e magazine

KÝ SỰ Ở THIÊN ĐƯỜNG CHIM HOANG DÃ

Trong danh sách vài loài chim mà những điệu hồn bị thiên nhiên mê dụ kia tốn mồ hôi, công sức, tiền bạc để tìm kiếm nhất, chắc chắn không bao giờ thiếu: Chim Thiên đường (Birds Of Paradise). Việt Nam ta có chim thiên đường màu trắng tinh khôi kỳ diệu và thiên đường màu nâu xám đáng yêu lắm lắm, nhưng thật ra chúng lại thuộc họ chim Đớp ruồi. Còn chim thiên đường theo đúng nghĩa Birds Of Paradise; cả thế giới có khoảng 45 loài, thì riêng vùng Papua rộng lớn trùm lên lãnh thổ hai quốc gia Indonesia và Nhà nước Độc lập Papua New Guinea đã độc chiếm… khoảng 86%, với 39 loài. Tức là, có thể nói khác đi: “thủ phủ của mọi thủ phủ” chim thiên đường đều là loài đặc hữu của xứ Papua. Đặc hữu ở đây, nghĩa là chỉ Papua mới có, không ghi nhận các loài chim thiên đường trên, trong trạng thái tự nhiên, ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

CÁC "TOÀ THIÊN NHIÊN" ĐẸP MỘT CÁCH SIÊU THỰC

Với chi phí ngót trăm triệu đồng/người cho một hành trình “tiết kiệm nhất có thể”, nhóm 6 người chúng tôi đã cùng nhau trải qua 10 chuyến bay (cả đi lẫn về) để có thể diện kiến và chụp… một vài loài chim thiên đường. Bởi vùng Papua và đất nước Indonesia hơn 14 nghìn hòn đảo (đất nước vạn đảo) quá rộng lớn; nhiều hòn đảo và quần đảo đến nay vẫn hoang vu rồi được mệnh danh là “nơi tận cùng thế giới”. Chúng tôi đã đi theo các thổ dân chân trần, da nâu đen có gì đó gợi nhớ tới các tộc người châu Phi (vì họ đều ở vùng cận Xích đạo cả), miệng ăn trầu bỏm bẻm, vác dao chặt cây rừng bắc ngang các dòng suối hung dữ gào thét làm cầu vượt mưa lũ, họ dựng lều tạm qua đêm trên đỉnh núi ở vùng Papua. Papua trùm lên lãnh thổ hai quốc gia, gồm các cánh rừng mưa nhiệt đới rộng thứ 3 thế giới (chỉ bé hơn có rừng Congo ở châu Phi và rừng Amazone ở Nam Mỹ), với hơn 200 nghìn loài động thực vật khác nhau…

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Quả thật, đây là chuyến tìm chim vất vả và tốn kém nhất mà các “cao thủ chụp ảnh chim hoang dã” trong nhóm chúng tôi từng trải qua. Hành trình của tôi từ Hà Nội, trải qua 10 chuyến bay: Hà Nội - TP HCM - Jakarta (Thủ đô của Cộng hoà Indonesia) - Makassar - Sorong - Manokwari (và ngược lại). Từ sân bay quốc tế hoành tráng như Jakarta đến những sân bay nhỏ đến mức tôi không thể hình dung nó lại nhỏ và giản dị đến thế. Cứ như đang đi lạc hay hạ cánh nhầm vào một thung lũng hoang vu có vài cái lều canh nương vậy.

Cuối cùng tới vùng đảo nhỏ xa tít Manokwari, hai chiếc xe bán thải không điều hoà trờ đến. Các bộ phận như tay nắm cửa, da bọc ghế, dây an toàn, các đai vít ở thùng và nóc, cái nào cũng rụng rời lủng liểng... Các thổ dân da nâu đen, miệng đỏ loe loét nhai trầu, trên người đeo đầy các sợi dây và cơ man nào là các lá bùa chú lơ phơ. Các chàng lực lưỡng tóc xù bồng tơ tướp vào tận băng chuyền hành lý đón khách. Sân bay như một cái bến xe khách thời bao cấp ở ta.

