức phối trộn NPK và đặc biệt là tính năng chẩn đoán sâu bệnh bằng công nghệ AI, đã trở thành “trợ lý kỹ thuật” quen thuộc của hàng chục nghìn nông dân trên cả nước.

Tiếp nối thành công đó, dự án “Anh Hai Cà Mau” – trợ lý ảo đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam mang lại trải nghiệm tương tác mới mẻ và hiện đại trong việc tư vấn sản phẩm, giải đáp kỹ thuật, hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Đồng thời, việc triển khai đồng bộ các hệ thống như DMS, CRM, E-office, ERP và HRM đã giúp PVCFC chuẩn hóa quy trình vận hành, nâng cao hiệu quả điều hành và đồng bộ dữ liệu trên toàn hệ thống, điều hiếm thấy ở một doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp truyền thống.

Sở hữu ba nhà máy với tổng công suất gần 1,5 triệu tấn/năm, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước và sản phẩm hiện diện tại gần 20 quốc gia, Đạm Cà Mau đang từng bước vươn mình trở thành tập đoàn nông nghiệp tích hợp, tiên phong về công nghệ và định hướng phát triển bền vững.

Với sự kết hợp giữa tư duy chiến lược, đầu tư bài bản và tinh thần cải tiến liên tục, Đạm Cà Mau không chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp chủ lực cung cấp phân bón cho nền nông nghiệp trong nước, mà còn từng bước xác lập vị thế dẫn đầu khu vực trong kỷ nguyên nông nghiệp số.

Đạm Cà Mau (PVCFC): Bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xanh - số hóa - bền vững

Văn hóa - Thể thao

Thực hiện: Hồng Minh

Hồng Minh

tudonghoangaynay.vn