Theo đó, Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”, diễn ra sáng 18/4, được cho là một trong những giải pháp ứng phó kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ thông báo tạm hoãn triển khai chính sách thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, do áp lực từ dư luận quốc tế, điều này vẫn đang là mối lo ngại cho doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là một tình huống chưa từng có trong tiền lệ.
![]() |
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI: "Doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận "trong nguy có cơ!" (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Xác định trong nguy có cơ
Ông Công nhận định, dù chưa chính thức thực thi nhưng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đã tạo áp lực đáng kể lên các chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và trở thành thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp.
Nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt. Trong hoàn cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn và đây là tình huống chưa từng có tiền lệ, rất hiếm khi xảy ra.
Đại diện VCCI thông tin, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may,... Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Công, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá hoang mang mà phải nhìn nhận theo hướng tích cực, xác định “trong nguy có cơ”.
![]() |
Ông Đậu Tuấn Anh - Phó Tổng thư ký VCCI khẳng định, thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Đồng tình về nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó nhiều mặt hàng trọng điểm của Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ, trong khi các đối thủ trong khu vực lại được hưởng thuế suất thấp hơn.
Không chỉ doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, mà cả hệ sinh thái liên quan như nhà cung ứng nguyên liệu, đơn vị gia công, logistics, tài chính,… cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ là những thách thức lớn cho toàn ngành.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu, nâng cao vị thế cạnh tranh và biến nguy thành cơ.
Mục tiêu “2 con số” của Chính phủ là thách thức lớn
Theo Phó Tổng thư ký VCCI, nếu giữ nguyên mức thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ thì vô cùng bất lợi cho doanh nghiệp toàn cầu. Các doanh nghiệp logistics rất ảnh hưởng, các doanh nghiệp hạ tầng cũng ảnh hưởng.
Tính đến thời điểm hiện tại, mức ảnh hưởng chưa đo đếm được, vì đang trong giai đoạn tạm hoãn thuế. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, chỉ sau 3 ngày Hoa Kỳ tuyên bố tăng thuế, đã có những đơn hàng bị hủy bỏ, nhiều giao dịch, đối tác cũng hủy bỏ theo.
"Mặc dù vậy, chúng ta không thể đứng im chờ đợi và suy nghĩ tiêu cực, mà chúng ta phải nghĩ đến chuyển hướng thị trường, phải xác định cạnh tranh lớn hơn, tác động nhiều hơn thì cơ hội mới cũng mở ra. Bản thân Việt Nam đang mở cửa với 60 đối tác nước ngoài, các nước không bán được hàng hóa sang Mỹ, sẽ quay sang bán cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể từ đó chuyển hướng xuất sang nhập, hoặc chỉ xuất những mặt hàng Mỹ thực sự cần mà Việt Nam đang có ưu thế, ví dụ như tôm cá, may mặc”, ông Tuấn đưa giải pháp.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, gốc rễ vấn đề vẫn là năng lực cạnh tranh, theo hướng quản trị doanh nghiệp và bền vững. Trong giai đoạn này cần phối hợp với Nhà nước, đưa ra giải pháp, chính sách đồng bộ, trong đó quan tâm đến chính sách vay vốn để tăng cường mua nguyên liệu, sử dụng dịch vụ của Hoa Kỳ, thay vì xuất khẩu sang quốc gia này.
Ông Lực thông tin, kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở khoảng 7%. Đảng, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8-10%. Theo đó, Việt Nam có chính sách giảm lãi suất. Lãi suất các ngân hàng trung ương trong và ngoài nước, đặc biệt ở Mỹ đang giảm mạnh.
Rủi ro lớn là chính sách thương mại, đang ở mức rất cao 1600 điểm, so với mức 1400 điểm. Thuế quan trên thế giới sẽ thay đổi, nhưng một năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua thực tế không bị suy thoái; lạm phát trên đà cao nhưng bắt đầu giảm; xu hướng chuyển đổi kép (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) đang diễn ra tích cực.
