acecook

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao
19/02/2025 06:06
Nhiều năm gần đây, công nghệ điều khiển tự động (tự động hóa) đã và đang góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc ứng dụng tự động hóa vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng vấp phải nhiều thách thức.
aa

Tự động hóa giúp phát huy vai trò, thúc đẩy tiềm năng của ngành nông nghiệp

Tự động hóa đã mang lại một cuộc cách mạng, tạo ra những tiềm năng vô hạn trong ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển đồng bộ một nền nông nghiệp công nghệ cao và đang tạo ra những lợi ích đáng kể cho nền nông nghiệp.

Cụ thể, có thể hiểu tự động hóa trong nông nghiệp là quy trình ứng dụng các hệ thống tự động và máy móc thông minh để quản lý và điều khiển các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao
Bảng điều khiển hệ thống tưới tiêu tại vườn lan của Trung tâm giống cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Duyên Nguyễn)

Tự động hóa có thể sử dụng các cảm biến, bộ điều khiển và thiết bị kỹ thuật số để thu thập dữ liệu và tự động hóa các tác vụ trên nông trại, cánh đồng.

Công nghệ điều khiển tự động trong nông nghiệp có thể áp dụng cho nhiều hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, tưới tiêu, thu hoạch và vận chuyển, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công, tiết kiệm tài nguyên như nước, phân bón và thuốc trừ sâu.

Đồng thời, giúp sản xuất và vận chuyển nhanh chóng các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng tươi ngon và bền vững. Điều này đáp ứng được sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, như sự ưu tiên về sản phẩm hữu cơ và nông sản sạch.

Bên cạnh đó, việc đưa tự động hóa vào ngành nông nghiệp còn giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động trong quá trình sản xuất. Các quy trình tự động hóa như thu hoạch, tưới tiêu và sử dụng phân bón có thể thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí lao động và tăng năng suất lao động.

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao
Vườn lan ứng dụng công nghệ cao tại rung tâm giống cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Duyên Nguyễn)

Khi nền nông nghiệp vận hành bởi máy móc, sẽ giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Các phần mềm ứng dụng và hệ thống tự động có khả năng tối ưu hóa quá trình bón phân và diệt trừ sâu bọ, giảm lượng chất hóa học, giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường.

Một số ứng dụng tự động hóa tiên tiến trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tự động hóa nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và độ chính xác trong quy trình sản xuất. Việc sử dụng các hệ thống cảm biến và bộ điều khiển thông minh giúp kiểm soát và điều chỉnh các yếu tố quan trọng như lượng nước, ánh sáng, nhiệt độ và dinh dưỡng, từ đó tăng cường khả năng sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Có thể kể đến những ứng dụng điều khiển tự động trong nông nghiệp như máy bay nông nghiệp, robot nông nghiệp, máy cắt cỏ điều khiển từ xa, thiết bị dẫn đường máy nông nghiệp tự động,…

Máy bay nông nghiệp là ứng dụng hiện đại bậc nhất trong nông nghiệp, được trang bị các cảm biến và hệ thống định vị GPS, là công cụ quan trọng trong việc quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Máy bay nông nghiệp có khả năng phun thuốc trừ sâu và rải phân bón lên cánh đồng chính xác và hiệu quả. Nhờ các cảm biến và hệ thống GPS, chúng có khả năng định vị từ độ cao chính xác, phân bổ chất liệu theo đúng định lượng đến các địa điểm cần thiết. Điều này giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu và phân bón, tăng hiệu suất lao động và giúp bảo vệ môi trường.

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao
Máy bay nông nghiệp có khả năng phun thuốc trừ sâu và rải phân bón với định lượng và vị trí chính xác, đã được ứng dụng tại một số địa phương

Một ứng dụng khác của máy bay nông nghiệp là gieo hạt giống. Người ta sử dụng công cụ này để phân bổ mật độ hạt giống đồng nhất trên cánh đồng, thông qua việc lập quy trình và tốc độ bay, giúp tăng hiệu suất của quá trình gieo hạt, đồng thời đảm bảo sự phát triển đồng đều của cây trồng.

Vì được trang bị các cảm biến hồng ngoại và máy ảnh để giám sát, máy bay nông nghiệp có khả năng giám sát sự phát triển của cây trồng. Thông qua hình ảnh và dữ liệu thu thập được, bà con nông dân có thể đánh giá sức khỏe của cây trồng, phát hiện sớm các vấn đề như sâu bệnh, thiếu nước hay thiếu chất dinh dưỡng. Nhờ đó, nhà nông có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều chỉnh chăm sóc cây trồng một cách chính xác và kịp thời.

Bên cạnh máy bay nông nghiệp, robot nông nghiệp cũng là một công cụ hữu ích, được thiết kế và lập trình để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao

Máy bay phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng Tân An, Long An (Ảnh: Nam An)

Robot nông nghiệp cũng có khả năng thu hoạch và gieo hạt tự động theo một lập trình cài đặt sẵn. Nhờ các cảm biến và hệ thống định vị, chúng có khả năng xác định vị trí và tư thế để thực hiện công việc một cách chính xác, giúp giảm thiểu sức lao động nhưng lại tăng hiệu quả sản xuất.