Bên cạnh tiền đi lại, ăn ở đắt đỏ, đường trời đường biển đường núi xa xôi, thì cái khó nhất trong hành trình chim thiên đường ở Papua là… leo núi. Tự cơ bắp bạn phải gặn chắt từng giọt mồ hôi, tiết kiệm từng hơi thở ngắn, dốc cạn mình mà leo thôi. Không ai leo trèo thay hay kiệu cõng bạn đi được.

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Tất nhiên, các chú chim “độc bản”, đẹp một cách siêu thực và kỳ lạ, rất đáng để người ta “thất điên bát đảo” đi tìm.

Có khi, chú chim thiên đường trống vắt vẻo hai cọng lông óng ánh xanh như phát sáng lân tinh tạo thành hình số 8 cân đối ở phần đuôi. Có chú chim mỏ cong vút, lông óng ánh trộn màu giữa xanh dương và tím than ảo diệu, tiếng hắn gọi bạn tình quặc như súng trường, súng bắn tỉa (nên người bản địa còn nôm na gọi là “chim súng trường”). Rồi điệu múa của chúng trên đỉnh ngọn cây đẹp đến kỳ dị và phiêu lãng, lông đuôi vàng ruộm, mượt mà, dài thõng, lọn khum như cái phất trần ma mị. Chú ta ôm cột (cây gỗ khô giữa rừng), múa cột, trườn bò từ gốc đến ngọn cái cọc gỗ trong khi đang múa, có khi chú còn xoay mình trên cọc nhọn mà chao liệng đôi cánh đang xoè ra cụp vào như nan quạt. Dựng bờm. Loe “mào” thành tán lọng tròn phấp phới. Dửng các túm lông như giương oai diễu võ.

Đến mức người ta không thể hình dung nổi là một loài chim nhỏ, mắt đỏ đọc, lưng màu xanh dương trộn lẫn tím than lung linh; mà đuôi chúng lại phải to đoành, dài gần một mét như thế để làm gì. Bay lượn, kiếm ăn, đánh nhau mà cứ lệnh khệnh thế thì bất tiện lắm. Rồi: ai làm ra vẻ đẹp mỹ miều, quý tộc, oai vệ trên mức cần thiết ấy? Ai “dạy dỗ” mà chúng có thể múa tưng bừng điên đảo như những vũ công siêu đẳng thế “trên cọc nhọn trăm năm”?

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Chỉ có tiếng gọi của tình yêu đắm đuối, chỉ có sự ưu ái khó hiểu của tạo hoá mới có thể sinh ra cho loài chim thiên đường một điệu múa gọi bạn tình “kinh thiên động địa” thế. Chú chim bành đôi cánh ra như con rắn hổ mang khổng lồ, các tán lọng lông vũ mướt mát cùng xoè cụp như múa quạt, chúng đan vào nhau tạo ra đủ kiểu dáng biến ảo. Có loài thiên đường, lông ở cổ chúng bành ra thành hình tròn xoe, xanh biếc, vàng nõn như một miếng sáp ong tinh khôi. Có khi chúng dựng bờm lên, dửng cánh ra, như một võ sỹ giác đấu đang phô trương thanh thế, đe doạ kẻ thù. Có khi, mấy cọng lông dài ở đỉnh đầu cứ óng ánh như khảm sà cừ, khảm trai ngọc, ở đầu các cọng lông dài hơn chục xăng ti mét có lọng tròn thuôn như hình chiếc lá mít màu mè. Các tán lông lất lưởng, vắt vẻo, cứ thế đan nhau, dướn cao cụp thấp, xoay vần trong vũ điệu vừa bài bản vừa ngẫu hứng phiêu bồng. Có một điệu múa riêng, chỉ dành cho các cọng lông màu sắc quyến rũ ở đỉnh đầu con chim trống.

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong hành trình "mục sở thị" chim thiên đường ở Papua.

