[E-Magazine] ISO 50001: Chuẩn mực toàn cầu cho quản lý năng lượng thông minh Tiết kiệm năng lượng là “nền móng” cho Net Zero 2050 Giữ lửa truyền thông cho một tương lai xanh |
Ghi nhận những mô hình hiệu quả ở châu Á
Trong dòng chuyển động lớn của thế giới hướng tới phát triển bền vững, có một giá trị tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh chuyển hóa vô cùng sâu rộng, đó là hành vi tiết kiệm năng lượng. Không chỉ đơn thuần là cắt giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng chính là gốc rễ của sự chuyển đổi xanh, là thước đo ý thức công dân trong một xã hội hiện đại.
Nhiều quốc gia châu Á đã chứng minh điều đó bằng chính những mô hình đầy sáng tạo và hiệu quả, nơi chính sách, giáo dục, truyền thông và công nghệ cùng hòa vào nhau để khơi dậy một dòng chảy xã hội biết quý trọng từng đơn vị điện năng.
Trung Quốc là một trong những quốc gia điển hình cho cách tiếp cận toàn diện và hệ thống. Ngay từ cuối thập niên 1990, nước này đã xác lập hành lang pháp lý vững chắc thông qua Luật Tiết kiệm năng lượng và hàng loạt chương trình hành động quy mô quốc gia. Những chiến dịch như “Top 10.000 doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng” không chỉ mang tính bắt buộc mà còn là chỉ tiêu thi đua gắn với trách nhiệm chính trị - xã hội của doanh nghiệp.
Song song với đó, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào truyền thông đại chúng. Các nền tảng như CCTV, WeChat, Douyin trở thành kênh phổ biến thông tin một cách khéo léo và hiện đại, từ các video ngắn hướng dẫn hành vi tiết kiệm đến những chiến dịch gắn với hình ảnh người nổi tiếng, doanh nhân, học sinh. Đặc biệt, việc công khai minh bạch những doanh nghiệp làm tốt và làm chưa tốt đã tạo ra một áp lực xã hội tích cực, thúc đẩy thay đổi thực chất từ bên trong.
![]() |
Một buổi tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Trung Quốc. Nguồn internet |
Nếu Trung Quốc sử dụng cơ chế cưỡng chế và thi đua chính sách, thì Nhật Bản lại đi một con đường khác, lặng lẽ hơn nhưng thấm sâu hơn. Nơi đây, tiết kiệm năng lượng không đến từ các khẩu hiệu hô hào, mà bắt nguồn từ một nền tảng văn hóa hàng thế kỷ: triết lý Mottainai - “tiếc nuối khi lãng phí”. Cảm thức ấy ăn vào tiềm thức người dân Nhật từ những điều nhỏ nhất, từ việc tắt điện khi ra khỏi phòng, mặc ấm để giảm dùng điều hòa, đến việc sử dụng vật dụng nhiều lần. Các chiến dịch nổi tiếng như Cool Biz hay Warm Biz được phát động từ chính phủ nhưng lan tỏa bằng sự hưởng ứng tự nhiên trong từng văn phòng, trường học, hộ gia đình. Đặc biệt, giáo dục năng lượng được lồng ghép khéo léo vào chương trình học, vào truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi,… chứ không áp đặt mà truyền cảm. Hành vi tiết kiệm ở Nhật không phải là nghĩa vụ, mà là biểu hiện của văn minh và trách nhiệm cộng đồng.
![]() |
Tuyên truyền mặc trang phục mát mẻ - Một hình thức tiết kiệm năng lượng cho điều hòa không khí tại Nhật Bản. Nguồn internet |
Ở một thái cực khác, Singapore chọn lựa một hướng đi công nghệ hóa và dữ liệu hóa hành vi tiêu dùng năng lượng. Với một quốc gia nhỏ, giàu tài nguyên trí tuệ nhưng hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, Singapore hiểu rằng việc sử dụng năng lượng hiệu quả phải được quản lý đến từng kilowatt giờ. Các ứng dụng điện tử được thiết kế để người dân dễ dàng theo dõi mức tiêu thụ điện, nhận cảnh báo khi vượt ngưỡng trung bình khu vực, thậm chí được đề xuất những thói quen phù hợp với điều kiện sinh hoạt của từng hộ gia đình. Những chiến dịch cộng đồng như “Power Saving Challenge” vừa vui, vừa hữu ích, vừa có phần thưởng vừa có sự công khai kết quả, tạo nên một tinh thần thi đua thân thiện nhưng không kém phần hiệu quả. Hạ tầng đo đếm thông minh được kết nối với trí tuệ nhân tạo, giúp chính phủ và người dân cùng nhìn thấy “bức tranh năng lượng” theo thời gian thực - từ đó hành động cụ thể, kịp thời và chính xác hơn.
