Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận Thủ tướng giao Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo kết luận của các cấp có thẩm quyền và Quốc hội.
Mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là hoàn toàn khả thi
Phát biếu ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chia sẻ câu chuyện trước khi ấn nút khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Kỳ họp thứ 8, một cử tri trẻ đã gửi tin nhắn: “Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và có công suất lớn. Xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước".
Theo ông Mai, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật.
Trước bối cảnh phát triển kinh tế và tính chất đặc thù của dự án, việc Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại. Đây là chính sách đột phá, góp phần phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Mai cũng lưu ý rằng, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, dự án còn đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức như tài chính, công nghệ, an toàn môi trường – xã hội và các vấn đề địa chính trị. Đây là lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, trong khi thực tế trình độ nước ta ở một số lĩnh vực phụ trợ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, dự án sẽ cần phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài và đặc biệt cần có chính sách cụ thể về đào tạo, thu hút và giữ chân nhân lực chuyên môn cao.
Ông Mai chia sẻ, rất nhiều nhân lực chúng ta từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.
“Nếu không có chính sách nhân lực phù hợp, việc triển khai, vận hành dự án trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn” ông Mai nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân trong nước để tham gia vào dự án để giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.
Từ đó, đảm bảo hoàn thành tiến độ của dự án, hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực làm chủ công nghệ, tự chủ vận hàng nhà máy trong thời gian sớm nhất, để dự án cùng với các công trình dự án lĩnh vực khác, đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đi đến thắng lợi.
Nêu ý kiến, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, hình thức "hợp đồng chìa khóa trao tay" tại khoản 2, điểm 3 dự thảo Nghị quyết trong điều kiện Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
Bởi Hàn Quốc - quốc gia đang nắm công nghệ điện hạt nhân cũng chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ vào 1972-1978. Tới năm 1998 họ hoàn toàn làm chủ công nghệ, xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân “Made in Korea” cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2009… Một số quốc gia khác cũng chọn hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay” như Balangdesh, Ba Lan…
Cùng quan tâm đến vấn đề nhân lực, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, số lượng nhân lực cho 2 tổ máy với công suất khoảng 1.200 MW theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người với chuyên môn bao gồm từ công nghệ hạt nhân, hệ thống điều khiển thiết bị kỹ thuật điện cơ khí, bảo vệ bức xạ hóa học, ứng phó sự cố vật lý như trong thủy nhiệt, quản lý thải phóng xạ, quản lý chất lượng, quản lý, bảo dưỡng và quản lý phụ tùng thay thế.
Để đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghệ điện hạt nhân thì Việt Nam rất cần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, các kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và với những cơ chế, chính sách đặc thù nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là hoàn toàn khả thi", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ.
![]() |
Đại biểu Lê Mạnh Hùng - đoàn Cà Mau góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: QH |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam (PVN) nhấn mạnh, Việt Nam cần nhanh nhất phát triển các nguồn điện nền và phù hợp với xu hướng dịch chuyển năng lượng, đặc biệt là điện hạt nhân.
“Trung ương Đảng, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu rất cấp bách và áp lực đến năm 2030 và muộn nhất 2031 chúng ta phải đưa các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động thương mại - đây là mục tiêu rất áp lực, với các dự án lớn có quy mô lớn, công nghệ phức tạp”- đại biểu Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trong báo cáo thẩm tra có một số ý kiến nêu các chủ thể các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (PVN) thì không nên đưa vào, đặc biệt là các cơ chế cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp.
Tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện hiện nay xấp xỉ 81.000 MW trong đó điện gió và mặt trời là 27%, tương đương 26.000 MW. Tháng 6/2024 công suất cực đại của toàn hệ thống đã lên đến 52.000MW, nếu trừ điện gió và mặt trời thì dự phòng công suất cho cực đại đang rất thấp và rủi ro. Theo Quy hoạch điện VIII và xu hướng chuyển dịch năng lượng đến năm 2030, Việt Nam không không còn điện than, trong khi kịch bản tăng trưởng kinh tế thì phụ tải cực đại của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong điều kiện dự phòng công suất của hệ thống còn rất thấp. Đại biểu Lê Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐTV Petrovietnam |
Trước ý kiến trên, ông Hùng đề nghị: “Cơ chế trong nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên của các chủ đầu tư, phải rõ người, rõ việc. Đồng thời, phải rõ ràng các cơ chế, đặc biệt là cơ chế tài chính nhất là đối với nguồn vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu đối với các nhà cung cấp.
Đặc biệt EVN và PVN là hai doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đối với nguồn vốn chủ sở hữu phải quy định rõ để tránh ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác mà EVN và PVN hiện đang triển khai”.
Tiếp theo cơ chế trình tự, đại biểu cũng đề nghị, thủ tục để triển khai các dự án siêu lớn này cũng cần rất rõ ràng. Cái gì được làm song song, cái gì được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu.