Hẳn rồi, khán giả của các bạn ấy là cả một đàn chim mái. Chim Thiên đường chắc chắn là một trong những loài chim đẹp và lạ nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng vẻ đẹp chỉ cơ bản nằm ở các chú chim trống. Còn chim mái, hầu như nàng nào cũng siêu giản dị, từ hình dáng, tới mùa lông, tới phong cách. Và chẳng có vũ điệu hay giọng hát nào cả. Nàng chắc là chỉ có thiên chức làm vợ và sinh nở, thiên chức đó là “bậc thầy” của mọi thiên chức rồi, khỏi cần trang hoàng khoe mẽ làm gì nữa.

Còn chim trống, để được “chọn mặt gửi vàng”, để được “yêu đương” và sinh hạ con cái đông đàn dài lũ, thì chúng phải thể hiện mình. Tiếng hót phải hay. Điệu múa phải đẹp. Sức mạnh và sự hào hoa, sự tài giỏi cần phải được phô trương ra như đã mô tả ở trên.

BỎ RA NHIỀU TRIỆU USD ĐỂ CHỤP ẢNH CHIM THIÊN ĐƯỜNG

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Chúng tôi đi bộ ngày nọ qua ngày kia. Tối dựng lều ngủ, chia nhau một hai chai nước suối mà uống rồi… vệ sinh thân thể. Đẵn cây, bẻ lá dựng lều lán trú ngụ qua đêm. Ngày đi ròng rã, gặp mưa lũ cuộn xiết sầm sập như núi lở thì đốn gỗ rừng làm cầu, khiêng các cây gỗ mục gia cố, cắm cọc và chăng dây dìu nhau qua cơn nguy biến. Có khi, nửa đêm đã phải người ngựa ngậm tăm lên đường, ngã như đập mẹt, áo quần bê bết bùn và lá mục của rừng già tuyệt đối nguyên sinh. Để làm sao từ khi trời còn thăm thẳm tối phải dựng xong lều ở khu vực chim thiên đường trống thi thoảng ghé qua dõng dạc hót, ù xoẹ múa. Tưng bừng và quyết liệt… gọi các bạn chim mái.

Nếu tang tảng sáng mà bạn ấy tới, thấy ai cụ cựa hay thấy gì bất an là sẽ bỏ đi luôn, thế thì công cốc mấy ngày leo núi - tiền thuê bird guide (hướng dẫn viên tìm chim) với mướn tráng đinh khuân vác đồ leo núi tính bằng… trăm đô mỗi người - coi như đổ xuống sông xuống biển. Chúng tôi nín thở. Chim trống kêu kinh động cả một cánh rừng mưa nhiệt đới, nó báo trước sự thống trị kiêu hãnh của mình. Nó xua đuổi đối thủ trống và rung chuông khêu gợi các bạn chim mái chuẩn bị cho một khúc hoan tình nào đó. Nó đến từ 4 giờ sáng, khi trời còn tối tới mức, mắt thường không nhìn thấy tán rừng.

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Nếu cần quảng bá cho các hãng máy ảnh lớn, với công nghệ “khủng” nhất thế giới của họ, thì ở các lều phủ lá cây giữa rừng hoang như thế kia của chúng tôi là lý tưởng nhất đấy. Các “chiến binh rừng già” đến từ Việt Nam, từ Mỹ, Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… và nhiều quốc gia, thường xuyên mặc đồ nguỵ trang, kiên cường lê lết vượt đường dốc trơn. Có khi chân đi, tay bò, ba lô to đoành, máy móc đắt đỏ cồng kềnh, gậy chống phập xuống bùn làm cái “chân” tiếp nữa để tấm thân khỏi bị trôi theo mép vực. Họ gương máy ảnh tính bằng vài trăm triệu đồng đổ lên, cứ thế du dương bấm. Có tiếng cò máy ảnh “nổ” lanh lảnh phiền phức, có tiếng cò êm ru mê đắm như bạn ngủ mơ lịm đi khi mới chớm bị bóng đè.

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Trong cơn say tình, chú thiên đường trống chả để ý, chả thèm chấp, chụp thoải mái.