![]() |
Biểu đồ Tương lai Không phát thải của Singapore. Nguồn internet |
Không quá công nghệ cao cũng không trầm lắng như Nhật, Thái Lan tạo dấu ấn riêng trong việc phổ biến thói quen tiết kiệm năng lượng bằng chính đời sống văn hóa đại chúng. Những chương trình truyền hình, video TikTok, phim ca nhạc với chủ đề sống xanh được dàn dựng công phu, có yếu tố giải trí nhưng đồng thời truyền đi thông điệp rõ ràng, dễ nhớ, dễ áp dụng. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng trở thành đại sứ năng lượng, họ truyền cảm hứng qua phong cách sống, thói quen hằng ngày. Song song, chính phủ Thái Lan tổ chức các cuộc thi và lễ vinh danh như “Energy Awards” để biểu dương các doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình có sáng kiến và hiệu quả vượt trội. Từ giải trí đến thi đua, Thái Lan đã khiến tiết kiệm năng lượng trở thành một phần của phong cách sống hiện đại.
![]() |
Thái Lan trao _Energy Awards_ để biểu dương các doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình có sáng kiến tiết kiện điện hiệu quả vượt trội. Nguồn internet |
Gợi mở từ bài học khu vực
Từ những mô hình ấy, có thể thấy tiết kiệm năng lượng không còn là việc riêng của ngành điện lực hay chỉ giới hạn trong các nhà máy, khu công nghiệp. Đó là một quá trình thay đổi hành vi xã hội trên quy mô toàn dân, đòi hỏi sự dẫn dắt chiến lược từ nhà nước, sự sáng tạo trong truyền thông và sự thẩm thấu trong từng lớp giáo dục, văn hóa, công nghệ. Với Việt Nam, đây chính là lúc để tái định hình lại cách tiếp cận với vấn đề này, để không chỉ truyền đi khẩu hiệu mà tạo được cảm xúc, cảm hứng và cam kết hành động từ phía cộng đồng.
Thực tế, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng, từ việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức Tuần lễ tiết kiệm năng lượng, đến các hoạt động truyền thông trên truyền hình và báo chí. Tuy nhiên, điều cần làm chính là một chiến dịch có sức lan tỏa toàn diện, có chỉ tiêu giám sát và có sự cộng hưởng từ xã hội dân sự, truyền thông đại chúng và công nghệ số. Việt Nam cần một "Tháng hành động vì năng lượng tiết kiệm", gắn với thi đua các cấp, có công khai minh bạch, có nêu gương điển hình và có xử lý những trường hợp chưa tuân thủ.
![]() |
Các tác phẩm tranh vẽ dự thi cuộc thi Học sinh với kiến thức sử dụng điện An toàn - Tiết kiệm - Hiệu quả' được chọn lọc và trưng bày tại Công viên APEC Đà Nẵng. Ảnh TN |
Giáo dục cũng cần được cải thiện, không chỉ đưa kiến thức năng lượng vào sách giáo khoa, mà cần xây dựng các chương trình ngoại khóa, sân chơi học đường với nội dung hấp dẫn, dễ cảm, dễ nhớ. Học sinh có thể thi sáng kiến tiết kiệm điện cho gia đình, đóng tiểu phẩm hài về hành vi sử dụng điện thông minh, hay thiết kế video tuyên truyền do chính các em thực hiện. Một thế hệ lớn lên cùng với nhận thức tiết kiệm năng lượng chính là nguồn tài sản bền vững nhất cho đất nước trong hành trình chuyển đổi xanh.
Về mặt công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có khả năng triển khai các ứng dụng theo dõi tiêu thụ điện ở cấp hộ gia đình. Đây không chỉ là công cụ minh bạch hóa mà còn là nền tảng để khuyến khích thi đua xanh giữa các tổ dân phố, khu chung cư, trường học. Mỗi hộ gia đình có thể nhận được một báo cáo điện năng định kỳ kèm theo lời gợi ý cụ thể, dễ hiểu và gợi cảm hứng hành động. Và khi công nghệ gắn liền với thi đua, hành vi tốt sẽ không còn mang tính đơn lẻ, mà có sức cộng hưởng.
![]() |
Nghệ An tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm cho giáo viên và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Châu Cam. Ảnh TH - Báo Nghệ An |
Cuối cùng, để tiết kiệm năng lượng trở thành một phong trào sống động, Việt Nam cần đưa truyền thông đại chúng vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa. Hãy để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung, nhà làm phim, nhà báo - những người đang tác động đến cảm xúc của hàng triệu người - trở thành những người đồng hành trong chiến dịch lan tỏa hành vi xanh. Khi truyền thông không chỉ nói “tiết kiệm là tốt” mà kể những câu chuyện thực, hành động thật, con người thật, thì khi ấy, tiết kiệm năng lượng không còn là lựa chọn, mà trở thành một phần bản sắc của xã hội hiện đại.
Từ những bài học quốc tế đến điều kiện nội tại, Việt Nam có cơ hội để kiến tạo một mô hình hành vi tiết kiệm năng lượng riêng biệt, bền vững, và mang dấu ấn văn hóa của chính mình. Đó là mô hình kết hợp giữa văn hóa - số hóa - đại chúng hóa. Và trên hết, đó là mô hình đặt niềm tin vào sự thay đổi của mỗi người dân, bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất.
Ngân Hà
Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/dong-chay-xanh-tu-nhung-quoc-gia-biet-tiet-kiem-nang-luong-15175.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.