e magazine

TÍCH HỢP CÔNG NGHỆ TRONG CHUỖI CUNG ỨNG - HƯỚNG ĐI TẤT YẾU

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và nhu cầu kết nối ngày càng gia tăng, chuỗi cung ứng hiện đại đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thành công của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

Tích hợp công nghệ trong chuối cung ứng - Hướng đi tất yếu

Với những lợi thế về vị trí địa lý và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế này, việc tích hợp công nghệ vào chuỗi cung ứng không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi tất yếu.

Việt Nam - Nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm chuỗi cung ứng chiến lược tại khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lý đắc địa, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, nước ta có tiềm năng trở thành điểm nút kết nối quan trọng trong mạng lưới vận tải toàn cầu. Đặc biệt, khoảng 40% lượng hàng hóa di chuyển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương phải đi qua Biển Đông, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Theo GS. Alexandre Dolgui, chuyên gia về Kỹ thuật Công nghiệp và Hệ thống đến từ IMT Atlantique (Pháp), Việt Nam có nền tảng chính trị và kinh tế ổn định, cùng với vị trí chiến lược trong khu vực, là những yếu tố khiến quốc gia này trở thành một trung tâm logistics tự nhiên. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới nhờ những yếu tố này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, đóng vai trò cốt lõi trong chuỗi cung ứng, cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,76%. Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 15,63 tỷ USD, khẳng định vị thế của Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tích hợp công nghệ trong chuối cung ứng - Hướng đi tất yếu

Để tận dụng tối đa những lợi thế về vị trí và kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), và sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing) vào chuỗi cung ứng. Các công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu chi phí mà còn cải thiện tính liên kết và hiệu quả giữa các giai đoạn sản xuất, vận chuyển và phân phối.

Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Quản lý Chuỗi cung ứng (VSSCM 2024) lần thứ 3 vừa được do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức mới đây, công nghệ hiện đại đã trở thành động lực chính giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo và học máy đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho việc tự động hóa các hoạt động quản lý hàng tồn kho, vận tải và logistics. Nhờ vào các thuật toán tối ưu hóa phức tạp, các doanh nghiệp có thể dự đoán chính xác hơn về nhu cầu tiêu dùng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt và tối ưu hóa quy trình phân phối hàng hóa đến tay khách hàng.

Tích hợp công nghệ trong chuối cung ứng - Hướng đi tất yếu

Công nghệ sản xuất bồi đắp cũng đang dần thay thế các phương pháp sản xuất truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực từ những biến động thị trường, đòi hỏi sự linh hoạt và phản ứng nhanh chóng trước các thay đổi.

Một lợi ích lớn khác mà công nghệ mang lại cho chuỗi cung ứng chính là khả năng cải thiện tính minh bạch và tin cậy. Ví dụ Blockchain giúp theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình sản xuất và vận chuyển từ nguồn nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro gian lận mà còn nâng cao niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ.

Chuỗi cung ứng xanh - Hướng đi bền vững cho tương lai

Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất và tiêu dùng, xu hướng phát triển chuỗi cung ứng xanh và bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong việc ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường vào chuỗi cung ứng, như sử dụng nguyên vật liệu bền vững, giảm thiểu khí thải và tiết kiệm năng lượng.

Tích hợp công nghệ trong chuối cung ứng - Hướng đi tất yếu
GS. Stefan Minner từ Đại học Kỹ thuật Munich, Đức

Theo GS. Stefan Minner từ Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), nếu Việt Nam tiếp tục tiên phong trong phát triển chuỗi cung ứng xanh, quốc gia này sẽ nắm bắt được lợi thế lớn khi nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các nước phát triển, nơi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Việc tích hợp công nghệ vào chuỗi cung ứng xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Các hệ thống quản lý năng lượng thông minh, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và AI để tối ưu hóa lượng tiêu thụ năng lượng trong các nhà máy sản xuất, đã chứng minh được tính hiệu quả cao trong việc tiết kiệm chi phí và giảm thiểu lượng khí thải.

Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, Việt Nam không chỉ cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng mà còn cần xây dựng năng lực công nghệ cho tương lai. Theo GS. Dolgui, việc tích hợp các môn học về trí tuệ nhân tạo và học máy vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học là một bước đi quan trọng giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc với các công nghệ tiên tiến là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc thù của chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Tích hợp công nghệ trong chuối cung ứng - Hướng đi tất yếu

Tích hợp công nghệ vào chuỗi cung ứng không chỉ là một xu hướng mà còn là hướng đi tất yếu để Việt Nam duy trì và nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Với những lợi thế sẵn có và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có thể tận dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, học máy và chuỗi cung ứng xanh để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu chi phí và tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững.


HỒNG MINH

tudonghoangaynay.vn