Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững

Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, chính sách và chương trình hành động nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp, thích ứng với điều kiện khí hậu và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thúc đẩy nông nghiệp xanh thích ứng với bối cảnh mới Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao PVFCCo cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nông nghiệp xanh - bền vững - hiệu quả

Vì một nền nông nghiệp xanh

Mới đây, thông tin trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung cho biết, hướng tới nền kinh tế xanh, Việt Nam đã có những chương trình thử nghiệm như “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Đề án sản xuất trồng trọt phát thải thấp giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí methane so với năm 2020 Giảm 10% tổng phát thải khí nhà kính từ trồng trọt. Mở rộng diện tích áp dụng các biện pháp canh tác giảm phát thải lên tối thiểu 2,5 triệu ha, tập trung tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững
Mô hình trình diễn khuyến nông ở Cần Thơ. Ảnh: Bộ NN&MT

Thứ trưởng Hoàng Trung lý giải, nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, vừa đóng góp lớn vào GDP, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính đáng kể, góp phần làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Trong lộ trình Net Zero, nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải chuyển mình, hướng tới nền nông nghiệp xanh.

Số liệu từ một số báo cáo quốc tế chỉ ra, sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 20 - 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trong đó, hoạt động trồng trọt, đặc biệt là canh tác lúa nước là nguồn phát thải chính của khí methane (CH₄), loại khí có tác động làm nóng toàn cầu mạnh gấp 25 lần so với CO₂.

Tại Việt Nam, với diện tích trồng lúa trên 7 triệu ha và hơn 1 triệu ha cây ăn quả cùng các loại cây công nghiệp dài ngày, nhu cầu kiểm soát phát thải trong nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách. Ngành nông nghiệp hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu công nghệ phù hợp, hạn chế về nhận thức, và thiếu một khung pháp lý đồng bộ để triển khai các biện pháp giảm phát thải trên diện rộng.

Dự thảo đề án của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu xây dựng hệ thống dữ liệu phát thải khí nhà kính chi tiết theo từng loại cây trồng, vùng sinh thái và biện pháp kỹ thuật. Đây là bước đi quan trọng để tiến tới hình thành thị trường carbon trong nông nghiệp, tạo động lực cho các mô hình giảm phát thải hiệu quả và có thể thương mại hóa.

Áp dụng công nghệ cao để giảm phát thải nông nghiệp

Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của nông dân, doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu giảm phát thải. Việc tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cần được đẩy mạnh nhằm giúp người dân nhận thức rõ lợi ích của sản xuất nông nghiệp phát thải thấp, không chỉ về môi trường mà còn về kinh tế và thương hiệu sản phẩm.

Việc triển khai Đề án sản xuất trồng trọt phát thải thấp được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững
Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp xanh, trở thành mô hình nông nghiệp điển hình trong khu vực. Ảnh minh họa: Internet

Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để đạt được mục tiêu giảm phát thải, cần phân tích chi tiết đặc điểm hấp thụ và phát thải của từng loại cây trồng theo vùng sinh thái. Việc áp dụng các biện pháp một cách cứng nhắc sẽ không hiệu quả nếu không căn cứ vào dữ liệu khoa học và điều kiện thực tiễn.

Một trong những khó khăn hiện nay là việc thiếu công cụ MRV (đo lường, báo cáo, thẩm định) chuẩn quốc tế, khiến cho quá trình đánh giá lượng phát thải còn thiếu chính xác và minh bạch. GS.TS Sơn đề xuất tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất than sinh học, vừa giảm phát thải, vừa cải thiện chất lượng đất. Thúc đẩy việc theo dõi, đo lường hiệu quả của các biện pháp canh tác cần được thực hiện liên tục, có hệ thống để kịp thời điều chỉnh.

Xử lý đất ô nhiễm, sẵn sàng cho nền nông nghiệp xanh

Nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh, có thể kể đến một số địa phương điển hình như Nghệ An, Thanh Hóa, và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Môi trường đã hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở sản xuất 15 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP trên các sản phẩm như lúa, rau, dứa, chè, chế biến thịt, nông sản,… Thông qua hỗ trợ mô hình đã chuyển giao, hướng dẫn cho gần 500 hộ gia đình sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản nắm vững nguyên tắc, quy trình sản xuất thực phẩm sạch.

Tại Nghệ An, với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, mỗi năm tỉnh sản xuất gần 170.000 ha lúa; hơn 22.500 ha lạc, đậu, ngô; 8.760 ha chè; gần 21.000 ha cây ăn quả, 41.556 ha rau, củ, quả. Nghệ An cũng phát triển 987 trang trại chăn nuôi với tổng đàn gần 2 triệu con trâu, bò, lợn; 37 triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 287 tấn/năm; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 287.500 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh có 24.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh nỗ lực phát triển nông nghiệp hướng tới mô hình xanh, một số địa phương cũng thúc đẩy những giải pháp cải thiện môi trường đất, không khí, nước. Trong số các giải pháp trên, hoạt động xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật được tỉnh Thanh Hóa và ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Số liệu thống kê cho thấy, Thanh Hóa có 45 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, toàn tỉnh đã xử lý triệt để 13 điểm tại một số địa phương. 27 điểm có nồng độ ô nhiễm thấp hơn QCVN 54:2013/BTNMT được đưa ra khỏi danh sách các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng., nhưng cũng trong lộ trình xử lý triệt để nhằm làm sạch nguồn đất nông nghiệp.

Như vậy, việc nâng cao ý thức của bà con nông dân, cùng sự quyết tâm của các hợp tác xã, đồng thời có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng khoa học, các địa phương đã chuyển mình sang nền nông nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh. Nếu nỗ lực nhân rộng mô hình, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điển hình về chuyển đổi xanh trong khu vực, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa góp phần tích cực vào nỗ lực giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero bền vững.

Nguyễn Hạnh

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/viet-nam-no-luc-huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-ben-vung-14745.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.