Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0".
Theo thống kê của Bộ Công Thương các công trình xây dựng tại Việt Nam, với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm trên 40% thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam ước tính từ 30 - 35%.
Ngoài ra, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến tháng 8/2024 cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025) hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).
Với những tính toán đó, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5% - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8% - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2030.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, qua đó ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” ngày 19/8/2024, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian qua rất nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 đã có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và cho đến thời điểm này đã có khoảng 16 Thông tư, 2 Nghị định và 02 Quyết định cuả Thủ tướng Chính phủ cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Đây là những văn bản hiện hành cho đến thời điểm này và có thể thấy việc ban hành các văn bản chính sách góp phần cho chúng ta tiết kiệm từ 5% đến 7% cho giai đoạn trước.
Quyết định, thông tư đã được ban hành nhưng trên thực tế, các ngành công nghiệp nặng tiêu thụ năng lượng lớn như xi măng, giấy, gang thép,… khó có thể thực hiện được. Bởi những cơ chế, chính sách, vốn, công nghệ,… vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Các ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều năng lượng
Năm 2022, tại Diễn đàn về tiết kiệm năng lượng do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 20/9, các chuyên gia chia sẻ, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE trở lên, tương đương 6 triệu kWh/năm), hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Đối với ngành xi măng, điện năng để sản xuất 01 tấn xi măng khoảng 90 - 100 kwh, nhiệt năng để sản xuất 01 tấn clinker khoảng 750 - 800 kcal/kg clinker, tương đương 107 - 114kg than tiêu chuẩn nhiệt trị 7.000 kcal/kg.
Hiện nay, cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư, tổng công suất thiết kế 122,34 triệu tấn/năm. Như vậy, nếu sản xuất và chạy 100% công suất, một năm ngành Xi măng sẽ tiêu hao khoảng 110 - 122 triệu KWh điện; Chi phí điện chiếm hơn 10% tổng chi phí sản xuất nhưng giá bán lẻ điện bình quân tăng từ ngày 04/5/2023 thêm 3%; từ ngày 9/11/2023 tăng thêm 4,5% (tổng 7,5%), làm tăng chi phí sản xuất thêm 1%.
Ngành giấy cũng là một trong 5 ngành công nghiệp có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn trên thế giới và tỷ trọng sử dụng chiếm tới 4% năng lượng toàn cầu mỗi năm. Do mức độ tiêu thụ năng lượng lớn, việc giảm tiêu hao nhiên liệu tương ứng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Theo khảo sát, đánh giá của Tổng công ty giấy Việt Nam, chi phí năng lượng chiếm đến 20 - 30% chi phí sản xuất trong sản xuất giấy và bột giấy. Với khoảng hơn 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 15 - 18%, nhu cầu năng lượng cho ngành giấy sẽ tăng rất nhanh trong các năm tới.
Thép là một trong những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Tổng năng lượng tiêu tốn mỗi năm hơn 187.000 tấn TOE (tấn dầu quy đổi), phát thải hơn 687.000 tấn CO2. Việt Nam hiện có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hàng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ KWh điện. Với một số nước tiên tiến như Nhật Bản, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm chỉ khoảng 350 - 400 KWh, trong khi các nhà máy thép của Việt Nam phải cần một lượng điện gấp đôi, khoảng 700 KWh.
Lý giải cho việc tiêu hao năng lượng nhiều, TS. Phạm Quang Đăng - Phó viện trưởng Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng ngành xi măng phải sử dựng lò nung clinker, điện cho các động cơ để duy trì quá trình công nghệ. Ngành công nghiệp giấy và bột giấy cũng sử dụng nhiều nhiệt năng và điện năng để cho quá trình sản xuất của mình. Trong khí đó, công nghệ được sử dụng cho các ngành này đã cũ, tiêu hao năng lượng cao, hiệu suất sử dụng nhiệt năng thấp.
Theo thống kê thì xấp xỉ 70% điện năng sản xuất ra đang được sử dụng cho các động cơ điện và việc sử dụng các động cơ có hiệu suất thấp (thường được sản xuất từ 20 năm trở về trước) trong các ngành công nghiệp cũng là một nguyên nhân gây ra suất tiêu hao điện năng lớn.
Ảnh minh họa về ngành xi măng |
Doanh nghiệp khó chuyển mình
Ngày 29/09/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn “Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và mẫu báo cáo kiểm toán năng lượng” , tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định.
Đánh giá về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay và tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như đóng góp của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, TS. Phạm Quang Đăng chia sẻ, doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép của sự cạnh tranh, đang tìm mọi cách để giảm thiểu tiêu hao năng lượng nên việc thay đổi trong tương lai bắt buộc phải thực hiện.
Với thực tế chúng ta nhìn thấy về việc các ngành công nghiệp nặng tiêu tốn mức năng lượng cao nhưng có rất ít biện pháp được đưa ra. Riêng ngành xi măng vẫn đang đối mặt với khó khăn do nguồn cung cao, trong khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất. Đặc bệt, với ngành giấy, hiện nay và trong tương lai, nhu cầu sử dụng giấy ngày càng ít đi dẫn đến nhà máy không có nhu cầu đầu tư đổi mới để tránh ngày càng thua lỗ nặng.
