Vươn mình bền vững với công nghiệp xanh và xuất khẩu thông minh Việt Nam nỗ lực hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050 |
![]() |
Diễn đàn Net Zero 2025 là sự kiện thường niên được tổ chức tại TP.Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: BTC |
Sáng 18/7, tại Hà Nội, Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Tạp chí The Leader đã tổ chức thành công “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức chính ở TP. Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, với mục đích đóng góp có ý nghĩa vào tiến trình thực thi cam kết quốc tế của Chính phủ về lộ trình Net Zero vào năm 2050. Diễn đàn thu hút được gần 200 khách mời, là nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp tiêu biểu về thực hiện giảm phát thải, cùng các cơ quan báo chí, truyền thông.
Cam kết lộ trình Net Zero
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển cho biết, Việt Nam là quốc gia ít bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 với nhiều giải pháp lớn để cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; bên cạnh đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển. Ảnh: BTC |
“Đây là một trong những cam kết lớn nhất mà nhân loại từng thực hiện. Cho đến nay, chưa từng có một cam kết nào mang tầm vóc vĩ đại như vậy, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây chưa phải là cam kết cuối cùng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của loài người. Chúng ta có quyền hy vọng rằng trong tương lai, sẽ còn nhiều hành động mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế để cứu lấy hành tinh này”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Theo TS. Nghĩa, Lộ trình đến Net Zero của Việt Nam không còn dài. 25 năm tới sẽ là một chặng đường đầy thách thức khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kép, vừa nỗ lực giảm phát thải vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao để vươn tới là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Hành trình này rất cần có sự chung tay mạnh mẽ của cả cộng đồng.
Thông tin thêm về những nguy hại của biến đổi khí hậu trên thế giới, TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, cường độ và tần suất của các thảm họa thiên nhiên và đại dịch đang gia tăng nhanh chóng. Trước đây, phải 200 năm mới có một đại dịch, rồi rút xuống còn 100 năm, 50 năm, và giờ đây - cứ mỗi 16 năm lại xuất hiện một đại dịch quy mô toàn cầu. Nguy cơ từ các loại virus cũng ngày càng hiện hữu: khoảng 1,6 triệu virus từng cư trú trong rừng, sống ký sinh trên các loài động vật hoang dã, đang dần xâm nhập vào con người.
Trong phần chia sẻ của mình, TS. Quang đặc biệt lưu ý, cam kết COP26 của Việt Nam chỉ thực sự khả thi khi có sự đồng hành từ các đối tác toàn cầu. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án thực hiện các cam kết nêu trên. Đề án này tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính nhằm đạt mục tiêu Net Zero. Đó là, chuyển đổi năng lượng; tiết kiệm năng lượng đi kèm với thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng phát triển rừng và các hệ sinh thái; thu hồi và lưu trữ carbon, thông qua việc tận dụng các mỏ than, mỏ dầu khí đã khai thác để thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon và phát triển thị trường carbon.
![]() |
TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: BTC |
TS. Quang chỉ ra, hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế định giá carbon. Cơ chế này chủ yếu gồm hai hình thức: thuế carbon và thị trường carbon. Chỉ riêng giải pháp định giá carbon đã giúp kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu - tương đương khoảng 12 đến 14 tỷ tấn CO₂ mỗi năm. Quy mô giao dịch carbon toàn cầu đạt tới 152 tỷ USD, trong đó riêng một số thị trường đã đạt 102 tỷ USD - cho thấy đây là một giải pháp thực sự hiệu quả.
Với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon vào ngày 24/1/2025. Theo đó, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm, và đến năm 2029 sẽ vận hành chính thức, đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới.
