e magazine
[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ

TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, trong bài viết được công bố mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt ra vấn đề về việc cần thiết phải có một phương thức sản xuất mới, đó là phương thức sản xuất số. Đây là điều mà trước đây chưa được đề cập đến một cách rõ ràng. Sự đổi mới này không chỉ là một yêu cầu mà còn là một bước tiến quan trọng để đưa ngành khoa học công nghệ (KHCN) của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.


Tạp chí Tự động hoá Ngày nay đã có cuộc trao đổi cùng TS. Nguyễn Quân để có thêm những chia sẻ sâu hơn của ông về vấn đề trên.

Thưa ông, trong giai đoạn 2011-2016, ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Kể từ đó đến nay, ông đã chứng kiến đất nước trải qua gần một thập kỷ phát triển với nhiều chuyển biến sâu sắc trong ngành khoa học và công nghệ toàn cầu. Nhìn lại hành trình này, ông đánh giá thế nào về những rào cản mà ngành khoa học công nghệ nước ta vẫn đang đối mặt? Theo ông, đâu là những giải pháp quan trọng để giúp ngành khoa học công nghệ Việt Nam thực sự bứt phá trong thời gian tới?

Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã nỗ lực hết sức để tháo gỡ nhiều vấn đề tồn tại. Nhưng cản trở lớn nhất phải kể đến đó chính là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách đối với cán bộ khoa học. Ba vấn đề này đều thể hiện sự yếu kém rõ rệt.

Về cơ chế tài chính, chúng ta đang đối diện với một thực tế đáng lo ngại. Nguồn ngân sách không được phân bổ kịp thời, khiến cho các nhà khoa học phải chờ đợi từ 1 đến 2 năm mới có kinh phí cho các đề tài nghiên cứu. Thủ tục thanh quyết toán quá phức tạp, trong khi quá trình đánh giá nghiệm thu lại cồng kềnh và kém hiệu quả. Điều này dẫn đến việc cơ chế đặt hàng cũng không đạt yêu cầu, khiến cho sản phẩm nghiên cứu không được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Thực tế cho thấy, ngân sách Nhà nước dành cho khoa học công nghệ năm 2023 chỉ đạt 0,82% tổng chi ngân sách, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2% được Quốc hội và Đảng đề ra. Sự thiếu hụt nguồn tài chính từ Nhà nước đã khiến cho việc huy động nguồn lực từ xã hội cũng rất hạn chế. So với các quốc gia khác, doanh nghiệp và tổ chức xã hội ở Việt Nam đầu tư cho công nghệ chỉ bằng một phần nhỏ. Chẳng hạn, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) hàng năm đã đầu tư tới 1 tỷ USD cho khoa học công nghệ, trong khi tổng chi ngân sách của cả nước ta cho KHCN chưa đạt con số đó.

Vấn đề nữa là chính sách đối với cán bộ khoa học. Hiện nay, các nhà khoa học không thể sống bằng trí tuệ của mình. Nhiều sản phẩm nghiên cứu không thể đưa ra thị trường vì Nhà nước giữ quyền sở hữu và chưa có cơ chế giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho nhà khoa học. Khi một nghiên cứu thành công, nếu các nhà khoa học muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, họ lại gặp phải rào cản pháp lý. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà khoa học phải chuyển giao công nghệ "chui", ký kết các hợp đồng kinh tế mà không được pháp luật bảo vệ. Doanh nghiệp không có trách nhiệm và căn cứ pháp lý chi trả cho các kết quả nghiên cứu và điều này làm giảm động lực cho các nhà khoa học.

Một thực trạng đáng buồn nữa là chính sách đãi ngộ cho những cán bộ khoa học đầu ngành. Những người này, hay còn gọi là tổng công trình sư, không nhận được chế độ đãi ngộ tương xứng. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, họ được coi trọng và ưu đãi, được giao lãnh đạo các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ trì các đề tài cấp nhà nước, được tự chủ nghiên cứu, hợp tác quốc tế, và quyền tự chủ tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu động lực và sự cống hiến từ những nhà khoa học tài năng.