Công cụ này cũng giúp tưới tiêu và chăm sóc cây trồng hiệu quả. Chúng được lập trình để có thể di chuyển trên cánh đồng và cung cấp nước, chất dinh dưỡng hoặc phun thuốc trừ sâu cho cây trồng theo lịch trình cài sẵn.

Robot nông nghiệp được lập trình để thực hiện các công việc khác như vệ sinh, cắt bỏ các phần không mong muốn và phân loại sản phẩm theo kích thước, màu sắc, chất lượng,… Công cụ này cũng có khả năng giám sát và phân tích dữ liệu, bằng các cảm biến và hệ thống thu thập dữ liệu về độ ẩm, nhiệt độ, mật độ cây trồng và các thông số khác để phân tích và đưa ra những quyết định chính xác về chăm sóc và quản lý nông nghiệp. Robot nông nghiệp góp phần nâng cao sự hiểu biết về cây trồng và tối ưu hóa quy trình sản xuất của người nông dân.

Vai trò và thách thức của tự động hóa trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao
Hình ảnh một robot nông nghiệp đang thu hoạch xà lách (Ảnh: Internet))

Ngoài máy bay và robot nông nghiệp, máy cắt cỏ điều khiển từ xa cũng là một công cụ có tính ứng dụng cao trong ngành nông nghiệp. Đây là công cụ tiên tiến, có khả năng cắt cỏ và quản lý cỏ dại trong nông nghiệp. Do đó, công cụ này giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể cho người lao động. Máy cắt cỏ tự động đem đến độ chính xác và hiệu suất lao động cao. Khả năng quản lý và xử lý triệt để cỏ dại được đánh giá là ứng dụng thông minh, hữu ích, là một ứng dụng quan trọng của công nghệ điều khiển tự động trong nông nghiệp.

Thiết bị dẫn đường máy nông nghiệp tự động là một ứng dụng khác của công nghệ điều khiển tự động trong nông nghiệp. Được thiết kế để hỗ trợ việc điều hướng và dẫn đường trong quá trình làm việc trên cánh đồng. Thiết bị này giúp định vị và dẫn đường chính xác, bởi sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí chính xác của máy móc trên cánh đồng, hoặc tự động điều chỉnh hướng đi và dẫn đường trên cánh đồng. Điều này giúp nâng cao hiệu suất làm việc và giảm thời gian di chuyển của máy trong quá trình làm việc.

Nhờ thiết bị tự động, người điều khiển không cần phải tập trung vào việc điều hướng và dẫn đường, giúp giảm sự mệt mỏi và tăng khả năng tập trung vào các nhiệm vụ khác.

Thiết bị còn có khả năng xác định và đánh dấu vùng làm việc trên cánh đồng, giúp người điều khiển làm việc theo khu vực đã được định sẵn, giúp tối ưu hóa việc quản lý và sử dụng không gian trên cánh đồng, đồng thời giảm nguy cơ làm hỏng các vùng không cần thiết.

Thách thức trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù tự động hóa mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp, nhưng cũng đem đến cho ngành nhiều thách thức, khó khăn. Có thể kể đến chi phí đầu tư vào công nghệ điều khiển tự động, việc đầu tư ban đầu đòi hỏi một lượng vốn lớn. Máy móc và thiết bị tự động hóa thường có giá cao, nếu thiếu nguồn ngân sách hay nguồn tài trợ của doanh nghiệp thì nhà nông khó có khả năng đầu tư. Điều này có thể làm hạn chế việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đào tạo và sử dụng công nghệ cũng là một rào cản với lãnh đạo địa phương. Người nông dân cần được hướng dẫn về cách vận hành, bảo trì và sửa chữa các thiết bị tự động hóa. Họ cũng cần có kiến thức về các công nghệ kỹ thuật số và quản lý dữ liệu. Điều này yêu cầu sự đầu tư vào việc đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, khi nhà nông phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng, vấn đề đặt ra một số vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư trong nông nghiệp tự động hóa chưa được đảm bảo. Dữ liệu về hoạt động nông nghiệp, thông tin về vườn trồng và vật nuôi có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng hoặc việc lạm dụng thông tin cá nhân. Do đó, cần có các biện pháp bảo mật và quản lý dữ liệu mạnh mẽ để đảm bảo an toàn và sự riêng tư của người sử dụng quy trình tự động hóa.

Đối mặt với các thách thức này, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu, để vượt qua các khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ điều khiển tự động trong nông nghiệp.

CHUNG TAY CHO MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH, BỀN VỮNG

Phát biểu tại Diễn đàn “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” được tổ chức vào 23/7/2024, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Phòng cho rằng, cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Sự lan tỏa rộng rãi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nỗ lực chuyển đổi số, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh, thay đổi cục diện thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân, với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, rất cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank cho biết, với việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về nguồn vốn và chi phí đầu tư ứng dụng tự động hóa. Theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 24/4/2017, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Agribank cũng tham gia vào chương trình cấp vốn cho hợp tác xã và nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng đã tiến hành cho nhiều đơn vị vay vốn, đầu tư máy móc phát triển nông nghiệp theo hướng mới. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn một số hạn chế và thách thức mà ngành ngân hàng cần khắc phục như hỗ trợ khách hàng vay vốn bằng thế chấp đất nông nghiệp; cụ thể hơn tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cũng nhấn mạnh, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững.