Phân tích khuôn khổ pháp lý để phát triển bền vững tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định, thị trường carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn định hình nền móng, với hành lang pháp lý bước đầu khá rõ ràng, các chủ thể liên quan đã bắt đầu tiếp cận và tham gia
“Ngay từ giai đoạn dự thảo Paris, Việt Nam đã xây dựng Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC), trong đó cam kết giảm phát thải 8% không điều kiện và 25% nếu có hỗ trợ. Đến năm 2020, con số này được nâng lên thành 9% và 27%. Và tại COP26 (2021), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố mang tính bước ngoặt: Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một cam kết sớm và mạnh hơn nhiều nước đang phát triển khác có mặt bằng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc hay Nga”, PGS.TS Quang thông tin.
Tuy vậy, theo ông Quang, Việt Nam còn nhiều khoảng trống pháp lý vẫn cần được lấp đầy, thông qua hệ thống hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Năng lực quản lý, giám sát và triển khai ở cấp địa phương và doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua các chương trình đào tạo bài bản và cơ chế hỗ trợ chuyên môn. Mô hình sàn giao dịch carbon cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả giao dịch. Cần gắn phát triển thị trường carbon với số hóa hệ thống giám sát, bảo đảm dữ liệu chính xác, kịp thời và có thể kiểm chứng. Vai trò điều tiết của Nhà nước, sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân, và hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ là những trụ cột để bảo đảm tính bền vững và phát triển lâu dài của thị trường carbon Việt Nam.
Việt Nam đủ tiềm lực làm chủ “cuộc chơi”
![]() |
Trong khuôn khổ diễn đàn, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, xung quanh những vấn đề “nóng nhất” của Net Zero. Ảnh: BTC |
Theo đó, các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận, đưa ra các sáng kiến, kiến nghị, giải pháp trên mọi phương diện nhằm thúc đẩy tiến trình cân bằng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam nói chung và triển khai hiệu quả thị trường carbon Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới.
Nổi tiếng với thương hiệu Lúa tôm, Gạo ST25, Gạo ông Cua, nhưng Anh hùng Lao động (AHLĐ), kỹ sư Hồ Quang Cua lại có những quan điểm thiết thực, dân dã về Net Zero. Ông tâm sự, ông đến với nông nghiệp xanh một cách tự nhiên, như hơi thở, như cách người nông dân đã từng ứng xử với đất mẹ. Ông hiểu người nông dân, hiểu cách họ sống và ứng xử với đất, với vật nuôi, cây trồng nên ông tự xây dựng mô hình, tự làm, khi có kết quả, người nông dân tự giác học và làm theo. AHLĐ, kỹ sư Hồ Quang Cua và nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó có rất nhiều giải pháp của ông được đánh giá là mô hình tiên tiến được áp dụng rộng rãi.
Phân tích về tiềm năng phát triển các dự án carbon tại Việt Nam và vai trò của tài chính quốc tế, theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, ông Lê Quang Linh - Giant Barb Việt Nam cho rằng, hiện thị trường quốc tế và các bên mua tín chỉ carbon có xu hướng ưu tiên các dự án liên quan đến quản lý chất thải, lâm nghiệp, nông nghiệp, và dịch vụ cộng đồng, thay vì các dự án năng lượng tái tạo truyền thống như điện mặt trời hoặc điện gió trên bờ.
![]() |
Diễn đàn năm nay thu hút khoảng 200 đại biểu, gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, giới truyền thông. Ảnh: BTC |
Tập đoàn Ecotech tại Việt Nam đã nghiên cứu và xác định bốn loại hình dự án hiện có tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rất lớn trong nước. Đó là các dự án sản xuất Biochar từ phế phụ phẩm nông nghiệp, xuất phát từ thực tế hơn 50% lượng rơm sau thu hoạch vẫn bị đốt bỏ trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Biochar - một sản phẩm được tạo ra từ quá trình nhiệt phân sinh khối trong môi trường thiếu oxy là vật liệu xốp giàu carbon. Khi được bón vào đất, Biochar giúp cải thiện chất lượng đất, giữ nước, giữ dinh dưỡng, đồng thời lưu trữ carbon trong đất từ 100 năm trở lên.