Chúng tôi vẫn thấy vài cái dấu tích của lều lán, thậm chí lều treo trên đỉnh ngọn cây để tiếp cận chim thiên đường “yêu đương” (có loài làm việc đó dưới đất, có loài tán tỉnh nhau trên đỉnh trời, có loài con mái dụ dỗ con trống ở tán cây cao ngang ngực người trưởng thành) của đoàn làm phim và chụp ảnh chim thiên đường “đỉnh” nhất thế giới: Tim Laman và cộng sự! Ông là Nhiếp ảnh gia Bảo tồn nổi tiếng của Mỹ. Nhiều triệu đô la Mỹ đầu tư, Tim Laman và ê kíp thậm chí phải bỏ khoảng 8 năm để chụp ảnh, quay video gần như đủ 39 loài chim thiên đường của vùng Papua (nay thuộc cả hai quốc gia Indonesia và Papua New Guinea). Thế giới có khoảng 45 loài chim thiên đường, riêng ở Papua sở hữu riêng tới 39 loài (bằng 86%!), và các nhiếp ảnh gia bảo tồn kia chụp gần như hết trọn!

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Họ thửa (đặt riêng) cả các cỗ máy, các ống kính siêu hiện đại của các hãng máy ảnh hàng đầu thế giới (toàn hàng không bán trên thị trường) để tác nghiệp. Máy móc “hàng khủng” trị giá nhiều tỷ đồng/chiếc. Biết khu vực chim thiên đường hay múa, họ còn thuê người làm lều trên cây cao, sử dụng nghệ thuật khâu lá “nguỵ trang” trên tán rừng cao của thổ dân (khâu nhẹ, khâu khéo, lá không bị gãy hay rụng và sẽ tươi trong vài tháng để ngồi phục kích, chứ không hề bị héo như đẵn cây cắt lá làm lều. Nếu lá bị héo là bất thường, chim sẽ đề cao cảnh giác hoặc bỏ đi). Họ lắp cả các giàn đèn bí mật trong rừng, có chiết áp điều khiển lượng sáng tăng dần một cách tinh tế, để chụp được chim thiên đường đang múa. Họ tăng sáng nhẹ, có chú chim chắc là cũng âm thầm lén thắc mắc: sao trời lâu tối thế, sao trời sáng hơi sớm hơn so với mọi ngày. Nhưng rồi, trong cơn hứng tình không thể kìm hoãn, chúng vẫn múa trên một sân khấu với ánh sáng nhân tạo mà chúng không hề biết.

Ký sự ở thiên đường chim hoang dã

Từ đó, có thêm các bức ảnh trác tuyệt ra đời, làm điên đảo những người yêu thiên nhiên trên toàn thế giới.

Sau này, sách về chim thiên đường của Tim Laman và cộng sự đã được xuất bản. Nhiều người dẫn đường của chúng tôi “treo” cuốn sách tuyệt đẹp đó ở giữa nhà, với hình ảnh họ hoặc tên họ trong mục “Cảm ơn”, như một niềm tự hào không giấu diếm. Cuốn sách như một tấm “thẻ hành nghề” hái ra tiền cho các thổ dân sở tại. Thậm chí, ảnh của Tim Laman còn được Chính phủ hai quốc gia Indonesia - Papua New Guinea – nơi sở hữu “độc quyền” các loài chim thiên đường kể trên ở trạng thái tự nhiên - in khổ rộng, đem ra làm biểu tượng trong vận động bảo vệ môi trường.

Kỉ niệm với các thổ dân, các cộng đồng hoang sơ và hồn hậu giữa rừng già, thật nhân văn và có sức truyền cảm hứng lớn. Họ kiêu hãnh với rừng và muông thú ở nơi họ sinh ra, chúng tôi kiêu hãnh vì đã vượt đủ 10 chuyến bay, băng qua rừng biển để được sống những ngày khác biệt - “phá vỡ nhiều khuôn khổ” và nhiều biên giới an toàn - cùng với họ. Tôi đã đã nắm tay, đã ôm chặt lấy họ lúc chia xa, không dám hẹn ngày gặp lại vì “nơi tận cùng thế giới” quá xa xôi. Nhưng mà, lạc quan đi, hữu duyên, hữu tình, thì kiểu gì trời là Trời sẽ cho sẽ tái ngộ...

Xe - Công nghệ

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

tudonghoangaynay.vn