Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) ghi nhận lãi sau thuế cao kỷ lục gần 125 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE đầu năm 2022. Hai mảng đóng góp chính là doanh thu các trạm thu phí BOT gần 486 tỷ đồng và hoạt động thi công xây lắp hơn 302 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 58%.
Cộng với kết quả quý đầu năm, doanh thu thuần 6 tháng của "ông lớn" thi công hạ tầng đạt gần 1.504 tỷ đồng, tăng 31% và lãi sau thuế gần 239 tỷ đồng, tăng 24% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả này, Đèo Cả thực hiện được 60% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản tại HHV đạt hơn 38.027 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 4% với mức 1.360 tỷ đồng; Tài sản dài hạn chiếm tới 96% đạt gần 36.667 tỷ đồng.
Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại HHV lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm đến 74%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 26%.
Trong đó, tổng nợ vay tại Đèo Cả đạt hơn 19.970 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn gần 19.050 tỷ đồng; còn vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn chỉ ở mức 920 tỷ đồng.
Có thể thấy, tính đến 30/6/2024, nợ ngắn hạn phải trả (3.043 tỷ đồng) cao hơn tài sản ngắn hạn (1.360 tỷ đồng) đến hơn 1.682 tỷ đồng.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, HHV có chi phí lãi vay (chiếm 98% chi phí tài chính) gần 404 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, tính đến 30/6/2024, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (HoSE: CTG) là chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 tại HHV. |
Cụ thể, HHV có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với số tiền hơn 685 tỷ đồng tại Vietinbank – CN Hà Nội và hơn 139 tỷ đồng tại Vietinbank – CN Đà Nẵng. Đèo Cả còn có khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn: Trên 1 năm đến 5 năm với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng tại Vietinbank – CN Đà Nẵng và trên 5 năm với số tiền hơn 18.134 tỷ đồng tại Vietinbank – CN Hà Nội.
Như vậy, tính đến tính đến ngày 30/6/2024, Đèo Cả đang có khoản vay nợ tài chính tại Vietinbank là hơn 18.900 tỷ đồng. Ngoài Vietinbank, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng là chủ nợ lớn tiếp theo với hơn 48,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 876 tỷ đồng nợ vay dài hạn trên 5 năm.
Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo HHV cho biết, đối với hoạt động đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, HHV cùng Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, đưa vào vận hành vào cuối tháng 4.
Hai dự án ở phía Bắc là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) và cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 25.300 tỷ đồng đã được khởi công.
Về hoạt động thi công xây lắp, tại dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị – Chi Lăng giá trị xây lắp dự kiến của HHV khoảng 5.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HHV đang tiếp tục đẩy mạnh thi công cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Đường ven biển Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng…
Đối với hoạt động quản lý vận hành, hiện công ty đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho gần 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước.
Trong thời gian tới, HHV dự kiến quản lý vận hành thêm hàng trăm km đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
Hiện tại, HHV có các dự án BOT trong giai đoạn thu phí hoàn vốn đầu tư như hầm Đèo Cả – Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà…. Công ty cho biết các dự án này đều cho doanh ổn định và tăng trưởng hàng năm.