Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 11 tháng năm 2024 đạt 200.109 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng, tăng gần 13,02%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 5,5% sau 11 tháng, đạt 132.204 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7%.
Thực tế, gần 2 năm qua, ngành bảo hiểm đối diện với nhiều thay đổi, khó khăn do cuộc khủng hoảng niềm tin. Do đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đi xuống. Trong khi đó, mảng kinh doanh tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng về cả quy mô và lợi nhuận.
Cấu phần của các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được chia thành các nhóm gồm: tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu và đầu tư khác (bao gồm đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư chứng chỉ quỹ, ủy thác đầu tư, dự phòng đầu tư ...). Trong đó, trái phiếu là nhóm tài sản được các doanh nghiệp đổ tiền vào nhiều nhất, chủ yếu nằm trong đầu tư tài chính dài hạn.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, trong 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có xu hướng đẩy mạnh chuyển dịch tiền gửi kỳ hạn dài sang kỳ hạn ngắn và đầu tư trái phiếu giảm dần.
Đơn cử tại Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BHI), tính đến 30/9/2024, các khoản đầu tư tài chính hơn 2.811 tỷ đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tiền gửi ngắn hạn cao gấp 2,5 lần so với đầu năm, từ 775 tỷ đồng lên hơn 1.944 tỷ đồng. Còn tiền gửi dài hạn chỉ tăng 24% lên gần 809 tỷ đồng và trái phiếu cũng tăng 24% lên gần 809 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính Hợp nhất quý III/2024 tại BHI. |
Tính đến 30/9/2024, “ông lớn” ngành bảo hiểm - CTCP PVI (PVI) cũng tăng thêm 1.457 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn, tỷ lệ tăng tương ứng 26% so với đầu năm, lên hơn 7.161 tỷ đồng. Trái lại, PVI giảm hơn 890 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn ngắn, tương đương giảm 62%, xuống còn 535 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn dài cũng tăng 22% so với đầu năm, song chỉ ghi nhận hơn 3.376 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mã: AIC) cũng ghi nhận khoản đầu tư tài chính hơn 2.510 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn đạt 2.510 tỷ đồng, tăng tới 93% so với đầu năm. Chiều ngược lại, khoản đầu tư tài chính vào tiền gửi và trái phiếu có kỳ hạn dài đều không có.
Báo cáo tài chính quý III/2024 tại AIC. |
Báo cáo tài chính quý III/2024 tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã: BLI) cũng cho thấy, khoản đầu tư tài chính tính đến 30/9/2024 đạt gần 1.274 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn đạt gần 1.220 tỷ đồng, tăng 73% so với đầu năm. Ngược lại, tiền gửi kỳ hạn dài tại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này lại giảm 97% so với đầu năm, từ 182 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng.
Khoản đầu tư tài chính tính đến 30/9/2024 tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG) đạt hơn 4.029 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi kỳ hạn ngắn đạt 2.706 tỷ đồng, ngược lại, tiền gửi kỳ hạn dài chỉ vỏn vẹn 320 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trái phiếu kỳ hạn ngắn cũng giảm từ 169 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 20 tỷ đồng và không có khoản đầu tư trái phiếu dài hạn.
Báo cáo tài chính quý III/2024 tại MIG |
Trường hợp tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã: PGI), có hơn 4.027 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó tiền gửi có kỳ hạn đạt hơn 3.993 tỷ đồng, không ghi nhận trái phiếu; Các khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 543 tỷ đồng, trong đó không ghi nhận khoản tiền gửi kỳ hạn dài.
Có thể thấy, dù gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn được hưởng lãi suất thấp hơn gửi kỳ hạn dài, song nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lại có xu hướng chuyển dịch tiền gửi từ kỳ hạn dài sang ngắn.