Phở và tôi |
Thuở nhỏ, mỗi lần được về thăm quê ngoại ở làng Hoàng Mai, Hà Nội, tôi thường thấy cảnh ông ngoại tôi được ngồi riêng một mâm với cút rượu và cái đùi gà được dọn ra ngay ngắn để mình cụ xơi trước khi vào mâm cỗ. Mọi người nói đùa, gọi cái đùi gà là cái dùi chiêng của cụ. Tuy không quá phân biệt với mọi người trong gia đình nhưng đấy là một cái lệ ưu tiên đối với ông chủ gia đình, người làm công chức để nuôi cả nhà. Cái lệ ấy nó phổ biến trong nhiều gia đình công chức thời bấy giờ. Một người đi làm nuôi cả chục người và tôi tớ trong nhà nên luôn được cả nhà kính nể, trọng vọng. Khi ăn uống bao giờ cũng ngồi mâm trên và được dành phần ngon nhất. Tuy vậy, trong quản lý tiền bạc và điều hành sinh hoạt của gia đình thì bà ngoại tôi mới chính là người tay hòm chìa khóa.
Chiếc bánh chưng vuông vắn được dùng lạt cắt đều thành tám phần bằng nhau, mỗi miếng bánh là một khối hình tam giác có đủ phần gạo bao ngoài và phần đỉnh ngọn của miếng bánh là phần có chứa nhân bánh bao gồm đậu, thịt. |
Tết đến, về quê ngoại ăn cỗ, có một điều tôi thấy rất lạ là cách cắt bánh chưng bên nhà ngoại khác hẳn với lối cắt bánh ở nhà tôi. Thông thường thì chiếc bánh chưng vuông vắn được dùng lạt cắt đều thành tám phần bằng nhau, mỗi miếng bánh là một khối hình tam giác có đủ phần gạo bao ngoài và phần đỉnh ngọn của miếng bánh là phần có chứa nhân bánh bao gồm đậu, thịt. Khi gói bánh, nhân bánh bao giờ cũng ở phần trung tâm của chiếc bánh.
Chiếc bánh chưng của nhà ông ngoại tôi cũng vuông vức bình thường như mọi chiếc bánh chưng khác nhưng lạ thay, khi cắt bánh thì bà tôi lại cắt thành những ô vuông bằng nhau. Tuy vậy, miếng bánh nào cũng có đậu có thịt, miếng ở trung tâm cũng chẳng khác miếng ngoài rìa là bao. Tôi tò mò hỏi mẹ thì mới vỡ ra một chuyện lạ.
Trước đây, chiều ông ngoại tôi, bà ngoại cắt bánh kiểu hình vuông, khi cả nhà ăn bánh, ông ngoại luôn được ưu tiên ăn trước và bao giờ cụ cũng ung dung chọc đũa vào ô vuông nằm giữa bánh và xơi hết phần nhân bánh với thịt, đậu. Phần còn lại đa phần là gạo thì bà tôi nhún nhường nhận về mình và chia cho các con.
Mẹ kể năm ấy, bà ngoại đã chủ động gói một chiếc bánh đặc biệt: Phần nhân cụ rải ở xung quanh, còn ở trung tâm bánh chỉ để toàn gạo. |
Cái lệ chia bánh ấy diễn ra được vài năm. Rồi đến một cái Tết khá đặc biệt. Lần này cũng theo thông lệ, bà ngoại tôi hai tay đưa đĩa bánh mời ông xơi trước. Tất nhiên cụ vẫn chọc đũa vào ô vuông trung tâm để nhận xuất ưu tiên. Rút miếng bánh ra, lạ thay, chỉ toàn gạo mà chẳng thấy đậu, thịt đâu. Ông ngoại tôi thật ngỡ ngàng nhưng cụ vẫn bình tĩnh xơi hết miếng bánh chay không nhân mà chẳng nói lời nào. Bà ngoại liếc mắt nhìn ông tủm tỉm cười và chia đều phần bánh còn lại cho các con, và trong những ô bánh còn lại, ô nào cũng đầy đủ thịt, đậu.
Mẹ kể năm ấy, bà ngoại đã chủ động gói một chiếc bánh đặc biệt: Phần nhân cụ rải ở xung quanh, còn ở trung tâm bánh chỉ để toàn gạo. Cụ bà muốn nhắc nhở cụ ông: Tuy cả nhà ưu tiên dành những gì ngon nhất để cụ ông hưởng nhưng cũng không nên duy trì cái lệ ấy như thế mãi.
Từ đó, khi gói bánh, bà ngoại tôi luôn chú ý dàn nhân bánh đều ra toàn bộ chiếc bánh chứ không chỉ bố trí ở trung tâm bánh. Nhưng để giữ lề thói xưa, khi bóc bánh, bên nhà ngoại tôi vẫn chia bánh theo hình những quân cờ hình vuông đều đặn.
Ông bà tôi đã khuất núi, các bác, các cậu, các dì đều đã trưởng thành, gia đình mỗi người một chốn. Cái lệ chia bánh hình vuông cũng chẳng còn gia đình nào theo nhưng mỗi lần xuân về, tụ tập, thắp hương trên bàn thờ ngoại, con cháu thỉnh thoảng lại nhắc chuyện miếng bánh không nhân ngày ông bà tôi còn sống.
Tác giả Vũ Thế Long