Tháng 10/2024 là thời điểm nhiều doanh nghiệp báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của quý 3. Trong khi nhiều lĩnh vực ngành nghề khác báo lãi thì nhiều công ty xi măng, sắt thép vẫn tiếp tục thua lỗ trong quý 3 và hầu như chưa có lối thoát cho việc này.
“Để thay đổi hoàn toàn công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp nặng không phải là dễ mặc dù lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã nhìn nhận ra vấn. Lý giải cho vấn đề này, chúng ta có thể thấy biên lợi nhuận của những ngành này thấp, cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do ngành công nghiệp nặng không thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư đổi mới công nghệ” - TS. Phạm Quang Đăng nhấn mạnh.
Về các giải pháp kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Hà - chuyên gia năng lượng (Công ty cổ phần RCEE-NIRAS) cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3), Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tiến hành một số nghiên cứu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện (VAS) nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, các doanh nghiệp công nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao hiệu quả năng lượng cũng như doanh nghiệp cần tham gia vào Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ nhận được các hỗ trợ kỹ thuật, như hỗ trợ kiểm toán năng lượng, thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng đề xuất dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng để tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuẩn bị hồ sơ thu xếp tài chính để tiếp cận các nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu. Các kết quả đạt được sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng, tuân thủ quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tăng cường năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Ngành công nghiệp nặng đang là ngành tiêu tốn năng lượng lớn so với các ngành khác. |
Từ nhận thức đến đổi mới công nghệ
Tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023 ngày 30/9/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. "Thực tế không ít những doanh nghiệp đang ở đỉnh cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm”. Thứ trưởng còn nhấn mạnh, với chuyển đổi xanh, không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường, còn là thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Năm 2020, Liên minh Châu Âu đã phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng là đạt được phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đặc biệt, quy định được phê duyệt vào tháng 5/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU để áp với các sản phẩm xuất khẩu vào EU.
Theo cơ chế này, từ năm 2026-2034, doanh nghiệp phải mua 01 chứng chỉ theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm; EU cũng sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Được biết, bước đầu, EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Mặc dù EU đã đưa ra một lộ trình để Việt Nam chuẩn bị, thích ứng nhưng rõ ràng ngay bây giờ chúng ta không thể đứng ngoài quy định của EU.
Mới đây, tại hội nghị BRICS năm 2024 diễn ra ngày 23-24/10 tại Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 kết nối chiến lược để cùng kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng. Trong đó, Thủ tướng cũng chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng thế giới tốt đẹp hơn" khi nhấn mạnh 3 quan điểm lớn. Đó là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thực tế các nhà máy công nghiệp của Việt Nam đều có tiềm năng rất lớn, có khả năng tự sản tự tiêu sẽ giảm bớt được lượng điện, cải thiện được vấn đề tiêu hao năng lượng; hay tận dụng khuôn viên, nhà xưởng của mình để lắp đặt điện mặt trời áp mái tự cung cấp cho một phần nhu cầu của mình.
Có hai khía cạnh mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Đối với một số ngành về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng chi phí điện đang chiếm từ 15 - 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng.
Theo các chuyên gia cốt lõi của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp công nghiệp là việc phối hợp giữa 4 phương pháp: Nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của cán bộ công nhân viên; đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng mới thay thế; áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý năng lượng; giám sát và cải tạo hệ thống theo hướng tiết kiệm năng lượng.
TS. Phạm Quang Đăng cho rằng, ngay cả khi vì nhiều lý do khác nhau không thể đổi mới toàn diện được công nghệ sản xuất thì ta cũng có thể thực hiện việc đổi mới, nâng cấp thiết bị công nghệ từng phần cho những công đoạn có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp. Ví dụ ta có thể lắp đặt biến tần và thay đổi phương pháp điều khiển cho các quạt gió, các thiết bị công nghệ, thay thế các động cơ hỏng hóc bằng động cơ mới có hiệu suất cao hơn. Tuy nhiên, điều này đỏi hỏi phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả, tránh tình trạng sử dụng biến tần theo phong trào những năm trước đây gây nhiều lãng phí, không những không đạt được hiệu quả tiết kiệm mà còn gây ra mức tiêu hao điện năng lớn hơn hoặc làm ảnh hưởng tới công nghệ và giảm chất lượng sản phẩm. Việc nâng cấp đổi mới thiết bị công nghệ cũng đòi hỏi phải có chiến lược xuyên suốt, tránh lãng phí nhưng cũng cần dứt khoát, cần mạnh dạn thay thế thiết bị mới thay vì nhiều lần sửa chữa thiết bị cũ gây tốn kém và hiệu suất năng lượng không cao, phát thải khí nhà kính nhiều.
Muốn đạt mục tiêu Net zero đòi hỏi chúng ta làm được việc kiểm toán năng lượng nghĩa là mỗi thiết bị đưa vào sử dụng ta phải đánh giá được mức phát thải CO2 của thiết bị đấy là bao nhiêu trong quá trình sản xuất và chi phí vận hành (động cơ, vận hành bao nhiêu), căn cứ trên tỷ trọng giữa năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo của Việt Nam ở từng thời điểm thì mức phát thải của công nghệ mình đang sử dụng là bao nhiêu. Từ đó mới có biện pháp để giảm thiểu.
Bên cạnh đó, chúng ta nên thay đổi thói quen của người sử dụng, nâng cao ý thức tiết kiệm điện để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả và bền vững.
Hương Duyên - Bảo Hà