“Với Việt Nam, kinh tế năm nay có thể tăng trưởng 6,8% (theo báo cáo của ADB), chúng tôi chọn mức 6,5-7%”, ông Lực kết luận. Theo ông Lực, doanh nghiệp Việt Nam không nên quá bi quan, lo lắng, vì về cơ bản, Quý I kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, Quý II chưa bị tác động nhiều, Quý III và IV sẽ có nhiều cuộc đàm phán về thuế và các chính sách sẽ xoay chiều theo hướng có lợi hơn.
![]() |
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, việc chuyển đổi thị trường thương mại là điều các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghĩ tới, nhưng điều này khó thực hiện, vì việc chuyển đổi phải đầu tư vốn gấp 3 lần (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Đảo chiều tình thế và kiến nghị giảm thuế
Đồng tình với những giải pháp trên, ông Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI bày tỏ: Cơ hội dù ít ỏi, nhưng doanh nghiệp phải nắm lấy, coi đây là cơ hội tái cơ cấu lại năng lực của doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài việc chuyển hướng kinh doanh, thu mua hàng hóa các nước, doanh nghiệp Việt cần có giải pháp, cùng Chính phủ đưa ra quyết sách, đàm phán với Hoa Kỳ giảm mức thuế từ 46% xuống mức 20-22%, điều này khó nhưng vẫn phải làm.
Theo ông Huỳnh, việc áp thuế mới sẽ diễn ra. Nhưng xác định thách thức nhiều hơn hay cơ hội nhiều hơn là do ý chí và nghị lực, thực lực của các doanh nghiệp. Việc áp thuế của Hoa Kỳ với “7 cái không của sắc lệnh” (không WTO, không dựa theo Luật Quốc tế, thuế không phải thuế, không tiền lệ,…) là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội chuyển mình lớn đối với những doanh nghiệp có lực và sẵn sàng chuyển đổi.
Ở một góc độ khác, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, ngoài minh bạch, doanh nghiệp cần có trách nhiệm giải trình, và luôn trong tư thế sẵn sàng giải trình. Bà Lan dẫn chứng, trước đây, tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp biến nguy thành cơ vì minh bạch và kịp thời trong giải trình.
“Doanh nghiệp cần lưu ý giám sát lẫn nhau, thúc đẩy nhau, trong trách nhiệm giải trình, để khi các bên liên đới cần tới là có cái để giải trình và giải trình kịp thời”, bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, việc chuyển sang thị trường thương mại mới, là điều các doanh nghiệp có thể nghĩ tới nhưng điều đó khó và tốn kém gấp 3 lần việc phát triển thị trường cũ. Các doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong quyết định này.
![]() |
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô mong muốn VCCI có biện pháp giải trình Chính phủ, thúc đẩy giảm thuế ngành hàng ở mức 20-22% (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Trăn trở về những thách thức doanh nghiệp phải đối mặt, trong phiên thảo luận tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp mong mỏi VCCI có động thái nhanh hơn, tích cực hơn để qua thời điểm lới lỏng, việc tăng thuế không tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô tại Bình Dương bày tỏ mong muốn, trong tương lai, các doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ Hoa Kỳ về Việt Nam gia công, chế tác, sau đó xuất sang Hoa Kỳ được hưởng mức thuế khoảng trên 20%, đề xuất VCCI có phương án tác động cho các doanh nghiệp trong ngành chế tạo, sản xuất nguyên liệu.
Một số doanh nghiệp phi chính phủ quan tâm nhiều hơn về ứng phó của doanh nghiệp trong các vấn đề cụ thể như thuế suất, trong môi trường xã hội, về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh của các tổ chức,…
Một số doanh nghiệp vận tải quốc tế phản ánh hiện cước vận chuyển tại cảng biển sang các nước đều cao. Đại diện các doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ Việt Nam phải tác động với Chính phủ các nước, có lộ trình tăng phí rõ ràng, đề xuất thành lập Hiệp hội riêng để đàm phán với các hãng tàu của các nước.
Đại diện cho các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam - bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội đồ uống Việt Nam cho hay, ngành đồ uống Việt Nam là một trong những ngành có đầu tư cao, với quy mô đầu tư trong và ngoài nước khá rộng. Hiện, ngành đồ uống đang đóng góp nguồn vốn hàng tỷ Euro, trung bình đóng góp cho Nhà nước khoảng 60.000 tỷ /năm.
