Quyết định 21/2025: Cú hích giúp Agribank tái định vị vai trò trong phát triển bền vững

Ngày 4/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg, quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy đầu tư xanh, phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Agribank - ngân hàng có mạng lưới rộng khắp nông thôn là một trong những tổ chức tài chính tiên phong triển khai tín dụng xanh một cách có hệ thống, bài bản, từ chính sách nội bộ đến hành động thực tiễn.
Agribank khẳng định kênh dẫn vốn chính cho phát triển “tam nông” Agribank củng cố vị thế chủ lực trong ngành ngân hàng Loạt "ông lớn" ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng tốc
Quyết định 21/2025: Cú hích cho Agribank tái định vị vai trò trong phát triển bền vững

Chủ động từ khung chính sách đến hành động cụ thể

Ngay trước khi Quyết định 21 chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2025, Agribank đã thể hiện vai trò chủ động trong việc xây dựng nền tảng hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Một trong những bước đi đầu tiên là việc ban hành Quyết định 2525/QĐ-NHNo-TD, xây dựng bộ lọc tín dụng môi trường - xã hội nội bộ. Theo đó, Agribank loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng cho các dự án, ngành nghề có rủi ro môi trường cao như khai thác rừng, sản xuất amiăng trắng, hoặc khai thác tài nguyên gây tổn hại hệ sinh thái. Đây là bước tiền đề để ngân hàng kiểm soát dòng vốn chảy vào các dự án gây tổn hại lâu dài tới môi trường và cộng đồng.

Cùng với đó, Agribank cũng xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) cho toàn hệ thống, tích hợp chặt chẽ vào quy trình thẩm định tín dụng. Bộ tiêu chuẩn này được thiết kế dựa trên các thông lệ quốc tế, đồng thời tham chiếu trực tiếp Quyết định 21 để đảm bảo tính tương thích. Thông qua ESG, Agribank không chỉ đánh giá mức độ “xanh” của dự án mà còn xem xét tính bền vững tổng thể, từ quy trình vận hành đến tác động xã hội và quản trị doanh nghiệp của bên vay.

Bên cạnh khung chính sách, Agribank triển khai nhiều gói tín dụng xanh quy mô lớn. Đáng chú ý, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh và xử lý chất thải được ngân hàng tung ra với lãi suất ưu đãi từ 5,5 - 6%/năm, cố định đến cuối năm 2025. Trước đó, từ năm 2017, Agribank cũng đã vận hành gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, một lĩnh vực có ý nghĩa lớn trong quá trình chuyển đổi xanh nông thôn. Đặc biệt, nhằm đưa tín dụng xanh đến gần hơn với người dân, Agribank còn triển khai gói 10.000 tỷ đồng cho vay cá nhân đầu tư năng lượng mặt trời áp mái, xe điện, mô hình sản xuất hữu cơ, với lãi suất từ 3,5%, mức rất cạnh tranh so với mặt bằng chung.

Agribank đẩy mạnh chuyển đổi số: Kiến tạo ngân hàng nhân văn vì cộng đồng Agribank đẩy mạnh chuyển đổi số: Kiến tạo ngân hàng nhân văn vì cộng đồng

Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế các gói vay, Agribank còn tổ chức hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng tiếp cận tín dụng xanh. Tại nhiều chi nhánh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngân hàng đã triển khai mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình canh tác phát thải thấp, xây dựng chuỗi giá trị xanh từ trồng trọt đến tiêu thụ. Những mô hình này không chỉ giúp người dân giảm thiểu chi phí đầu vào mà còn dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ chính sách của Agribank.

Tính đến hết quý 1/2025, tổng dư nợ tín dụng xanh của Agribank đạt khoảng 29.300 tỷ đồng, phục vụ hơn 41.600 khách hàng trên cả nước. Trong đó, hơn một nửa dư nợ tập trung vào năng lượng tái tạo, phần còn lại chia đều cho lâm nghiệp bền vững và nông nghiệp xanh. So với năm 2020, thời điểm Agribank mới bắt đầu thiết lập hệ thống tín dụng xanh, dư nợ hiện tại đã tăng gấp ba lần, phản ánh sự dịch chuyển rõ rệt trong chiến lược tín dụng của ngân hàng này.

Quyết định 21/2025: Cú hích cho Agribank tái định vị vai trò trong phát triển bền vững
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank.