Theo ông Thắng, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu, phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững.

Chính vì vậy, ông Thắng mong muốn Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai yếu tố công, tư. Đồng thời, ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình đổi mới - sáng tạo được phép làm thí điểm, thử nghiệm theo đề xuất; tổng kết, đánh giá những ảnh hưởng tích cực hoặc hạn chế của mô hình, làm cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế cho loại hình đó.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng mong muốn Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác - liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp Khoa học để mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp thông minh, dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, gắn khoa học - công nghệ với năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

mca
Tin bài khác
Ra mắt tổ hợp Viện Tầm Nhìn Mới & Học viện Quốc tế FABIA: Cột mốc mới kết nối tri thức, công nghệ và sắc đẹp

Ra mắt tổ hợp Viện Tầm Nhìn Mới & Học viện Quốc tế FABIA: Cột mốc mới kết nối tri thức, công nghệ và sắc đẹp

Sáng 11/7/2025, Lễ khai trương Tổ hợp Văn phòng – Trung tâm giới thiệu sản phẩm Viện Tầm Nhìn Mới và Học viện Đào tạo Quốc tế FABIA đã chính thức diễn ra trong không khí trang trọng và ấm áp. Sự kiện không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái toàn diện về sức khỏe – sắc đẹp – giáo dục, mà còn mở ra cơ hội kết nối hợp tác quốc tế trong đào tạo và chuyển giao công nghệ.
AI giúp công ty Trung Quốc tăng 20% hiệu suất sản xuất, giảm 35% lỗi sản phẩm

AI giúp công ty Trung Quốc tăng 20% hiệu suất sản xuất, giảm 35% lỗi sản phẩm

Từ các nhà máy thép đến dây chuyền sản xuất màn hình hiển thị, doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển đổi sản xuất theo hướng thông minh, sạch hơn và hiệu quả hơn.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 13/7/2025: Tuổi Dần năng lượng tạm lắng, Tuổi Ngọ có quý nhân soi đường

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 13/7/2025: Tuổi Dần năng lượng tạm lắng, Tuổi Ngọ có quý nhân soi đường

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 13/7/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Tin tức ngân hàng nổi bật tuần qua: Hàng loạt chiến lược mới thu hút khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng

Tin tức ngân hàng nổi bật tuần qua: Hàng loạt chiến lược mới thu hút khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng

Tuần qua, nhiều ngân hàng đã có những động thái quan trọng nhằm mở rộng dịch vụ và thu hút khách hàng với hàng loạt diễn biến đáng chú ý liên quan đến hoạt động kinh doanh, chiến lược nhân sự như: Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 - Đưa Việt Nam tăng trưởng hai con số; Vietcombank đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững; Sacombank đồng hành cùng doanh nghiệp,...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ, AI và CNTT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ, AI và CNTT

Tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin và công nghiệp bán dẫn - nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 12/7/2025: Tuổi Tuất dễ gặp căng thẳng, tuổi Mùi gặp tích cực

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 12/7/2025: Tuổi Tuất dễ gặp căng thẳng, tuổi Mùi gặp tích cực

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 12/7/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Thị trường chứng khoán ngày 11/7: Tín hiệu điều chỉnh đang hình thành?

Thị trường chứng khoán ngày 11/7: Tín hiệu điều chỉnh đang hình thành?

Dù tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm, thị trường ngày 11/7 đang phát đi tín hiệu thận trọng khi VN Index hình thành cây nến Doji với bóng trên dài – dấu hiệu cho thấy áp lực chốt lời đang tăng dần sau chuỗi phiên tăng nóng. Dòng tiền vẫn hoạt động tích cực như không có sự lan tỏa rộng và sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các nhóm ngành.
Hội Tự động hóa Việt Nam và ENVIVA hợp tác phát triển AI phục vụ sản xuất và đào tạo

Hội Tự động hóa Việt Nam và ENVIVA hợp tác phát triển AI phục vụ sản xuất và đào tạo

Ngày 11/07, tại Hà Nội, Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) đã ký biên bản hợp tác với Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ ENVIVA.
Techcombank khẳng định vai trò dẫn dắt với Investment Summit 2025

Techcombank khẳng định vai trò dẫn dắt với Investment Summit 2025

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức thành công Techcombank Investment Summit 2025 với chủ đề “Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị.
Để AI “chiếm lĩnh” cuộc sống ở mức độ nào là do tính toán của con người

Để AI “chiếm lĩnh” cuộc sống ở mức độ nào là do tính toán của con người

Những năm gần đây, AI đang dần chiếm ưu thế và can thiệp quá nhiều vào đời sống con người. Thậm chí, với nghề viết và ngành giáo dục, AI cũng đã len lỏi và can thiệp mỗi ngày một sâu sắc,…
Quảng cáo
moxa