NGƯT.TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ CAO HÀ NỘI - 15 NĂM ĐÀO TẠO BÁM SÁT NHU CẦU XÃ HỘI
Đào tạo nguồn nhân lực vững chuyên môn, giỏi tay nghề, bám sát nhu cầu thị trường lao động là mục tiêu hướng đến của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) trong thời gian qua. Với hướng đi này, sau 15 năm thành lập, Nhà trường đã có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất khang trang, đồng thời nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, cũng như sự gắn kết chặt chẽ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Là người đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập trường, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, ông có cảm nghĩ gì?
Cuối năm 2008, tôi được lãnh đạo thành phố Hà Nội mời sang làm việc cho Hà Nội với vị trí là Phó ban quản lý dự án xây dựng trường Công nhân kỹ thuật cao của Hà Nội. Khi xây dựng đề án, tôi đã xin thành phố Hà Nội thành lập trường Cao đẳng (CĐ) lấy tên là trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội để xứng tầm với vai trò vị thế của công trình 1.000 năm Thăng long Hà Nội. Sau 6 tháng tiến hành thủ tục, trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà nội đã được Bộ Lao động Thương binh Xã hội ký quyết định thành lập vào ngày 25/6/2009.
Sau khi có quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, tôi bắt tay vào thực hiện quy trình, giáo trình, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất để đủ điều kiện đi vào hoạt động môi trường mới. Nhà trường lấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm kim chỉ nam, đào tạo nhân lực cho thành phố Hà Nội và khu vực kinh tế đồng bằng Bắc Bộ.
Sau 15 năm hoạt động, nhà trường rất vinh dự và tự hào vì đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, được các doanh nghiệp các tổ chức chính trị xã hội, những đơn vị sử dụng lao động của nhà trường đánh giá rất cao về kiến thức, kỹ năng, thái độ con người lao động của HHT. Nhiều sinh viên ra trường không những có việc làm mà còn tự tạo việc làm, nhiều em tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề thành phố, quốc gia, ASEAN và thế giới đạt kết quả cao;... Đây chính là những kết quả mà nhà trường đã đạt được trong 15 năm vừa qua.
Hành trình 15 năm, HHT được biết đến là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện thành công mục tiêu kép: nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để đạt được điều đó, nhà trường đã đồng bộ những giải pháp nào, thưa ông?
Để thực hiện mục tiêu nhà trường đã đào tạo gắn với thực hành, nghiên cứu khoa học gắn với nghiên cứu làm ra sản phẩm và khả năng thương mại hóa sản phẩm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, đội ngũ giáo viên phải đảm bảo dạy lý thuyết phải có kiến thức và kỹ năng tốt, giáo viên phải làm được thực hành, phải làm ra sản phẩm thì mới dạy được sinh viên làm ra sản phẩm. Đây chính là yếu tố đảm bảo then chốt cho sự thành công trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, có tâm huyết và yêu nghề.
Thứ hai, xây dựng, đổi mới các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình theo nhu cầu thực tiễn của xã hội, có sự đóng góp sâu của doanh nghiệp vào trong các hoạt động, từ tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm.
Thứ ba, xây dựng cơ sở vật chất, luôn tìm mọi cách để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau, nhiều nguồn khác nhau. Nhà trường có thể tự làm ra các thiết bị hay mua các thiết bị mới từ các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, từ nguồn học phí, từ nguồn ngân sách của nhà nước.
Thứ 4, nhà trường áp dụng những công nghệ trong lĩnh vực đào tạo ví dụ: áp dụng công nghệ thông tin trong mô hình quản lý, nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả, vừa linh hoạt, tiện lợi trong quá trình đào tạo.
Thứ 5, hợp tác với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đi sâu vào toàn bộ quá trình đào tạo. Doanh nghiệp đầu tư các phòng thực hành cùng với nhà trường để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đó.
Cuối cùng là các hoạt động hợp tác quốc tế, đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên khi ra trường. Nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng được tiếp tục học tập tại các nước liên kết với nhà trường, nhà trường luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các em.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với sự phát triển của các ngành như AI, công nghiệp bán dẫn, logistics, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao,… đang là xu thế. Là đơn vị đào tạo nghề chất lượng cao, nhà trường có định hướng, chiến lược gì thưa ông?