[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào dịp Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2024 và ngày 16/9/2024 đã có hai bài viết quan trọng đề cập đến những thay đổi cần thiết để thúc đẩy sự phát triển xã hội, hướng tới một nền dân chủ văn minh và hiện đại hơn. Dưới góc nhìn của một nhà quản lý về KHCN, ông suy nghĩ như thế nào về những thông điệp mang tính định hướng cũng như nhiệm vụ cụ thể mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra?

Thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ tầm quan trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, cùng với khái niệm về Đảng cầm quyền, bên cạnh khái niệm Đảng lãnh đạo. Điều này thể hiện sự cần thiết phải điều chỉnh các quan điểm truyền thống để phù hợp với thực tế hiện nay.

Thứ hai, bài viết đã đề cập đến một vấn đề rất ít được thảo luận trước đây: phương thức sản xuất số. Sự phát triển của công nghệ số và cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi một cách căn bản những khái niệm về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trước đây, lực lượng sản xuất được coi là sự kết hợp giữa tư liệu sản xuất và sức sản xuất, với tư liệu sản xuất chủ yếu là những tài sản hữu hình như nhà máy, hầm mỏ và đất đai. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, dữ liệu số và nền tảng công nghệ số đã trở thành tư liệu sản xuất chủ yếu. Lực lượng sản xuất hiện nay không chỉ đơn thuần là con người mà là đội ngũ lao động có trình độ công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần làm thay đổi toàn bộ cấu trúc sức sản xuất trong lực lượng sản xuất mới.

Điều này dẫn đến một thực tế rằng năng suất lao động của những người làm trong lĩnh vực công nghệ số có thể cao gấp nhiều lần so với những người lao động tay chân. Do đó, cơ cấu nhân lực trong thời đại số hoàn toàn khác biệt so với những năm 60, khi nền sản xuất của chúng ta còn ở trình độ thấp, chủ yếu là lao động thủ công.

Quan hệ sản xuất cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói rất rõ ràng về vấn đề này.

Yếu tố thứ nhất, chế độ sở hữu đã có sự thay đổi căn bản. Trước đây, mọi tư liệu sản xuất đều thuộc sở hữu công, nhưng giờ đây, sự chuyển mình về sở hữu tư nhân đã diễn ra mạnh mẽ. Doanh nghiệp đa sở hữu, hiện tại không chỉ sở hữu nhà máy, hầm mỏ,... mà còn cả dữ liệu và nền tảng công nghệ. Sự phát triển này cho thấy, chế độ sở hữu không còn giới hạn trong hình thức công hữu mà đã mở rộng sang sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.

Yếu tố thứ hai của quan hệ sản xuất đã thay đổi, đó là hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình cũ, dựa trên kế hoạch hóa tập trung đã không còn phù hợp. Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang một hệ thống sản xuất dựa trên quy luật cung cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh của thị trường.

Yếu tố thứ ba liên quan đến phân phối sản phẩm xã hội cũng đã trải qua một cuộc cách mạng về tư duy. Trước đây, nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” được xem như một tiêu chí công bằng. Nhưng trong xã hội hiện đại, chúng ta thấy rằng những người lao động trí tuệ có thể tạo ra giá trị gấp nhiều lần so với lao động thủ công đơn giản. Vì vậy, việc đánh giá và phân phối thu nhập theo lao động cũng cần phải thay đổi. Tiền lương của những nhà nghiên cứu khoa học, những người sáng tạo công nghệ phải tương xứng với giá trị mà họ mang lại cho xã hội.

[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ

Như vậy ba yếu tố của quan hệ sản xuất: phân phối, sở hữu và tổ chức đã hoàn toàn thay đổi. Cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cần phải tương thích với nhau. Sự phát triển của lực lượng sản xuất không chỉ thúc đẩy mà còn thay đổi quan hệ sản xuất. Nếu quan hệ sản xuất không kịp thời điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ kìm hãm sự phát triển đó.