Quý 1/2025, Agribank đã có hơn 41.600 khách hàng được cấp tín dụng xanh và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỉ đồng. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp xanh.

Agribank giữa cuộc đua tài chính xanh toàn ngành

Dưới góc nhìn toàn ngành, Agribank không phải là ngân hàng có dư nợ xanh lớn nhất, nhưng lại nổi bật ở mức độ phủ rộng, đặc biệt tại khu vực nông thôn, nơi các tổ chức tài chính khác ít đầu tư. Trong khi các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank hay VietinBank đang chiếm ưu thế về quy mô dư nợ và khả năng huy động vốn xanh quốc tế thì Agribank lại là đơn vị có tính thực thi bám sát người dân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những nhóm dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Cụ thể, BIDV hiện đang dẫn đầu ngành ngân hàng về tín dụng xanh với dư nợ hơn 80.800 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Ngân hàng này triển khai hàng loạt sản phẩm xanh như trái phiếu xanh, tiền gửi xanh và hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Vietcombank cũng có dư nợ xanh gần 48.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn và hạ tầng thân thiện môi trường. Trong khi đó, VietinBank xây dựng khung tài chính bền vững theo chuẩn quốc tế, hợp tác huy động khoảng 1 tỷ USD từ các tổ chức nước ngoài cho các dự án xanh.

So với các ngân hàng này, Agribank đang sở hữu lợi thế đáng kể về hệ thống chi nhánh trải dài đến tận xã, thôn. Đây chính là điều kiện lý tưởng để tín dụng xanh được triển khai đồng bộ, đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Mặt khác, cách tiếp cận xanh của Agribank không chỉ gói gọn trong năng lượng tái tạo mà còn bao trùm các lĩnh vực đặc thù Việt Nam như nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất nông sản sạch, phát triển lâm nghiệp bền vững.

Quyết định 21/2025: Cú hích cho Agribank tái định vị vai trò trong phát triển bền vững
Cán bộ Agribank tư vấn cấp tín dụng cho một nhà máy điện gió.

Tuy nhiên, để phát huy trọn vẹn vai trò trong hệ sinh thái tài chính xanh quốc gia, Agribank cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong số đó là vấn đề giải ngân. Theo lãnh đạo ngân hàng này, mặc dù có nhiều gói vay xanh với lãi suất ưu đãi, song không ít khách hàng gặp khó khăn trong việc chứng minh tiêu chí môi trường, dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao.

Để tháo gỡ, Agribank đã phối hợp cùng các sở ngành, tổ chức quốc tế tổ chức các buổi tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, giúp khách hàng lập hồ sơ dự án đạt chuẩn theo Quyết định 21/2025/QĐ-TTg. Đồng thời, ngân hàng cũng nghiên cứu đơn giản hóa quy trình thẩm định, đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng xanh số hóa, kết hợp AI để xác định nhanh các dự án đủ điều kiện.

Đáng chú ý, Agribank cũng là một trong những ngân hàng Việt Nam đầu tiên cùng Ngân hàng Nhà nước tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính xanh. Trong chuyến công tác tại Đức và Luxembourg hồi giữa năm 2025, lãnh đạo Agribank đã tiếp cận nhiều mô hình tài chính bền vững tiên tiến, làm cơ sở để cập nhật khung ESG và đề xuất huy động nguồn vốn xanh quốc tế trong thời gian tới.

Sự vào cuộc mạnh mẽ và bài bản của Agribank trong triển khai Quyết định 21 là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các tổ chức tín dụng quốc doanh đang từng bước dịch chuyển từ tư duy hỗ trợ sang tư duy kiến tạo phát triển bền vững.

Với dư nợ xanh ngày càng tăng, hệ thống chính sách ngày một hoàn thiện, cùng với vai trò kết nối đến người dân vùng sâu, vùng xa, Agribank đang góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch mô hình kinh tế Việt Nam sang hướng xanh hóa – điều mà Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đều đang kỳ vọng.

Hồng Minh

Đường dẫn bài viết: https://tudonghoangaynay.vn/quyet-dinh-212025-cu-hich-giup-agribank-tai-dinh-vi-vai-tro-trong-phat-trien-ben-vung-15283.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2024 https://tudonghoangaynay.vn/ All right reserved.