Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050

Không chỉ là lời hứa tại COP26, hành trình trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam đang định hình rõ rệt bằng những chính sách chiến lược, chương trình hành động cụ thể và sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội. Từ mục tiêu Net Zero, đến chương trình VNEEP và chính sách tiết kiệm năng lượng, mỗi bước tiến đang mở ra cánh cửa dẫn tới một tương lai xanh, bền vững và đầy nhân văn.
Bài 1: Tự động hóa - chìa khóa vàng cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp nặng: Giấc mơ khó thành hiện thực
Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050
Nhà máy điện gió Ea Nam, dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay


Cam kết Net Zero trở thành bước ngoặt kiến tạo tương lai

Trong thời đại khí hậu toàn cầu đang chuyển biến dữ dội, trái đất trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước sức ép từ phát triển thiếu kiểm soát. Lúc này, lựa chọn con đường trung hòa carbon không đơn thuần là một phương án, đó là một lời đáp xứng đáng cho trách nhiệm của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, cam kết Net Zero vào năm 2050 được công bố tại COP26 đã trở thành một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ cả trong tư duy phát triển và hành động chiến lược.

Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã thể chế hóa cam kết quốc tế bằng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Không chỉ đề cập đến CO₂, chiến lược còn bao phủ cả các khí nhà kính khác như CH₄, N₂O, thể hiện tầm nhìn toàn diện trong nỗ lực giảm phát thải.

Ước tính, hành trình đạt Net Zero đòi hỏi Việt Nam cần huy động nguồn lực đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD trong vài thập niên tới. Song đây không phải là chi phí, mà là khoản đầu tư chiến lược, đầu tư vào tương lai của một nền kinh tế xanh, cạnh tranh và hội nhập.

Lộ trình được vạch rõ, ngành điện, giao thông và công nghiệp, những lĩnh vực phát thải chủ lực, sẽ đạt đỉnh phát thải vào các mốc 2026, 2029 và 2033. Riêng lĩnh vực năng lượng đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo đạt khoảng 75% vào năm 2050. Việt Nam cũng tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu như Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), xây dựng thị trường carbon, và xúc tiến sản xuất hydrogen xanh, tạo tiền đề cho một hệ sinh thái năng lượng mới.

Tiết kiệm năng lượng, nền móng vững chắc của chuyển đổi xanh

Trong mọi kịch bản Net Zero, tiết kiệm năng lượng luôn là giải pháp đầu tiên và mang lại hiệu quả nhanh nhất. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 đã tạo dựng khung pháp lý cơ bản, thúc đẩy kiểm toán năng lượng, tiêu chuẩn thiết bị, cũng như mô hình doanh nghiệp dịch vụ năng lượng (ESCO).

Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050
Bộ Công Thương phát động phong trào Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025 với thông điệp Chuyển dịch xanh - Tương lai xanh.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả được xây dựng nhằm giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước”

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp lần thứ 9 ngày 18/6/2025 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một dấu mốc quan trọng, phản ánh bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy quản trị năng lượng quốc gia.

Với nhiều điểm mới quan trọng như: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển thị trường tư vấn, công ty dịch vụ năng lượng; chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng xanh; mở rộng dán nhãn năng lượng đối với vật liệu xây dựng, Luật đã tạo nhiều bước đột phá cả về kỹ thuật lẫn nội dung chính sách. Việc sửa đổi 19 điều, bổ sung 1 điều mới không chỉ cập nhật kịp thời thực tiễn sử dụng năng lượng, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh, tăng cường chế tài và tạo nền tảng pháp lý vững chắc hơn cho chuyển đổi năng lượng bền vững. Trong đó nổi bật là quy định thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm (Điều 41a) nhưng không tạo thêm tổ chức mới, vận hành động lập, xã hội hoá nguồn lực. Quỹ đóng vai trò thúc đẩy đầu tư, tài trợ các sáng kiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, Luật bãi bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp, thay vào đó là các chính sách tài chính xanh, hành lang pháp lý rõ ràng cho vay ưu đãi, tín dụng xanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải thiện hiệu suất năng lượng trong sản xuất, xây dựng và giao thông.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực ngay từ 1/1/2026, đây là bước đi quyết liệt và cần thiết để Việt Nam thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới nền kinh tế carbon thấp và phát triển xanh.

Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững

Cùng với đó là các chương trình khuyến khích tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và đầu tư trang thiết bị tiết kiệm năng lượng. Tư duy tiêu dùng tiết kiệm đang từng bước lan tỏa trong cộng đồng, từ hộ gia đình đến các khu công nghiệp.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, là một bước đi chiến lược thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Với mục tiêu tiết kiệm 5 - 7% tổng năng lượng tiêu thụ đến năm 2025 và 8 - 10% đến năm 2030, chương trình được triển khai toàn quốc, áp dụng với mọi đối tượng sử dụng và quản lý năng lượng. Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng, đào tạo nhân lực, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Chương trình còn hướng tới thay đổi hành vi xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành kinh tế trọng điểm, tiến tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trên cơ sở kế thừa và nâng cấp từ các chương trình mục tiêu quốc gia trước đó.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà:

“Tiết kiệm năng lượng không phải là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để chúng ta đạt được mục tiêu trung hòa carbon, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.”

Kết quả bước đầu từ giai đoạn 2019 đến nay rất khả quan, nhiều tỉnh, thành đã lồng ghép mục tiêu tiết kiệm năng lượng vào quy hoạch phát triển, ứng dụng tiêu chuẩn ISO 50001 và hình thành mạng lưới chuyên gia năng lượng địa phương. Đây là minh chứng rõ nét cho cách một chương trình chính sách có thể đi vào thực tiễn đời sống một cách hiệu quả và bền vững.

Truyền thông - nhịp cầu thúc đẩy thay đổi xã hội

Sự chuyển biến về hành vi không thể chỉ đến từ những văn bản quy phạm,nó cần một lực đẩy cảm xúc và nhận thức. Chính truyền thông, đặc biệt là báo chí, đang đóng vai trò ấy. Thông qua Giải báo chí về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, hàng trăm tác phẩm đã mang đến cái nhìn sống động và đầy tính thuyết phục về hành vi tiết kiệm năng lượng trong xã hội.

Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050
Lễ trao Giải báo chí về tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024

Những bài phóng sự sâu sắc về chuyển đổi công nghệ tại doanh nghiệp, những câu chuyện thường nhật của người dân nông thôn dùng điện mặt trời, những bài bình luận sắc sảo trên báo điện tử, tất cả tạo nên dòng chảy truyền thông giúp lan tỏa tư duy sống xanh. Đặc biệt, việc ứng dụng các nền tảng số như video, podcast, infographic,... đang mở ra nhiều hướng tiếp cận thế hệ trẻ, góp phần hình thành thói quen tiêu dùng năng lượng có trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương): “Các Chương trình, chỉ thị đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai”.

Từ lời cam kết quốc tế đến những chương trình thực tế trong nước, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là quốc gia có trách nhiệm với khí hậu toàn cầu. Nhưng thành công không thể chỉ đến từ các chính sách. Đó phải là sự đồng hành từ mọi tầng lớp xã hội, từ doanh nghiệp, người tiêu dùng đến giới truyền thông.

Lựa chọn trung hòa carbon không phải là một trào lưu nhất thời, mà là bước ngoặt của một quốc gia đang kiến tạo tương lai. Mỗi hành động tiết kiệm năng lượng hôm nay là một viên gạch đặt nền cho một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn và đủ sức đối diện với thách thức thời đại.

Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng, trong hành trình ấy, không chỉ là nơi vinh danh tác phẩm xuất sắc mà còn là bệ phóng cho những tư tưởng tiến bộ, khơi nguồn cảm hứng thay đổi và đồng hành với cuộc cách mạng xanh của cả dân tộc.

Nguyễn Tiến Dũng

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/tiet-kiem-nang-luong-la-nen-mong-cho-net-zero-2050-15071.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.