Trên cơ sở này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt ra vấn đề về việc cần thiết phải phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất để hình thành một phương thức sản xuất mới, đó là phương thức sản xuất số, điều mà trước đây chưa được đề cập đến một cách rõ ràng. Sự đổi mới này không chỉ là một yêu cầu mà còn là một bước tiến quan trọng để đưa nền khoa học công nghệ của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ
Trong suốt 30 năm hoạt động, Hội Tự động hoá Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình Hội thảo, Triển lãm kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Đánh giá của ông về cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay ra sao, thưa ông?

Tôi tin rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tự chủ hơn trong hoạt động của mình. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, không chỉ tập trung vào khu vực công như trước đây.

Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự có nhiều kỳ lân công nghệ. Nhìn lại, chúng ta chỉ thấy một số tên tuổi lớn như FPT, CMC, hay PHENIKAA, nhưng thực tế họ vẫn phải hoạt động đa ngành để tồn tại. Điều này khiến cho họ không thể tập trung hoàn toàn vào phát triển công nghệ.

Trong khi đó, ở các quốc gia khác, như Microsoft hay Google, họ hoàn toàn tập trung vào công nghệ. Điều này cho thấy rằng, để phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời cần có một môi trường pháp lý và chính sách hỗ trợ tốt hơn từ Nhà nước.

Có thể nói, những thay đổi trong cách nhìn nhận về khoa học công nghệ và các chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để không bỏ lỡ những cơ hội quý giá trong kỷ nguyên công nghệ số.

[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ
VAA ký kết hợp tác tại Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về Điều khiển và Tự động hoá.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, xin ông cho biết thời gian tới Hội sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực tự động hóa nói riêng và ngành khoa học công nghệ nói chung?

Hội Tự động hóa Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực tự động hóa nói riêng và khoa học công nghệ nói chung, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Với gần 30 năm hoạt động, Hội đã trở thành một tổ chức tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tự động hóa không chỉ tích hợp các công nghệ như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, cơ khí chính xác, robot, và điện tử mà còn đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi số, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hội viên, không chỉ tại Trung ương mà còn thiết lập các chi hội tại các địa phương, cũng như chi hội chuyên ngành như các chi hội doanh nghiệp tự động hóa, đào tạo, logistics và truyền thông. Mục tiêu là tạo nên sự kết nối đồng bộ từ trung ương đến địa phương, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế về Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa - một sự kiện lớn tổ chức hai năm một lần, quy tụ các nhà khoa học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần vào việc đưa công nghệ tự động hóa đến gần hơn với các doanh nghiệp Việt Nam...

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiện toàn Tạp chí Tự động hoá Ngày nay. Vừa rồi Hội Tự động hoá Việt Nam đã được Bộ TT & TT cấp giấy phép hoạt động mới cho Tạp chí Tự động hoá Ngày nay, trong đó ngoài ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử có nhiệm vụ truyền thông phổ biến kiến thức, thúc đẩy thị trường KHCN thì Hội còn được phép xuất bản tạp chí học thuật với tên gọi Tạp chí Đo lường, Điều khiển và Tự động hoá. Tạp chí Đo lường, Điều khiển và Tự động hoá trước là Chuyên san Đo lường, Điều khiển và Tự động hoá, đã được Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử và Tự động hoá đánh giá đến 1 điểm cho các công trình được công bố. Đến nay Tạp chí cũng đã được Cục Thông tin và KHCN Quốc gia cấp chỉ số ISSN riêng (ISSN 3030-4555). Cơ quan Tạp chí Tự động hoá Ngày nay đã thành lập Hội đồng biên tập riêng cho Kỳ tạp chí học thuật này và chúng tôi đang triển khai các bước tiếp theo để nâng cao hơn nữa chất lượng và uy tín của Tạp chí tại Việt Nam và trên trường quốc tế, góp phần phát triển ngành KHCN Việt Nam.

Với những nỗ lực này, tôi tin rằng Hội Tự động hóa Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành khoa học và công nghệ, cũng như sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

[E-Magazine] Phương thức sản xuất số - thay đổi cách nhìn về khoa học công nghệ

Trân trọng cảm ơn ông!


LÊ MINH LOAN