“Trong dự thảo của Chính phủ đã chỉ rất rõ các nội dung trên, nhất là quá trình triển khai song song, quá trình đàm phán chọn nhà cung cấp công nghệ thông qua Hiệp định cùng với Hiệp định về tín dụng xuất khẩu”- đại biểu Hùng cho hay.
Hiện, cơ chế bảo đảm nguồn lực tức là nguồn vốn chủ sở hữu của EVN và PVN được đưa vào dự thảo nghị quyết đã rõ ràng.
Đại biểu Lê Mạnh Hùng rất mong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong quá trình thẩm tra chia sẻ, đồng thuận để có các cơ chế theo tờ trình của Chính phủ. “Nếu không có thì các doanh nghiệp không làm được sau khi được phê duyệt lại phải đi xin cơ chế”- ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề về công nghệ, an toàn, đại biểu Lê Mạnh Hùng cho biết, bản chất của nhà máy điện hạt nhân là nhà máy nhiệt điện, với nhà máy điện hạt nhân phần phụ trợ còn không phức tạp bằng các nhà máy nhiệt điện điện than, khí chúng ta đang làm. Bên cạnh đó, quá trình uranium cháy thì sinh nhiệt không tạo ra ô-xi, CO2, NOx, SO2…
Ngoài ra công nghệ thiết bị đều do các nhà thầu, nhà cung cấp có bản quyền công nghệ cung cấp dưới sự giám sát rất chặt chẽ của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), do vậy đại biểu cho rằng không quá quan ngại khả năng thực hiện của các doanh nghiệp trong nước cũng như các vấn đề liên quan.
Đến nay, PVN đã thực hiện 9 dự án, nếu tính cả dự án Nhơn trạch 3,4, Ô Môn 3,4 vào là 13 dự án nhiệt điện. PVN đã và đang các dự án có quy mô lớn như: xuất khẩu trạm biến áp ngoài khơi sang ban - tích với khối lượng lên tới 16.000 tấn/ trạm, sắp tới là công trình ở lô B với trọng lượng 27.000 tấn... phục vụ cho các công trình quy mô lớn trên thế giới. |
“Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn yên tâm dưới sự giám sát của cơ quan IAEA, kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế trong nước. Do vậy, đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thông qua các cơ chế được Chính phủ trình cho dự án điện hạt nhân để các tập đoàn kinh tế thực hiện theo mục tiêu rất áp lực mà Chính phủ đặt ra”- ông Hùng đề nghị.
Ninh Thuận sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện dự án
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Quốc Nam (đoàn tỉnh Ninh Thuận), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bày tỏ việc Trung ương và Quốc hội quyết định tiếp tục tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, là một vinh dự vô cùng lớn lao của tỉnh Ninh Thuận để thật sự trở thành một trung tâm năng lượng, năng lượng sạch của cả nước.
![]() |
Đại biểu Trần Quốc Nam (đoàn tỉnh Ninh Thuận), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến thảo luận |
Từ khi có Nghị quyết 41 Quốc hội khóa XII năm 2009 về đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân đến nay đã hơn 15 năm, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để triển khai thực hiện dự án.
"15 năm qua Nhân dân vùng lõi của dự án với hơn 1.300 hộ với trên năm 5.000 nhân khẩu (đây là số liệu của 2015 khi bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng và chắc chắn số liệu này hiện nay tỉnh đang cho tiến hành kiểm kê lại toàn bộ, số liệu sẽ khác hơn) đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế cho Nhà nước để triển khai thực hiện dự án", đại biểu Trần Quốc Nam cho biết.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điện hạt nhân quốc gia, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Thời gian qua, Ninh Thuận đã và tiến hành ngay các công việc với một tinh thần xuyên suốt, đó là "việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi".
Các công việc thực hiện dự án của tỉnh, của chủ đầu tư, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian qua được triển khai với một tinh thần quyết tâm và quyết liệt để đến năm 2030-2031 hoàn thành các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên là hết sức cần thiết và cấp bách phải được ban hành.
Tại Tờ trình số 74 của Chính phủ kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại khoản 9 Điều 3 liên quan đến tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung. Tỉnh Ninh Thuận đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung, đặc biệt những nội dung này đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đây là những nội dung rất quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng.
"Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và vùng dự án với tinh thần quyết tâm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và công việc được giao, bảo đảm đúng tiến độ được giao. Ninh Thuận vì cả nước và cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình đặc biệt quan trọng để đất nước Việt Nam ta phồn vinh, hạnh phúc", ông Trần Quốc Nam bày tỏ.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án điện hạt nhân có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.
Thông thường, trên thế giới, để hoàn thành đầu tư một dự án điện hạt nhân có quy mô tương tự, thời gian từ khi phê duyệt đầu tư đến khi vận hành khoảng trên 10 năm, dự án có tiến độ nhanh nhất khoảng 7 - 8 năm.
Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng tại nước ta nên để hoàn thành dự án trong năm 2030 - 2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.
Ông Diên cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Hồng Minh (tổng hợp)