e magazine
Làm sao để doanh nghiệp và nhà trường không phải tự “đốt đuốc” tìm nhau?

Trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Tự động hoá Ngày nay, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN) đã chia sẻ về những thách thức và rào cản trong việc kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam về hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ.

Nhân vật - Phỏng vấn

NHU CẦU "VỊ KHOA HỌC" HAY "VỊ NHÂN SINH"?

- Thưa PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, ông nhận định thế nào về việc hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

- Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ là xu thế tất yếu bởi xuất phát từ nhu cầu thực tế, mang lại giá trị cho tất cả các bên. Chính vì vậy, trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã luôn xác định việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đưa kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhưng đáng tiếc mối quan hệ hợp tác này vẫn còn lỏng lẻo, thiếu ổn định mặc dù nhiều trường coi chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm các nhà khoa học, tích cực hợp tác với nhà trường để tiếp nhận các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

-Vậy theo ông, nguyên nhân chính khiến việc hợp tác gặp trở ngại là gì?

- Mặc dù có nhu cầu lớn và có ý nghĩa quan trọng nhưng việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vẫn còn hạn chế bởi một số nguyên nhân chính sau:

Trước hết, giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn tồn tại khoảng cách và cần có giải pháp tổng thể để rút ngắn lại. Nhiều đề tài/dự án hiện nay mang tính chất nghiên cứu cơ bản, xuất phát từ nhu cầu “vị khoa học” chứ chưa phải “vị nhân sinh”, chưa gắn với thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội nên cần có thêm các công đoạn nghiên cứu tiếp theo và sản xuất thử nghiệm thì mới có thể chuyển giao, thương mại hoá để ứng dụng trong thực tiễn được. Điều quan trọng nhất là sản phẩm phải có tính thị trường và các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ để đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường.

Thứ hai, niềm tin và sự cam kết về tiến độ thực hiện, chất lượng sản phẩm giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa được xây dựng vững chắc. Các trường đại học thường gặp khó khăn về nguồn tài chính đối ứng, đầu tư trang thiết bị và cơ sở chật chất, lực lượng nhân sự hỗ trợ còn hạn chế. Doanh nghiệp thì đòi hỏi kết quả nhanh, đúng tiến độ thời gian và đảm bảo chất lượng mà đôi khi các trường không đáp ứng được. Chính vì vậy, một bộ phận doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp lớn thường phải chọn các đối tác quốc tế để hợp tác triển khai thay vì hợp tác với các trường/viện trong nước.

Những chính sách về sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp KHCN, chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KHCN của ĐHQGHN đã giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học, tạo môi trường thuận lợi để nghiên cứu và phát triển, chuyển giao và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học theo đặt hàng.

Thứ ba, mặc dù hệ thống luật pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức là tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn chồng chéo và có một số điểm nghẽn cần được khơi thông để thu hút đầu tư tư nhân cho khoa học công nghệ. Chúng ta đang thiếu một văn phòng (cơ quan) điều phối hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học ở tầm quốc gia thay vì để các doanh nghiệp và nhà trường phải tự “đốt đuốc” đi tìm nhau khi có nhu cầu. Đây là nơi tiếp nhận các đầu bài, nhu cầu của các doanh nghiệp sau đó đặt hàng lại các trường đại học, viện nghiên cứu; nếu vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhu cầu cao thì có thể kiến nghị nhà nước đầu tư theo kiểu vốn mồi. Khi đó, vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước được phát huy cao độ.

Cuối cùng, hiện nay các trường đại học, viện nghiên cứu đã thành lập các bộ phận để phụ trách việc kết nối doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cơ chế chính sách để các đơn vị này phát huy vai trò là một tổ chức trung gian và hoạt động một cách hiệu quả thì còn nhiều khó khăn. Một số trường chỉ tập trung vào một số kênh chuyển giao tri thức truyền thống mà chưa tận dụng hết các ưu thế của chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Khi nghiên cứu khoa học gặp rào cản trên con đường thương mại hóa

CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT ĐỂ KHƠI THÔNG, GỠ KHÓ

- Ông có thể nói rõ hơn về những rào cản pháp lý mà các nhà khoa học đang gặp phải khi đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường?

- Mặc dù Luật Khoa học Công nghệ đã được ban hành 10 năm, cùng với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn tương đối đầy đủ nhưng việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ, thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước hết, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế thì việc thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân là rất quan trọng nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ nên việc này trong thực tế đang còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, một số quy định của Luật cần phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn như quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP) của nhà trường đối với các IP được tạo ra từ nguồn tài chính công và quyền tự do hoạt động trong việc thương mại hóa các IP; việc định giá tài sản trí tuệ và quy trình thủ tục chuyển giao và thương mại hoá còn phức tạp.

Thứ ba, cơ chế phân chia lợi ích và ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan (nhà trường, nhà khoa học, nhà đầu tư, tổ chức trung gian ...) vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học là viên chức thì không được tham gia điều hành doanh nghiệp spin-off/ start-up nên đã hạn chế vai trò và động lực của họ đối với hầu hết các loại hình chuyển giao tri thức, thương mại hóa.

Một số quy định của Luật cần phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn như quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP) của nhà trường đối với các IP được tạo ra từ nguồn tài chính công và quyền tự do hoạt động trong việc thương mại hóa các IP
Khi nghiên cứu khoa học gặp rào cản trên con đường thương mại hóa
Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, đóng vai trò đầu mối để kết nối hợp tác với doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.

- ĐHQGHN đã có cơ chế đặc biệt nào để tăng cường hợp tác doanh nghiệp - nhà trường, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, thưa ông?

-ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam, có vai trò nòng cốt dẫn dắt trong nền giáo dục đại học Việt Nam. Vì thế ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách đặc biệt để khơi thông, tháo gỡ các khó khăn nhằm tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển giao và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học.

ĐHQGHN đã hình thành và phát triển đồng bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bên trong ĐHQGHN từ VNU-Holdings, Quỹ Phát triển ĐHQGHN (VNU Foundations), Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực, CLB Cựu sinh viên, CLB Cựu sinh viên doanh nhân... cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và mạng lưới đối tác rộng khắp. Trong đó, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đóng vai trò đầu mối (HUB) để kết nối hợp tác với doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiến hành tái cơ cấu các lĩnh vực chuyên môn gắn với quy hoạch ngành, chuyên ngành; đầu tư “vun cao” cho các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng theo hướng tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn.

ĐHQGHN cũng ban hành các chính sách về sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp KHCN, chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KHCN... Những chính sách này đã giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học, tạo môi trường thuận lợi để các đơn vị, các nhà khoa học tăng cường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học theo đặt hàng. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQG Hà Nội đã được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Khi nghiên cứu khoa học gặp rào cản trên con đường thương mại hóa
ĐHQGHN đầu tư “vun cao” cho các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng theo hướng tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn.

Nhân vật - Phỏng vấn

Thực hiện: LÊ MINH LOAN

tudonghoangaynay.vn