Sau Biochar là các dự án thu hồi biogas và phát điện từ hoạt động chăn nuôi heo. Việt Nam hiện đã có nhiều dự án đốt rác phát điện trong quá trình chuẩn bị triển khai. Cụ thể, tại Hà Nội, đã có Nhà máy điện rác Nam Sơn đi vào hoạt động. Tại các tỉnh như Bình Định, Long An, Hậu Giang, các thủ tục liên quan đến nhà đầu tư đang được tiến hành. Nếu tôi nhớ không nhầm, Huế cũng đang triển khai một nhà máy điện rác công suất 80 MW. Nhà máy điện rác Nam Sơn hiện cũng đang trong quá trình thẩm định để phát triển thị trường carbon theo cơ chế VERRA/VCS (tức cơ chế PCS).
![]() |
Bà Betty Palard, Đồng sáng lập Ủy ban Tài chính bền vững EuroCham, CEO ESG Climate Consulting. Ảnh: BTC |
Đánh giá Việt Nam đủ tiềm lực để làm chủ “cuộc chơi Net Zero”, bà Betty Palard, Đồng sáng lập Ủy ban Tài chính bền vững EuroCham, CEO ESG Climate Consulting nhận định, tín chỉ carbon là tiền tệ xanh của tương lai. Việt Nam có lợi thế lớn trong lĩnh vực này, vì người Việt Nam rất giỏi về toán học, am hiểu thiên nhiên và là quốc gia có nền nông nghiệp chiếm tới 92% nền tảng kinh tế.
Bà thông tin, Công ty ESG Climate Consulting đã đăng ký hơn 169 dự án phát sinh tín chỉ carbon trên toàn cầu, trải rộng ở 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo bà, có ba cách chính để tạo ra tín chỉ carbon, dẫn đến ba loại khác nhau: tín chỉ carbon trắng, tín chỉ carbon xanh lá cây và tín chỉ carbon xanh dương. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không có việc "mua bán" tín chỉ carbon theo nghĩa thông thường. Thay vào đó, các quốc gia cần phải cùng nhau đầu tư vào những dự án có khả năng phát sinh tín chỉ carbon.
Theo bà Betty Palard, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra vấn đề về giới hạn phát thải carbon bình quân đầu người. Họ thắc mắc, tại sao Việt Nam chỉ được phép phát thải 3,6 tấn trong khi ở châu Âu là 9 tấn và ở Mỹ là 11 tấn? Mỹ hiếm khi tuân thủ con số đó, thường vượt lên 17-18 tấn. Châu Âu cũng vậy. Nhưng Việt Nam chưa bao giờ vượt quá mức trung bình 3,6 tấn/người.
“Theo tôi, chúng ta gần như đã đạt Net Zero rồi. Vậy câu chuyện ở đây là gì? 90% lượng carbon hiện tại trong khí quyển không phải do chúng ta phát thải. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang cùng với thế giới giải quyết vấn đề này. Vì vậy, chúng ta chỉ nên tập trung vào bốn loại hình tài chính: tài chính carbon, tài chính khí hậu, tài chính xanh và tài chính chuyển đổi. Trong đó, tài chính chuyển đổi có một chương trình rất quan trọng, đó là năng lượng sạch và nông nghiệp xanh. Hai lĩnh vực này được định nghĩa trong adaptation finance. Trong lúc giảm thiểu và nỗ lực hấp thụ carbon, chúng ta còn phải phục hồi đất. Đó mới là bài toán của Việt Nam. Nếu chỉ tập trung vào Net Zero thì không hiệu quả, bởi vì có một nghịch lý lớn ở Việt Nam: trong lúc giảm phát thải, chúng ta còn phải đối mặt với sự thay đổi rất mạnh mẽ của khí hậu”, bà nhấn mạnh.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/dien-dan-net-zero-viet-nam-2025-cam-ket-lo-trinh-cho-mot-the-gioi-xanh-15157.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.