HHT là đơn vị đào tạo nghề số một của Hà Nội, thuộc top trường hàng đầu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Nhà trường luôn đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động xã hội, khi xã hội có nhu cầu ngành nghề nào thì nhà trường có thay đổi mô hình đào tạo, mở thêm các ngành nghề mới mũi nhọn như tự động hóa, IoT, ngành nghề thuộc lĩnh vực 4.0,…
15 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã có nhiều sinh viên giành giải thưởng cao tại các kỳ thi tay nghề trong nước, khu vực và thế giới. Cụ thể, có 209 giải cấp Thành phố (trong đó có 50 giải Nhất), 94 giải Quốc gia (47 Huy chương Vàng), 21 giải khu vực Asean (trong đó có 05 Huy chương Vàng) và 04 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới. |
Các ngành nghề sẽ được thường xuyên cập nhật và đổi mới, nhà trường đang xây dựng các chương trình về nông nghệ công nghệ cao, đưa AI vào trong quá trình đào tạo giáo viên, và sắp tới sẽ được đưa vào để đào tạo sinh viên. Đó là những ngành nghề nhà trường đã và đang triển khai. Bên cạnh đó, nhà trường đang cử giáo viên sang Mỹ học về công nghệ bán dẫn. Sắp tới, HHT sẽ đào tạo công nghệ bán dẫn. Như vậy, nhà trường là đơn vị có thể nói là tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao trong thời gian qua, sẽ tiên phong đào tạo về các ngành nghề công nghệ cao, mũi nhọn theo chiến lực phát triển kinh tế số của Thủ đô Hà Nội.
NGƯT.TS. Phạm Xuân Khánh: Sau 15 năm hoạt động, nhà trường rất vinh dự và tự hào vì đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp. |
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề, với tình hình thực tế hiện nay, ông có mong muốn, đề xuất gì không?
Hiện nay, trong đào tạo nghề vẫn còn một số bất cập như: Thứ nhất, cơ cấu trình độ. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, số lượng học sinh vào đại học quy mô ngày càng tăng, các trường Đại học tìm mọi cách để tuyển sinh ngày càng đông nhưng không suy xét, với số lượng tuyển sinh đông như vậy có đáp ứng được nhu cầu hoạt động hay không? Trong khi học sinh trung cấp, cao đẳng cần số lượng lớn, thực tế số lượng đang chênh lệch rất lớn.
Bên cạnh đó, bất cập về giới tính, cơ cấu ngành nghề, nhiều ngành nghề có nhu cầu sử dụng cao nhưng không tuyển sinh được hoặc rất ít dẫn đến đào tạo không hiệu quả.
Thứ hai, cơ cấu chính sách đối với người học nghề, làm nghề. Hầu hết các cơ quan nhà nước ít khi tuyển dụng lao động là lao động đào tạo nghề. Điều này sẽ làm dẫn đến trong tương lai mất cân bằng về yếu tố trình độ.
Thứ ba, về cơ chế luôn bị chi phối. Ví dụ, khi nhà trường hợp tác với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên, trang thiết bị, tài sản vẫn thuộc của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu hết ở các nước phát triển, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo thành lập các trung tâm nghiên cứu, nghiên cứu sản xuất đổi mới sáng tạo, phối hợp với nhà trường vừa nghiên cứu vừa sản xuất, làm ra sản phẩm và theo xu thế hợp tác công tư. Nhưng ở Việt Nam thì các quy định chưa rõ ràng và rất khó làm.
Với khẩu hiệu “Cơ hội học tập - Cơ hội việc làm”, bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với gần 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã trở thành một trong những cơ sở GDNN đi đầu giải quyết hiệu quả mục tiêu kép. |
Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp mà còn hỗ trợ Nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu,...
Ngoài việc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước, Trường còn triển khai có hiệu quả mô hình “Hợp tác nhà trường với các tổ chức quốc tế” trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sau 15 năm, nhà trường có định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?
Sau 15 năm, nhà trường có tiềm năng, lợi thế rất lớn, đó là nhà trường được Chính phủ, thành phố Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư trở thành trường chất lượng cao. Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị ban hành chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp thủ đô, trường HHT được quy hoạch chất lượng cao và thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đây là bước ngoặt cho nhà trường được quan tâm đầu tư và phát triển để đào tạo ngành nghề trọng tâm, ngành nghề mũi nhọn của thành phố. Đồng thời trở thành một cơ sở giáo dục đào tạo dẫn dắt cho giáo nghề nghiệp thủ đô.
Thứ hai, Luật Thủ đô (số 39/2024/QH15) đã ban hành và được Quốc hội phê duyệt. Bắt đầu từ năm 2025 sẽ triển khai thực thi các điều trong luật, trong các điều của Luật Thủ đô có tính mở rất cao như: học sinh đi học được hỗ trợ học phí, cơ chế chính sách cho giáo viên cũng được thay đổi, các nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo cũng được đẩy mạnh, các mối quan hệ giữa doanh nghiệp cũng được rộng mở hơn. Đó là điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển.
Thứ 3, cuối năm 2022 trường được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép sáp nhập trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội vào trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Đây chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị,…
Đấy chính là những lý do sau khi lễ kỉ niệm 15 năm thành lập, nhà trường sẽ có nhiều lợi thế phát triển, tương lai trở thành trường chất lượng cao, trung tâm quốc gia đào tạo hành nghề chất lượng cao đang rộng mở phía trước.
- Xin cảm ơn ông vì những trao đổi này!
Nội dung: Duyên Nguyễn
Ảnh: Hoàng Tùng