Đối với chính sách thuế đối ứng Hoa Kỳ , có tác động lan tỏa đến toàn cầu và doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành đồ uống chịu tác động gián tiếp từ biến động thị trường nội địa đến mục tiêu kinh doanh. Chính vì vậy, ngành đồ uống kiến nghị Chính phủ có những chính sách giúp các doanh nghiệp ứng phó tích cực với thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ, đồng thời có biện pháp can thiệp kịp thời trước khi Hoa Kỳ áp thuế.
Chia sẻ những trăn trở của doanh nghiệp, bà Việt Hà – thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã và sẽ có những giải pháp can thiệp đến việc áp thuế, có kiến nghị Hoa Kỳ xem xét lại.
Theo bà Việt Hà, thời gian trước mắt, khi Hoa Kỳ đang lới lỏng thuế, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những cơ hội, đầu tư dịch vụ tìm kiếm nguồn hàng, để đưa được nguồn hàng của Hoa kỳ vào Việt Nam, với thuế suất 0%...
“Một trong những rào cản kỹ thuật là hạn chế gia nhập thị trường ví dụ như Việt Nam vẫn cấm những mặt hàng nào vào Việt Nam, thì thời gian tới chúng ta lới lỏng, linh hoạt các mặt hàng này. Các rào cản về cấp phép, xuất nhập khẩu cũng cần thông thoáng hơn, nhanh hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nhanh nhạy ứng phó để nhập khẩu các thiết bị công nghệ vào Việt Nam, theo quy chuẩn của Việt Nam”, bà Việt Hà nhấn mạnh.
![]() |
Bà Việt Hà - Thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam sẽ có các giải pháp can thiệp đến việc áp thuế của Hoa Kỳ (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Các giải pháp chiến lược
Tổng kết lại các vấn đề thảo luận, ông Phạm Tấn Công cho rằng, tất cả các vấn đề doanh nghiệp trăn trở, cũng là các vấn đề VCCI đang trăn trở. VCCI có trách nhiệm tham vấn, giải trình, phản ánh nguyện vọng của các doanh nghiệp Việt Nam trình Chính phủ.
Thời gian tới, VCCI tiếp tục đồng hành, kết nối doanh nghiệp, đưa ra chiến lược lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp Việt. Về giải pháp ứng phó lâu dài, Chủ tịch VCCI đề xuất một số khuyến nghị quan trọng:
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, cần tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn.
Thứ hai, phát triển thị trường nội địa. Thị trường trong nước chính là trụ đỡ vững chắc, đặc biệt khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác song phương với Hoa Kỳ. Việt Nam cần khẳng định vị thế là đối tác đáng tin cậy, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh - sạch, thậm chí nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ.
Thứ tư, nâng cao năng lực thể chế và cơ sở hạ tầng. Cần cải thiện hệ thống logistics và chất lượng nguồn nhân lực để gia tăng khả năng cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó với các biến động toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn khuyến cáo, các doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn, đồng thời chủ động phối hợp, đàm phán với đối tác để tranh thủ xuất hàng sớm.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn; tận dụng các FTA thế hệ mới; cải tiến mô hình sản xuất theo hướng bền vững; xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam cần kịp thời xử lý kịp thời các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông Lực nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời, cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.
Chính sách tăng thuế của Hoa Kỳ áp dụng cho 57 quốc gia, đối với tất cả các danh mục hóa nhập khẩu vào nước này. Được biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 27%, với hơn 50% ngành hàng. Trước sự phản đối của chính phủ các nước, Hoa Kỳ cũng đang xem xét một số hạng mục để không tăng hoặc tăng thuế mức độ thấp. Ví dụ, các ngành hàng như quặng, kim loại, phụ tùng,…cũng có loại trừ; các ngành áp suất, bán dẫn cũng được tính thuế riêng. Tuy nhiên, nhìn trong 1.039 danh mục loại trừ, Việt Nam được loại trừ thuế rất ít. |
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/thue-doi-ung-hoa-ky-phai-nhin-nhan-trong-nguy-co-co-13075.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.